Quảng Trị: Cầu R Lây sạt lở nghiêm trọng chỉ còn lớp nhựa mỏng dính sau mưa lớn
Cầu R Lây, cây cầu duy nhất dẫn vào trụ sở UBND xã Ba Nang (Quảng Trị) và các trường học trên địa bàn vừa được địa phương này đưa vào sử dụng 3, 4 tháng nay đã bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn, phần thân cầu giờ chỉ còn một lớp nhựa mỏng tang khiến người dân không ai dám qua cầu.
Theo báo cáo phát đi lúc 9 giờ ngày 3/9 của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa to, lượng mưa đo được từ 50-150mm trong các ngày 1 – 3/9.
Mưa lớn đã làm ngập nhiều tuyến đường, gây chia cắt cục bộ chủ yếu tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh này. Cụ thể tại huyện Hướng Hóa, tuyến đường vào 7 xã vùng Lìa đã bị tắc cục bộ ít nhất 9 điểm tại các xã Pa Tầng, A Xing, Thuận khiến giao thông ùn tắc.
Cây cầu độc đạo bị sạt lở nghiêm trọng
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đoạn qua huyện Đakrông từ Km250 đến Km282 xảy ra 18 điểm sạt lở với khối lượng 100m3, trong đó, có 2 điểm sạt lở khối lượng lớn gây ách tắc giao thông.
Đặc biệt, tại địa bàn xã Ba Nang, có đến 7 điểm chia cắt cục bộ tại nhiều thôn. Đáng lo nhất là tại đường dẫn lên cây cầu R Lây (thôn A La, xã Đakrông), phần móng cầu bị nước lũ xoáy vào gây sạt lở nghiêm trọng khiến cây cầu chỉ còn lại phần nhựa đường mỏng tanh không đi lại được và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo ông Hồ My, Chủ tịch UBND xã Pa Nang, cây cầu này vừa được chủ đầu tư và đơn vị thi công bàn giao cho địa phương sử dụng chỉ 3 – 4 tháng trước. Đây cũng là cây cầu độc đạo dẫn vào trụ sở UBND xã Ba Nang và các trường học đóng trên địa bàn.
Không bàn tới chất lượng của cây cầu, vị chủ tịch UBND này cho biết rằng, ngay sau đó, chính quyền địa phương đã làm hàng rào, cắt cử lực lượng túc trực nhắc nhở người dân không đi lại trên cầu. “Chuyện chất lượng của cây cầu này nói sau, còn trước mắt UBND xã Pa Nang phải cắt cử cán bộ ra làm hàng rào cấm người dân đi lại trên cầu vì sẽ gây nguy hiểm”, ông My cho hay.
Trao đổi với phóng viên vào sáng 3/9, cô giáo của một ngôi trường trên địa bàn xã Ba Nang cho biết, sau kỳ nghỉ lễ 2/9, tất cả các cán bộ và giáo viên nơi đây vẫn chưa thể quay trở lại trường để làm việc vì “cầu như vậy làm sao chúng tôi dám qua”.
Đến chiều 3/9, lực lượng chức năng cùng người dân đã sử dụng tre, gỗ để gia cố tạm thời cây cầu nhằm phục vụ nhu cầu đi lại và thông tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn này.
Nhiều nhà dân bị tốc mái, mất trắng hàng chục ha hoa màu…
Trong 1 diễn biến khác, vào lúc hơn 20 giờ đêm 2/9, một trận lốc đã quét qua thôn Lệ Xuyên và Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong) làm 12 nhà bị thiệt hại tốc mái, trong đó 4 nhà tốc mái trên 70%, 8 nhà tốc mái từ 50 – 70%, nhiều cây trồng bị hư hại.
Ông Phan Quang Giải, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, ngay trong sáng 3/9, lãnh đạo UBND huyện này đã về địa phương thăm hỏi và bàn cách hỗ trợ cho người dân thiệt hại.
Theo thống kê sơ bộ hiện, Quảng Trị có khoảng 4.483 ha diện tích lúa hè – thu còn lại chưa thu hoạch được, trong đó khoảng 1.700 – 2.000 ha có nguy cơ bị ngập úng, hư hỏng nặng.
Ngoài ra, có khoảng 1000m2 hồ cá bị sạt lở, trôi khoảng 4 tạ cá và hàng chục ha sắn, ngô bị gãy hỏng. Mưa to kèm lốc xoáy cũng khiến 12 nhà dân ở xã Triệu Trạch (Triệu Phong) bị tốc mái, hư hỏng…
Vũ Tuấn (t/h)