Thiệu Ung dùng dịch số để đoán trước tương lai
Thiệu Ung (1011-1077 SCN) là một triết gia, thi nhân và là nhà thiên văn nổi tiếng triều đại Bắc Tống.
Thuở niên thiếu, ông đã bộc lộ sự thông minh khác thường cùng niềm đam mê khám phá vũ trụ. Mặc dù tên tuổi bị mai một do cuộc Cách mạng Văn hóa, Thiệu Ung vẫn là một trong những Nho sĩ nổi tiếng bậc nhất của Trung Hoa xưa.
Một số câu nói của ông vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, chẳng hạn như “Kế hoạch cho một ngày bắt đầu vào buổi sáng. Kế hoạch cho một năm bắt đầu từ mùa xuân. Kế hoạch cho một đời bắt đầu bằng sự siêng năng” (nhất thiên đích kế hoa tại vu tảo thần đích quyết định, nhất niên đích kế hoa tại vu xuân thiên đích quyết định, nhất sinh đích kế hoa tại vu cần lao đích quyết định).
Phát triển tư tưởng giáo dục mới
Là một trong “Bắc Tống Ngũ Tử”, gồm Thiệu Ung, cùng với Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo và Trình Di thành lập Tống Minh Lý Học, đây là một bước ngoặt trong sự phát triển của Nho giáo ở Trung Hoa.
Trong số năm người, Thiệu Ung có lẽ là bí ẩn nhất. Nghiên cứu và đóng góp của ông cho Tống Minh Lý Học rất độc đáo và khác biệt so với những người khác, do nguồn gốc tư tưởng Đạo giáo và quá trình rèn luyện cũng như nghiên cứu các hiện tượng siêu thường và công năng đặc dị.
Công trình nổi bật nhất của Thiệu Ung là ‘Hoàng Cực Kinh Thế Thư’. Trong tác phẩm này, Thiệu Ung minh họa chân lý cuộc sống thông qua các quan điểm về Thái Cực, Đạo, Thuyết âm dương, Thiên Địa, dự cảm và khả năng tiên đoán, thần và người, v.v., để giải thích nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ, trong đó có cả nhân loại.
Những quan điểm này là nền tảng của Tống Minh Lý Học. Xuyên suốt từ triều Tống đến cuối đời nhà Thanh, các học giả đã hoàn thiện Tống Minh Lý Học dựa trên tư tưởng của Thiệu Ung và bốn người còn lại.
Cống hiến cuộc đời cho khoa học và bí ẩn
Khi đến tuổi trung niên, Thiệu Ung tách mình khỏi xã hội và sống ẩn dật để nghiên cứu, viết sách và dạy học.
Thiệu thông thạo hệ thống chữ viết và văn học cổ, nhưng ông rất khiêm nhường và cư xử phải phép với đồng môn. Bất cứ khi nào ông có dịp tới lui, các quan viên địa phương và Nho sĩ đương thời sẽ tranh nhau để có vinh dự mời ông ở lại đàm đạo cùng họ. Nhà vua cũng nhiều lần triệu ông về làm quan nhưng ông đều khước từ.
Dựa trên các nguyên tắc của Bát quái trong ‘Chu Dịch’ và tư tưởng Đạo giáo, Thiệu Ung đã tạo ra học thuyết và hệ thống vũ trụ riêng.
Thiệu Ung tin vào định mệnh và mọi sự vật đều có thể được nhìn nhận một cách thấu đáo thông qua việc khám phá các yếu tố khác nhau dựa vào những con số.
Theo Bách khoa toàn thư Britannica, “quan điểm về toán học của Thiệu Ung cũng ảnh hưởng đến nhà triết học châu Âu Gottfried Wilhelm Leibniz thế kỷ 18 trong sự phát triển hệ thống nhị phân”.
