Ngoại trưởng Mỹ giải thích tại sao dữ liệu chính xác rất quan trọng trong điều trị bệnh
Trước tình trạng dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan nghiêm trọng và việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh, vào ngày 30/3, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết, chính quyền Trump luôn nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng Mỹ có dữ liệu chính xác nhất về dịch bệnh.
Tại sao dữ liệu lại quan trọng? Trong một cuộc phỏng vấn với Fox TV vào hôm 30/3, ông Pompeo nói rằng, hai vị bác sĩ hàng đầu gồm Anthony Fauci – viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia cùng với Deborah Birx – Điều phối viên ứng phó coronavirus (virus Vũ Hán) của Nhà Trắng đã cùng nhau thảo luận về nguy cơ của dịch bệnh, cũng như việc thực hiện ước tính số người tử vong hay mô hình đều phải căn cứ vào dữ liệu.
“Họ cần dữ liệu từ Ý, họ cần dữ liệu từ Trung Quốc, họ cần dữ liệu từ Iran. Chúng tôi cần mọi quốc gia tăng cường nỗ lực cung cấp thông tin chính xác và minh bạch”. Ông Pompeo nói, “Nếu chúng ta không thể làm điều này, nếu chúng ta nhận được thông tin sai lệch, vậy thì nhiều người sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng trong thời gian đối mặt với thử thách lớn này, có thể là hôm nay hoặc trong vài tuần tới”.
“Chúng tôi đã yêu cầu mỗi quốc gia phải nỗ lực hết sức, nói cho chúng tôi biết những gì họ biết để toàn thế giới có thể học hỏi từ đó. Hoa Kỳ sau đó sẽ phản hồi, chia sẻ thông tin chúng tôi đã nhận được. Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người, không chỉ người dân Hoa Kỳ, mà là của người dân trên toàn thế giới”, ông nói thêm.
Ông Pompeo cũng đã nói chuyện với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 30/3. Hai bên đã thảo luận về việc làm thế nào để NATO giúp các nước trong hiệp ước đối phó với sự bùng phát viêm phổi Vũ Hán và tầm quan trọng của việc khống chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga truyền bá thông tin giả mạo.
Cùng ngày, ông Pompeo cũng chỉ trích Trung Quốc (ĐCSTQ), Iran và Nga vì đã phát tán thông tin sai lệch trong hội nghị bàn tròn với các phóng viên từ châu Á và các phóng viên liên quan đến các tin tức châu Á.
Ông nói, mặc dù những tin tức giả mạo này sử dụng những cách nói khác nhau, nhưng điểm tương tự là những chính quyền này đều “muốn trốn tránh trách nhiệm và cố gắng gây nhầm lẫn cho mọi người trên khắp thế giới”.
Ông nói, chính phủ Hoa Kỳ tin rằng điều quan trọng là phải cải chính những ngôn từ giọng điệu này và chính phủ Hoa Kỳ cũng sẵn sàng làm như vậy.
Trang web “Share America” của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đăng một bài báo vào ngày 27/3 nói rằng “Giao tiếp thẳng thắn thành khẩn là điều rất quan trọng trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng”.
Theo bài báo, lịch sử đã chứng minh rằng, các phản ứng nhanh chóng, công khai và minh bạch có thể cứu sống vô số người. Cốt lõi trọng tâm của các sáng kiến y tế công cộng có hiệu quả là nằm ở chỗ: Chia sẻ thông tin trên toàn thế giới.
Ví dụ như vào năm 2009, khi nhân viên y tế Hoa Kỳ phát hiện thấy 2 bệnh nhân ở hai nơi cách nhau gần 210km (130 dặm), đều xuất hiện các triệu chứng cúm trước nay chưa từng thấy, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã kịp thời đưa ra cảnh báo sớm cho cộng đồng quốc tế.
