Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho cuộc “Cách mạng Văn hóa” lần thứ 2?
Gần đây, chính quyền ĐCSTQ liên tục thanh trừng các ‘gã khổng lồ’ công nghệ, giới doanh nghiệp tư nhân nhỏ và thậm chí cả ngành giải trí, giáo dục… Điều này làm dấy lên nghi ngại về một cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ hai dưới thời Tập Cận Bình. Tác giả Lâm Bảo Hoa đã có bài viết đăng trên tờ Vision Times nhận định về tình huống hiện tại.
Vào ngày 29/8, các phương tiện truyền thông từ Trung ương đến địa phương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng lại một bài viết có tiêu đề: “Mỗi người có thể thấy những thay đổi sâu sắc đang diễn ra!” của tác giả Lý Quang Mãn. Quả thực, tôi cũng cảm thấy tình hình hiện tại giống như không khí vào tháng 11/1965, các phương tiện truyền thông Trung Quốc thi nhau đăng lại bài viết của Diêu Văn Nguyên “Phê bình vở kịch lịch sử tân biên Hải Thụy bãi quan” (Bình tân biên lịch sử kịch Hải Thụy bãi quan). Vào thời điểm đó, tiếng kèn Cách mạng Văn hóa đã vang lên, và hôm nay dường như Cách mạng Văn hóa lần thứ 2 đang sắp sửa diễn ra ở Trung Quốc.
Vào thời điểm đó, ĐCSTQ đã ca tụng Cách mạng Văn hóa là một cuộc cách mạng vĩ đại chạm đến tâm hồn của mọi người; hiện tại, cái gọi là “thay đổi sâu sắc” cũng tương tự như vậy. Tâm hồn là tinh thần, là hệ tư tưởng, là điều mà mọi người bình thường đều có. Ngay cả khi hầu hết mọi người đều không mấy quan tâm đến chính trị, nhưng chính trị ĐCSTQ lại cứ muốn động chạm tới mỗi người, thông qua văn hóa và giải trí, giáo dục học đường và xã hội.
Ngày 12/12/1963, Mao Trạch Đông có chỉ thị đối với giới văn học và nghệ thuật: “Rất nhiều người Cộng sản nhiệt tình ủng hộ nghệ thuật của chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản, nhưng lại không nhiệt tình với nghệ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đó không phải là một điều kỳ quặc hay sao?”.
Ngày 7/5/1966, trước khi diễn ra Cách mạng Văn hóa, Mao Trạch Đông lại đưa ra “Chỉ thị ngày 7/5” về công tác giáo dục, nói rằng: “Quy chế giáo dục cần rút bớt, giáo dục cần phải cách mạng hóa, không thể để hiện tượng phần tử trí thức tư sản thống trị các trường học của chúng ta được nữa”.
Kết quả, Cách mạng Văn hóa thực sự “chạm đến tâm hồn” mọi người chính là việc ai cũng nhìn thấu được bản chất của Mao Trạch Đông, khiến Mao cả đời bị bạn bè xa lánh, tới khi chết vẫn một mình cô độc. Vậy còn Tập Cận Bình hiện tại thì sao?
Tập Cận Bình hiện đang tiến hành “chấn chỉnh” làng giải trí, nêu đích danh và chỉ trích các nghệ sĩ; “cải cách” giáo dục, đả kích việc dạy thêm học thêm, sửa đổi sách giáo khoa và loại bỏ tiếng Anh khỏi chương trình giáo dục. Điều này cũng tương tự như việc phát động một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và giáo dục thời Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, lần này Tập Cận Bình không chỉ làm cách mạng trong lĩnh vực tinh thần, mà còn thêm vào việc vơ vét của cải, liên quan đến lĩnh vực vật chất. Không ai có thể tránh khỏi việc bị “chấn chỉnh” trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giáo dục. Tuy nhiên, đã liên quan đến lĩnh vực kinh tế thì ảnh hưởng của nó càng rộng lớn và sâu sắc hơn, “tâm hồn bị động chạm” còn mãnh liệt hơn nhiều so với thời Cách mạng Văn hóa.
Đã hơn 40 năm “cải cách, mở cửa”, việc tư hữu tài sản nay đã là hình thức tồn tại hợp pháp, hơn nữa còn được Hiến pháp bảo hộ. Có thể nói toàn đảng, toàn dân đều đang chăm chú đến tiền bạc, Tập Cận Bình có tài cán gì để lật ngược?
Cái gọi là “thịnh vượng chung”, “ba phân phối” không chỉ cưỡng bức người ta phải quyên góp tiền, mà còn thí điểm việc điều tra những người gửi tiền vào ngân hàng với số tiền trên 100.000 nhân dân tệ, như vậy Tập Cận Bình có thể sẽ đắc tội với hầu hết các gia đình khá giả; Việc tiến hành 4 lần cải cách ruộng đất, loại bỏ các quy chế về ruộng đất từ 40 năm trước sẽ động chạm đến bao nhiêu nông dân? Việc giảm tải giáo dục, sẽ khiến bao nhiêu gia đình vốn ‘mong con hơn người’ cảm thấy bất mãn? Việc hạn chế thời gian lên mạng chơi game sẽ khiến cho bao nhiêu thanh thiếu niên nổi giận? “Một nhóm nhỏ” (sự kiện dân chúng phản đối Cách mạng Văn hóa ngày 20/7/1967 tại Vũ Hán) thời Mao Trạch Đông gộp lại thành một nhóm lớn, như vậy “một nhóm lớn” thời Tập Cận Bình gộp lại lẽ nào lại không khiến trời nghiêng đất lệch hay sao?
Có thể nói, hiện nay tiền bạc chính là điểm chí mạng của mỗi người dân Trung Quốc, khi bị tước đoạt lẽ nào họ lại không liều mạng để giữ lại? Giáo dục được giảm tải nhưng lại phải tăng cường học “Tập” (tức là học tư tưởng Tập Cận Bình). Cái đó thì có lợi ích gì đối với học sinh? Tập Cận Bình cho rằng dân chúng ai cũng ngu ngốc như ông ta sao?
Hiện tại, Trung Quốc không còn ‘bế quan tỏa cảng’ như thời của Mao Trạch Đông mà có thể thúc đẩy nền kinh tế kế hoạch tự cung tự cấp; cho dù Tập Cận Bình muốn “tuần hoàn đơn” hay “tuần hoàn kép”, điều đó không phải cá nhân ông ta có thể quyết định, cũng không phải một mình Trung Quốc có thể quyết định, đặc biệt là khi động đến vấn đề tài chính, Tập Cận Bình lại hoàn toàn không biết gì.
Kinh tế của Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn lạm phát đình trệ, thị trường chứng khoán suy giảm mạnh, làn sóng doanh nghiệp di cư ồ ạt và thị trường tài chính của Hồng Kông đang bị tổn thương nặng nề. Tập Cận Bình đang thổi ra một làn gió cộng sản mới, nhưng không khiến Trung Quốc tái hiện Nạn đói lớn, mà lại khiến ông ta bị lật đổ.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)