Trung Quốc: “Kinh tế vỉa hè” biến tướng thành “kinh tế cửa hàng nhỏ”
“Kinh tế vỉa hè” được thủ tướng Lý Khắc Cường ủng hộ đã ‘không bệnh mà chết’. Gần đây, Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đưa ra “kinh tế cửa hàng nhỏ”. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, bất luận là “kinh tế vỉa hè” hay “kinh tế cửa hàng nhỏ” thì đều là bước đường cùng của nền kinh tế ĐCSTQ.
Vào ngày 14/7, 7 ban ngành liên hiệp bao gồm Bộ Thương mại thuộc Quốc vụ viện ĐCSTQ đã cùng nhau đưa ra “thông báo hành động thúc đẩy việc triển khai kinh tế cửa hàng nhỏ”, yêu cầu các ban ngành “toàn lực hỗ trợ kinh tế cửa hàng nhỏ”. Cho tới năm 2025, cần gây dựng 100 thành phố (quận) làm thí điểm cho kinh tế cửa hàng nhỏ, hình thành 1.000 cụm cửa hàng nhỏ với “tiếng vang” mạnh mẽ, đạt đến mục tiêu gọi là “trăm thành phố, ngàn quận, trăm triệu cửa hàng”, nhằm gia tăng công ăn việc làm và sức sống kinh tế cho người dân v.v.
Văn kiện đề cập, phải lấy cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình” làm chỉ đạo để thúc đẩy “kinh tế cửa hàng nhỏ”.
Một tháng trước đó, Lý Khắc Cường từng đưa ra “kinh tế vỉa hè” và gọi nó là “khói lửa nhân gian”. Nhưng chỉ vài ngày sau, “kinh tế vỉa hè” đã bị Bộ Tuyên truyền Trung ương chặn đứng. Các phương tiện truyền thông của Đảng đột ngột thay đổi chiều gió, ra sức hạ thấp chê bai, Bắc Kinh, Thâm Quyến cùng các chính quyền địa phương khác cũng bày tỏ thái độ ngăn chặn, “kinh tế vỉa hè” đã “không bệnh mà chết”, người ta cho rằng có thể do sự bất đồng ý kiến giữa Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường gây ra.
Đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope) đã dẫn lời phân tích chỉ ra, Bắc Kinh lần này đưa ra “nền kinh tế cửa hàng nhỏ”, đoán chừng chính quyền địa phương lại phải làm rầm rộ “kinh tế cửa hàng nhỏ”. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng nhỏ hiện có trên khắp Trung Quốc đều đã không thể chống đỡ mà phải đóng cửa rồi. Chiến tranh thương mại, dịch bệnh, lũ lụt đã khiến nền kinh tế Trung Quốc liên tiếp gặp nạn. Với sự sụp đổ của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp đã cắt giảm lương, sa thải, phá sản, làn sóng thất nghiệp gia tăng, và người dân không có tiền để chi tiêu.
Theo đánh giá của các nhà kinh tế ở Trung Quốc, dịch bệnh đã khiến gần 200 triệu người mất việc. Các quan chức đã vắt óc từ “xây dựng nông thôn”, “lên núi xuống làng” đến “kinh tế vỉa hè” giằng co một phen, hiện tại lại nỗ lực thúc đẩy “kinh tế cửa hàng nhỏ”, chẳng qua là kiểm soát tốt hơn so với kinh tế vỉa hè, giúp chính phủ thu được nhiều thuế hơn mà thôi, nhưng đối với dân thường mà nói thì nó chỉ làm tăng chi phí và tăng thêm khó khăn.
Giáo sư Tạ Điền tại Học viện Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ nói rằng: “Cái mà Trung Quốc thiếu hiện tại chính là thu nhập, thiếu công việc trong những ngành sản xuất và thiếu sức tiêu thụ của người dân thường. Ở Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước độc quyền là kiếm được tiền nhiều nhất. Của cải của Trung Quốc hay là của cải do người dân chế tạo sản xuất mà ra thì đều bị các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền ĐCSTQ lấy mất.
Đây là vấn đề mất cân bằng trong thu nhập, gánh nặng của người dân còn ở chỗ các doanh nghiệp nhà nước đã lũng đoạn các ngành như giáo dục, y tế, bất động sản… những ngành nghề này đều bị doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ một phần lớn. Nếu chi phí cao, họ cũng sẽ không có tiền để mua các sản phẩm sinh hoạt và hàng tiêu dùng khác. Điều này dẫn đến sức mua thấp và sức tiêu thụ thấp ở Trung Quốc”.
Các chuyên gia cho rằng, bây giờ các vấn đề kinh tế của ĐCSTQ đang đi đến bước đường cùng, có thể còn tiếp tục nghĩ ra các biện pháp khác để kích thích nền kinh tế, nhưng chừng nào cơ chế kinh tế của ĐCSTQ không thay đổi, thì bất kể đó là “kinh tế vỉa hè” hay “kinh tế cửa hàng nhỏ” đều sẽ không thể giải quyết được vấn đề cơ bản…
Minh Huy (Theo NTDTV)