Phát hiện bản đồ ‘đường lưỡi bò’ xuất hiện trong giáo trình dạy học
Mới đây, các sinh viên trường trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phát hiện ra cuốn giáo trình Đọc sơ cấp 1 ‘Developing Chinese’ mà trường dùng để giảng dạy có sử dụng bản đồ in hình ‘đường lưỡi bò’.
Bản đồ in hình đường lưỡi bò hay còn gọi là đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra ở Biển Đông xuất hiện trong trang 36 cuốn Đọc và trang 32 cuốn Nghe sơ cấp 1 ‘Developing Chinese’ của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung – Nhật. Khi sử dụng, sinh viên phát hiện nên báo với lãnh đạo khoa và nhà trường.
Ngày 3/11, ông Bùi Văn Thanh, Trưởng khoa Trung – Nhật (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đã xác nhận thông tin trên và cho biết, cuốn giáo trình này là do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được khoa đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020. Hiện, sinh viên mới học tới bài 5.
Theo ông Thanh, lý do trường sử dụng giáo trình ‘Developing Chinese’ là vì trong một lần giảng viên và sinh viên nhà trường sang Bắc Kinh tập huấn, các giảng viên thấy giáo trình này hay, ngữ pháp và cách đặt câu logic hơn những cuốn giáo trình cũ ở khoa nên đã lấy về dùng.
Một lý do khác được ông Thanh nêu ra là hầu hết những trường dạy tiếng Trung ở Hà Nội đều sử dụng giáo trình này vì coi đây là tài liệu gốc chuẩn, câu chữ không có vấn đề gì.
Ngoài ra, ông Thanh cũng cho biết thêm, nhân sự trong khoa từng rà soát nội dung của cuốn giáo trình trên trước khi đưa vào giảng dạy nhưng do phần bản đồ minh hoạ có bất ổn lại khá nhỏ nên đã không phát hiện ra. “Khi rà soát, nhiều người không phát hiện ra đó là đường lưỡi bò”, ông Thanh thừa nhận.
Về biện pháp xử lý đối với số giáo trình có in hình ‘đường lưỡi bò’ trên, ông Thanh cho hay, Ban Giám hiệu nhà trường lập tức họp và yêu cầu khoa thu hồi toàn bộ. Đồng thời, hủy bỏ trang tài liệu in bản đồ có ‘đường lưỡi bò’ và kiểm tra lại nội dung cuốn sách.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, hiện nhà trường đã thông báo và thu hồi giáo trình của tất cả các lớp, số lượng đến nay khoảng 500-700 cuốn, nhưng có thể vẫn còn do một số sinh viên mượn của bạn rồi photo. Số sách này sẽ được lập biên bản và tiêu hủy.
“Tôi cho rằng cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài. Cái này phải thuộc về nhà nước chứ không phải của trường. Chúng tôi không soạn giáo trình này và có soạn cũng không đưa vào bản đồ như vậy”, ông Hóa nói.
‘Đường lưỡi bò’ hay còn gọi là ‘đường 9 đoạn’ do Trung Quốc ngang nhiên vạch ra, đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Trong các năm qua, Việt Nam liên tục phát hiện những ấn phẩm sách, đồ chơi, phim có bản đồ hình lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông vốn đã bị toà Trọng tài Quốc tế bác bỏ tính hợp lệ.
Gần đây nhất là việc các rạp chiếu phim ở Việt Nam cho chiếu bộ phim Người tuyết bé nhỏ do Mỹ và Trung Quốc hợp tác sản xuất. Bộ phim bị rút khỏi rạp chiếu sau khi người xem phát hiện có đoạn chiếu bản đồ hình lưỡi bò.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Nhà xuất bản Thế giới đã phải thu hồi bộ sách tranh ‘Wow! – Những bí mật kỳ diệu’ dành cho học sinh vì in bản đồ đường lưỡi bò…
Vũ Tuấn (t/h)