Thiệu Ung cũng được một số học giả nhìn nhận là người có khả năng đoán biết quá khứ và tương lai vô cùng chính xác. Có chuyện kể rằng:
Một sáng mùa xuân, Thiệu Ung dựng quầy để xem bói gần chân cầu. Lập tức, một nông dân dừng lại và hỏi về vận may của mình. Thiệu Ung bảo ông ta lựa chọn các mảnh giấy có các ký tự Trung Hoa bên trên. Người nông dân chọn lấy một và đưa nó cho Thiệu Ung. Đó là ký tự “?”, có nghĩa là đôi đũa. Thiệu Ung nói với người nông dân: “Xin chúc mừng, ông sẽ được một bữa ngon trưa nay. Hãy về nhà và chờ xem nhé”.
Người nông dân trở về nhà và nhìn thấy cháu trai của ông đang đợi. “Hôm nay là ngày ăn mừng Lục tuần cho cha cháu”, đứa trẻ nói, “Cha cháu muốn mời bác đến dự tiệc và uống chút rượu”. Người nông dân vô cùng ngạc nhiên, nhanh chóng thay trang phục rồi vui vẻ đi dự tiệc.
Chiều hôm đó, lại có một người khác hỏi về vận may của mình. Ông cũng chọn ra các kí tự “?”. Thiệu nói với người đàn ông này, “Điềm xấu rồi đây. Hôm nay sẽ xảy ra chuyện gì đó và ông bị bỏ tù”. Người đàn ông ngay lập tức nghĩ rằng ông có thể không bị bỏ tù nếu nằm yên trong nhà, vậy là ông trở về nhà và đi thẳng vào giường.
Đột nhiên, người đàn ông bị đánh thức bởi một phụ nữ lớn tiếng la hét những con lợn của ông đang phá nát vườn rau của bà. Trong lúc nóng giận, ông đã đấm vào người phụ nữ, vốn đang bị ốm, ngã xuống đất và đột ngột qua đời. Người đàn ông nhanh chóng bị bắt giam.
Chiều muộn, khi Thiệu Ung sắp dọn gian hàng để về nhà, một người đàn ông đi đến từ phía Nam và mời ông ở lại. “Thưa ông, tôi đã nghe nói về tài năng bói toán của ông, vậy ông có thể xem cho tôi một quẻ không?”. Người đàn ông này cũng chọn đúng là ký tự “?.” Thiệu cũng nói nó không phải là điềm tốt và rằng anh ta sẽ bị ướt ngay hôm nay.
Tuy nhiên, vì đó là một ngày đầy nắng và quang mây, người đàn ông đã phớt lờ lời cảnh báo của Thiệu và đi về nhà của mình ở gần đó. Ngay sau khi đến cổng nhà, anh đã phải hứng ngay một xô nước bẩn. Vợ anh, vì không trông thấy chồng đang bước vào nhà, đã lỡ tay đổ nước bẩn này vào người anh.
Dự ngôn về tương lai của Trung Quốc
Thiệu Ung cũng là một nhà thơ. Một trong những kiệt tác của ông là ‘Mai Hoa Thi’ bao gồm 10 kỳ, được nhiều người tin rằng đã dự đoán chính xác các diễn biến lịch sử trọng đại của Trung Quốc.
Một số học giả đã so sánh các kỳ thơ của Thiệu với những thay đổi triều đại sau khi ông qua đời. Người ta nói rằng kỳ thứ 10 của ‘Mai Hoa Thi’ đã nói trước điều gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc ngày nay. Theo một số người, Mai Hoa Thi đề cập đến sự phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vụ thảm sát năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, sự phổ truyền của Pháp Luân Đại Pháp và sự sụp đổ của ĐCSTQ, trong số rất nhiều dự ngôn khác.
Mặc dù không tham gia chốn quan trường cũng không trở thành bậc tăng nhân, thông qua các tác phẩm văn chương và nghiên cứu vũ trụ của mình, Thiệu Ung đã tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội và tinh thần Trung Hoa cổ đại.
An Nhiên – Theo Epoch times