Tại sao người gốc châu Á thành công tại Mỹ?
Ở trường học, học sinh gốc châu Á thường đứng đầu về thành tích học tập, và khi đi làm, mức lương trung bình của họ còn cao hơn cả người Mỹ…
Tại khắp các trường học của nước Mỹ, sinh viên Mỹ gốc Á luôn nằm trong nhóm được điểm cao nhất. Tính trên phạm vi toàn xã hội Mỹ, người Mỹ gốc Á thành công hơn phần đông dân số Mỹ.
Thống kê của các công ty tư vấn tuyển dụng còn cho thấy người Mỹ gốc Á cũng nhận lương cao hơn so với tất cả các nhóm chủng tộc khác, kể cả người Mỹ da trắng. Bài viết mới đây trên New York Times đã đưa ra một số lý giải cho thành công của những người Mỹ gốc châu Á.
Truyền thống hiếu học
Nghiên cứu của tác giả Nicolas Kristof công bố vào năm ngoái cho thấy không nên quá quan tâm đến dư luận xã hội cho rằng người da trắng thường được ưu tiên còn người mang các màu da khác bị phân biệt đối xử nặng nề và phải nhận mức lương thấp hơn.
Những thành công mà người Mỹ gốc Á làm được cho thấy nếu có người thuộc nhóm sắc tộc nào đó bị tụt hậu lại thì vấn đề nằm chính ở bản thân họ chứ không phải do định kiến xã hội.
Cộng đồng người Mỹ gốc Á đến từ nhiều nước khác nhau, trong đó thành công nhất phải kể đến người Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo nhận xét của nhiều nhà tuyển dụng, người Á thành công tại Mỹ bởi làm việc cực kỳ chăm chỉ.
Chắc chắn rằng sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng nước Mỹ đã không còn tình trạng phân biệt đối xử, nhưng từ thành công của người Mỹ gốc Á, có thể thấy rằng mọi chuyện đã tốt hơn rất nhiều.
Thành công của người châu Á tại Mỹ, theo phân tích của tác giả Jenifer Lee và Min Zhou, trong nghiên cứu mới đây, là do học vấn tốt. Thông thường, người châu Á có trình độ học vấn trung bình cao hơn cả người Mỹ, họ làm rất nhiều ngành nghề khác nhau, có thể là bác sỹ, nhà nghiên cứu hoặc một số nghề khác cần trình độ cao.
Khi bố mẹ có nghề nghiệp tốt và giàu có thì con cái họ cũng sẽ nhờ điều kiện đó mà phát triển. Thế nhưng tác giả Lee và Zhou chỉ ra rằng con cái của những người châu Á trung lưu ở Mỹ cũng có xu thế học hành rất tốt và thành đạt.
Theo nhiều phân tích, truyền thống hiếu học của người châu Á là một yếu tố quan trọng mang đến thành công cho họ. Điều đó cũng giống như người Do Thái rất thành công bởi có học vấn tốt hơn tất cả các chủng tộc khác trên thế giới.
Hỗ trợ hết sức cho việc học
Cha mẹ người châu Á tại Mỹ thường rất cố gắng để đưa được con họ vào những trường học tốt, họ thậm chí chấp nhận hy sinh rất nhiều cho việc học của con, đơn giản nhất là việc dành chỗ tốt nhất trong nhà cho con học.
Yếu tố gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của con cái họ. Tỷ lệ ly hôn trong nhóm người châu Á tại Mỹ thấp hơn rất nhiều so với người Mỹ da trắng.
Tính toán của các chuyên gia xã hội học cho thấy với những gia đình có đủ cả bố lẫn mẹ, khả năng rơi vào tình trạng nghèo đói sẽ thấp hơn, đó là chưa kể đến việc tâm lý của đứa trẻ sẽ vững vàng ổn định hơn rất nhiều trong học tập.
Kỳ vọng của giáo viên cũng có tác dụng giúp cho học sinh tiến bộ hơn. Nghiên cứu được thực hiện vào thập niên 1960 của giáo sư Robert Rosenthal và Lenore Jacobson cho thấy điều đó.
Sau khi tiến hành đo IQ của học sinh, nhóm nghiên cứu công bố với khoảng 20% học sinh rằng họ thuộc nhóm có IQ đặc biệt và IQ sẽ tăng cao nếu họ tiếp tục cố gắng. Sau khoảng 1 năm, IQ của họ thực sự tăng lên.
Trên thực tế, những học sinh được chọn để thí điểm không hề có gì đặc biệt. Hiệu ứng trên được gọi là Pygmalion, đó là khi con người được động viên, khuyến khích và cảm thấy mình có năng lực, kết quả họ sẽ cố gắng để đạt được kỳ vọng.
Theo hai nhà nghiên cứu Lee và Zhou, những hình mẫu tích cực cũng giúp mang đến thành công cho một đứa trẻ. Ví dụ như trong giao tiếp thông thường, người ta hay nói như sau với một đứa trẻ Trung Quốc: “Ồ cháu là người Trung Quốc hả? Cháu giỏi toán lắm phải không?” Các nhà nghiên cứu chỉ ra với dư luận như vậy, đứa trẻ tự nhiên sẽ muốn cố gắng và tự tạo ra áp lực cho mình để học giỏi môn toán hơn.
Người châu Á tại Mỹ thường thành công tại những ngành thiên về kỹ thuật, toán, hay khoa học, còn đối với những ngành yêu cầu tính sáng tạo cao như nghệ thuật, thành công vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân của điều này, theo các chuyên gia, là do học sinh châu Á thường có kỹ năng ghi nhớ và tính toán tốt hơn là khả năng sáng tạo.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không nên từ những thành công của người châu Á tại Mỹ mà cho rằng đã không còn tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Những bất lợi xã hội mà mỗi nhóm chủng tộc phải đối mặt ở Mỹ là khác nhau, và một nhóm thành công không có nghĩa các nhóm khác sẽ có thể có được thành công tương tự.