Probiotics 101: Những gì bạn nên biết về lợi khuẩn
Bạn có biết không phải tất cả các vi khuẩn đều có hại cho sức khỏe?. Probiotic chính là những vi khuẩn đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe con người.
Khi còn nhỏ, chúng ta vẫn thường nghĩ tất cả các vi khuẩn đều không tốt; chúng thường gây bệnh nên cần phải tránh xa. Tuy nhiên các nhận thức đều đã thay đổi sau khi các chuyên gia phát hiện ra rằng trong thế giới vi khuẩn cũng có loại có lợi và có hại, trong đó phải kể đến hệ vi khuẩn đường ruột và tác động của chúng đối với sức khỏe tổng quan của chúng ta.
Probiotic 101
Probiotic là những vi khuẩn đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe con người. Những vi khuẩn này có thể được hấp thu qua các loại thực phẩm khác nhau (thường là đã lên men) và các sản phẩm bổ sung. Thực phẩm lên men là các loại thực phẩm đã được biến đổi do tiếp xúc với vi khuẩn có lợi, cụ thể là probiotic. Probiotic là chủng vi khuẩn có lợi cho sức khỏe con người, còn prebiotic là chất xơ thực vật mà những vi khuẩn có lợi này tiêu thụ. Prebiotic và thực phẩm lên men là một phần không thể thiếu của chế độ ăn uống lành mạnh, ngoài ra còn có các sản phẩm bổ sung dạng cô đặc chứa probiotic.
Có 2 nhóm Probiotic thường thấy đó là: Lactobacillus hay Bifidobacterium. Lactobacillus phổ biến hơn, nó được tìm thấy trong thực phẩm lên men và có thể giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy hoặc do không dung nạp lactose (có trong sữa bò). Bifidobacterium có thể được tìm thấy trong một số thực phẩm từ sữa và có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích.
Hệ vi khuẩn đường ruột và Probiotic
Khi xảy ra sự mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột, vi khuẩn có hại áp đảo, sẽ có thể dẫn đến nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, suy nhược, mệt mỏi cùng một loạt các triệu chứng và bệnh lý khác.
Ruột và hệ vi khuẩn đường ruột thường được xem là bộ não thứ hai của chúng ta. Đó là bởi vì vi khuẩn tốt và xấu trong ruột của chúng ta thường xuyên trao đổi thông tin với các tế bào của cơ thể. Do đó, hệ sinh thái vi khuẩn trong ruột có liên quan mật thiết đến sức khỏe của mọi bộ phận trong cơ thể. Vi khuẩn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, sản xuất enzyme và tổng hợp vitamin.
Hệ vi khuẩn đường ruột của chúng ta không phải là một môi trường cố định; nó liên tục thay đổi và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mà chúng ta có thể hoặc không thể kiểm soát như chế độ ăn uống, stress, sử dụng thuốc (đặc biệt là kháng sinh), điều kiện sức khỏe, ô nhiễm, cũng như tuổi tác và các yếu tố di truyền. Khi các yếu tố tiêu cực xuất hiện nhiều, vi khuẩn có hại sẽ chiếm ưu thế và các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra.
Probiotic có tác dụng gì?
>>> Những cách để tăng cường hệ thống miễn dịch
Probiotic có thể thực hiện một số chức năng quan trọng trong cơ thể. Ví dụ:
- Giúp khôi phục mức độ vi khuẩn có lợi trong đường ruột sau khi sử dụng các kháng khuẩn bao gồm thuốc kháng sinh, cũng như thuốc diệt virus và kháng nấm, đó là những thuốc tiêu diệt cả lợi khuẩn và hại khuẩn.
- Giúp khôi phục lại sự cân bằng vi khuẩn tốt và xấu trong cơ thể để đảm bảo nó hoạt động một cách tối ưu.