Chỉ 9 ngày sau khi xuất hiện dịch cúm mới ở Tây Bán cầu, các quan chức Hoa Kỳ đã tải trình tự gen hoàn chỉnh của virus lên cơ sở dữ liệu công cộng, cho phép các nhà khoa học trên toàn thế giới đều có thể nắm bắt được thời cơ then chốt để nghiên cứu. Trong vòng hai tuần kể từ khi xác định virus H1N1, CDC đã phát triển một phương pháp thử nghiệm và chuyển bộ dụng cụ xét nghiệm đến 140 quốc gia.
Trong đại dịch virus ĐCSTQ (viêm phổi Vũ Hán), CDC từ sớm đã đề xuất với chính quyền Trung Quốc cử các chuyên gia Mỹ đến Vũ Hán để giúp điều tra dịch bệnh này vào ngày 6/1. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã không phản hồi yêu cầu và cuối cùng các chuyên gia Mỹ đã đến Trung Quốc với tư cách là thành viên của nhóm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 16/2.
ĐCSTQ là người đầu tiên biết về sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng lại không ngừng giấu diếm
So với phản ứng từ nhiều quốc gia hoặc khu vực bên ngoài Trung Quốc, phản ứng về dịch bệnh của ĐCSTQ là chậm nhất và kém minh bạch nhất. Vài tuần sau khi biết về đại dịch virus chết người bắt nguồn từ Trung Quốc, các quan chức Hàn Quốc đã thành lập các cơ sở thử nghiệm để xét nghiệm hàng ngày cho 20.000 công dân; chính quyền Đài Loan ngay từ đầu đã tổ chức các cuộc họp công bố tin tức hàng ngày, thông báo cho dân chúng biết tình hình dịch bệnh đồng thời đập tan tin đồn thất thiệt; viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health) đang nhanh chóng phát triển một loại vắc-xin khả thi.
Đồng thời, các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc bắt đầu cung cấp thông tin cập nhật thường xuyên về các trường hợp nhiễm virus và tử vong, cùng nhau trao đổi thông tin và thông báo cho công chúng để làm chậm sự lây lan của dịch.
Theo Tạp chí Phố Wall (Wall Street Journal), thậm chí ngay cả sau khi các khu vực khác thông báo về sự bùng phát của dịch bệnh với WHO vào ngày 31/12/2019, ĐCSTQ vẫn cố che đậy chi tiết quan trọng rằng virus có khả năng lây từ người sang người.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus đăng trên Twitter vào ngày 23/3 nói rằng: “Ngày 31/12 – cùng với ngày mà Đài Loan lần đầu tiên cố gắng cảnh báo WHO về việc lây nhiễm từ người sang người, chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) lại ‘bịt miệng’ các bác sĩ, cho đến ngày 20/1, họ vẫn phủ nhận rằng virus có thể truyền từ người sang người, nên đã mang lại những hậu quả tai hại”.
Các quan chức của ĐCSTQ ở Vũ Hán đã “ngó lơ” dịch bệnh, như thường lệ vẫn tổ chức hoạt động đón năm mới của Trung Quốc – “Vạn gia yến” vào ngày 18/1, khiến virus lây lan nhanh chóng.
Ngoài ra, ĐCSTQ “phong tỏa” thông tin từ công chúng Trung Quốc. Khi Lý Văn Lượng, một bác sĩ ở Vũ Hán vì nhắc nhở các đồng nghiệp của mình cảnh giác với loại virus mới này, anh đã bị cảnh sát cảnh cáo và buộc phải ký bản kiểm điểm để cam kết không được tái phạm. Cuối cùng Lý Văn Lượng cũng bị nhiễm virus này và mất vào ngày 6/2.
Ông Pompeo đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 18/3: “Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận thức được rủi ro (virus) này và đã xác định được nó (tác hại), họ là người đầu tiên biết”. Ông nói, nhưng chính phủ Trung Quốc “không ứng phó đúng đắn và đẩy vô số sinh mạng đứng bên bờ vực thẳm”.
Minh Huy (Theo Epoch Times)