Những mẩu chuyện cho thấy Thiệu Ung có công năng tiên tri
Thiệu Ung (1011-1077) là một nhà triết học, nhà thơ, và nhà vũ trụ học của triều đại Bắc Tống. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã bộc lộ trí thông minh khác thường và quyết tâm thấu hiểu các quy luật tiến hóa của vũ trụ.
Trong sách «Khúc Vĩ Cựu Văn>>> triều Tống có ghi lại câu chuyện sau: Khi Âu Dương Tu làm Tể tướng đương thời, có nghe nói đại danh của Thiệu Nghiêu Phu (Thiệu Ung, tự Nghiêu Phu, hiệu Khang Tiết).
Con trai của ông là Âu Dương Phỉ, tự Thúc Bật, khi nhậm chức quan trên đường đi qua Lạc Dương. Âu Dương Tu dặn: “Con đến Lạc Dương, có thể tới bái kiến Thiệu tiên sinh”.
Âu Dương Thúc Bật vừa đến cửa nhà Thiệu Nghiêu Phu, còn chưa kịp gõ cửa, thì Thiệu Nghiêu Phu đã vội vã xỏ giày ra nghênh tiếp và mời vào nhà rồi. Âu Dương Thúc Bật cảm thấy Thiệu Nghiêu Phu xác thực là có công năng tiên tri tiên liệu. Nên khi hai người ngồi cùng nhau, họ đã đàm đạo suốt cả một ngày.
Thiệu Nghiêu Phu còn chủ động thuật về những người mình từng gặp trong đời, về tri thức sở học của mình, và những việc mình từng làm qua. Khi ấy Âu Dương Thúc Bật không hiểu vì sao Thiệu Nghiêu Phu lại kể chi tiết như vậy, chỉ cảm thấy rất kỳ quái.
Sau khi nói một số điều nữa, Thiệu Nghiêu Phu còn hỏi Âu Dương Thúc Bật: “Ta nói những chuyện này, ngài có nhớ nổi hết không?”
Lúc ấy Âu Dương Thúc Bật tuy kính cẩn lắng nghe, nhưng không rõ mục đích Nghiêu Phu tự thuật về mình là gì. Cộng thêm câu hỏi “ngài có nhớ nổi hết không?”, Thúc Bật thấy càng kỳ quái hơn nữa.
Mãi tới những năm Nguyên Phong thời Tống Thần Tông, Thiệu Nghiêu Phu qua đời, triều đình tôn kính phẩm hạnh của Thiệu Nghiêu Phu, nên mới phong hiệu cho ông. Âu Dương Thúc Bật khi ấy đã là quan Thái Thường, nên quyết định viết sớ đề nghị phong hiệu cho ông, để trình tấu Hoàng thượng.
Bấy giờ, Âu Dương Thúc Bật mới đột nhiên tỉnh ngộ: Nguyên nhân Thiệu Nghiêu Phu thuật lại sự tình cho ông nghe, chính là để giúp ông viết bài sớ này.
Lại nghe nói khi Tư Mã Quang và Thiệu Nghiêu Phu gặp nhau, hai người từng tản bộ ở bờ Bắc sông Lạc Thủy. Thiệu Nghiêu Phu chỉ vào mấy ngôi nhà mới xây ở bờ Bắc, nói: “Nhà ba gian này, vào tháng A năm B sẽ bị sụp đổ; nhà ba gian kia, vào tháng C năm D sẽ bị nước lũ cuốn trôi”.
Tư Mã Quang trở về nhà, mới đem sự kiện này ghi vào mặt sau của bản thảo. Nhưng thời gian trôi qua, đã quên bẵng đi mất. Có một lần, Tư Mã Quang đi qua bờ Bắc sông Lạc Thủy, bỗng nhiên nhớ lại lời Thiệu Nghiêu Phu từng nói với mình, mới đi xem thử mấy căn nhà kia, thấy đúng là đã biến thành đống gạch vụn rồi. Ông bèn hỏi dò những người đương địa, thì họ đáp lại đúng y như lời dự đoán năm xưa của Thiệu Nghiêu Phu.
Theo Tống sử, rất nhiều sự việc sau khi xảy ra rồi, người ta mới nhận ra rằng Thiệu tiên sinh đã nói về việc đó từ lâu rồi. Cả đời Thiệu Ung đã viết rất nhiều dự ngôn và sách về phương pháp dự đoán, như “Mai hoa thi”, “Mai hoa dịch số”, “Thiết bản thần số”, “Hà lạc chân số”.
“Mai hoa thi” tổng cộng có mười tiết, mỗi tiết có bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, dự đoán về quá trình diễn biến và những sự kiến lớn xảy ra từ thời Bắc Tống cho đến ngày hôm nay, những điều đã qua cũng đã được lịch sử chứng thực.
Trích từ “Trà hương thất tùng sao” của Du Việt triều Thanh
Tuệ Tâm (st)