- Hỗ trợ trong việc kiểm soát các vấn đề nhất định liên quan đến sự mất cân bằng vi khuẩn tốt và xấu, chẳng hạn như tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích, trầm cảm, viêm ruột, dị ứng, bệnh chàm, và nhiều bệnh khác. Probiotic cũng có thể tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch và cho trái tim khỏe mạnh nhờ giảm lượng cholesterol trong máu.
Ảnh hưởng của Probiotic đối với một số bệnh thường gặp.
Dị ứng và bệnh chàm: Probiotic đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh chàm ở trẻ sơ sinh nếu các bà mẹ cho con bú có bổ sung các vi khuẩn có lợi. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học cho biết probiotic có khả năng ngăn ngừa các bệnh dị ứng trong suốt thời niên thiếu và những năm tháng sau đó.
Tiêu chảy: Probiotic hữu ích trong việc làm giảm nhiều dạng tiêu chảy, trong đó có tiêu chảy do kháng sinh, tiêu chảy nhiễm trùng, tiêu chảy ở người du lịch, và các nguyên nhân khác.
Bệnh tiểu đường: Probiotics có thể giúp ổn định đường huyết và sự nhạy cảm insulin ở những người bị bệnh tiểu đường type 2.
Sức khỏe tim mạch: Nghiên cứu cho thấy probiotic có thể làm giảm mức cholesterol xấu (LDL) và cholesterol toàn phần cũng như huyết áp.
Khó tiêu: Probiotic đã được chứng minh giúp giảm bớt các triệu chứng khó tiêu và ợ nóng. Những vi khuẩn có lợi tăng cường enzym, thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn cũng như kết hợp với lợi khuẩn khác để giữ cho mọi thứ hoạt động tốt.
Sức khỏe thần kinh: Cả nghiên cứu ở động vật và con người đã chỉ ra rằng việc sử dụng các chất bổ sung probiotic có thể hỗ trợ trong việc kiểm soát các rối loạn sức khỏe tâm thần khác nhau, chẳng hạn như chứng lo âu, bệnh tự kỷ, trầm cảm, suy giảm trí nhớ và rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Chọn và sử dụng Probiotic như thế nào?
>>> Loại bỏ vi khuẩn H.Pylori khỏi cơ thể tự nhiên mà không cần dùng thuốc
Khi sử dụng sản phẩm bổ sung probiotic, hãy làm theo các hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ. Thông thường, sản phẩm bổ sung probiotic nên được dùng khi dạ dày rỗng khoảng 30 phút trước bữa ăn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đưa ra một số cách dùng khác.
Sự xuất hiện của thức ăn trong dạ dày kích thích sản xuất axit và các chất lỏng khác có thể giết chết các vi khuẩn có lợi, do đó bạn có thể phát huy tối đa lợi ích của probiotic khi dạ dày còn trống rỗng. Bạn cũng nên dùng probiotic với nước tinh khiết, vì clo và các hóa chất khác trong các nguồn nước công cộng có thể giết chết các vi sinh vật có lợi.
Sản phẩm bổ sung probiotic được bán dưới nhiều hình thức. Điều quan trọng là dù bạn chọn mua bất kỳ dạng nào, bạn phải đảm bảo nồng độ vi khuẩn được giữ nguyên cho đến ngày hết hạn. Giữ viên nang còn nguyên vẹn ngay cả khi nó chứa bột bằng cách uống đúng như theo chỉ dẫn. Probiotic lỏng có thể được sử dụng cùng vitamin hoặc uống riêng lẻ. Và không nên đun nóng một chế phẩm probiotic.
Nên chọn chế phẩm probiotic cung cấp ít nhất 2-3 loại lợi khuẩn khác nhau.
Trong đa số trường hợp, sử dụng sản phẩm bổ sung probiotic không xảy ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số người có thể gặp trường hợp tiêu chảy nhẹ, đầy hơi, hoặc rối loạn dạ dày khi lần đầu tiên sử dụng. Trường hợp hiếm hoi có thể xảy ra phản ứng dị ứng, trong trường hợp này nên ngưng dùng và liên hệ với bác sĩ.
Hồng Liên, theo Epoch times