Nga bắt giữ hàng ngàn người biểu tình chống chiến tranh
Một nhóm giám sát độc lập cho biết 4.366 người tại 53 thành phố trên khắp nước Nga đã bị bắt giữ, sau khi xuống đường biểu tình phản đối cuộc tấn công của Vladimir Putin vào Ukraine. Nhiều kênh truyền thông độc lập ở Nga đã bị chặn sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu.
Hàng ngàn người biểu tình bị bắt
Theo The Guardian, nhóm giám sát độc lập OVD-Info đã ghi nhận hơn 7.500 vụ bắt giữ người biểu tình chống chiến tranh tại 53 thành phố của nước Nga. Trong đó, ít nhất 4.366 người đã bị giam.
Các nhà hoạt động đối lập cũng đăng video cho thấy hàng ngàn người biểu tình ở các thành phố khác xuống đường hô vang “Không chiến tranh”.
Maria Kuznetsova, phát ngôn viên của OVD-Info nói với Reuters: “Mọi thứ đang được siết chặt hoàn toàn – về cơ bản chúng ta đang chứng kiến sự kiểm duyệt của quân đội. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến những cuộc biểu tình khá lớn, ngay cả tại các thành phố của Siberia, nơi hiếm khi có những vụ bắt giữ như vậy”.
Trước đó, Bộ Nội vụ Nga cho biết cảnh sát đã bắt giam khoảng 3.500 người biểu tình. Trong đó có 1.700 người ở Moscow, 750 người ở St Petersburg và 1.061 người ở các thành phố khác.
Thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny đang bị giam giữ cũng đã kêu gọi biểu tình phản đối chiến tranh trên khắp nước Nga và phần còn lại của thế giới sau cuộc xung đột. Tuy nhiên hôm 5/2, Bộ Nội vụ Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm tổ chức các cuộc biểu tình trái phép sẽ bị ngăn chặn và những người tổ chức phải chịu trách nhiệm.
Các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy khoảng 2.000 người đã tham gia một cuộc biểu tình chống chiến tranh ở thành phố lớn nhất của Kazakhstan, Almaty.
Một video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy một người biểu tình trên quảng trường thành phố Khabarovsk hét lên “Không chiến tranh – Các vị không thấy xấu hổ sao?”, sau đó bị hai sĩ quan cảnh sát bắt giữ.
Chặn truyền thông độc lập
Kể từ hôm 4/2, việc đưa tin độc lập từ Nga cũng ngày càng trở nên khó khăn, khi chính phủ “đàn áp” các hãng thông tấn bằng cách thông qua điều luật quy định việc cố ý truyền bá tin “giả” hoặc “sai sự thật” về cuộc chiến ở Ukraine sẽ phạm tội hình sự, có thể bị phạt tù lên đến 15 năm.
Ngoài ra, tờ Al Jazeera dẫn tin từ một nhóm nhân quyền cho biết chính quyền Nga đã chặn một số hãng truyền thông độc lập khi Điện Kremlin tìm cách kiểm soát việc đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine.
Cụ thể, nhóm quyền kỹ thuật số Roskomsvoboda hôm 6/3 cho biết các nhà chức trách Nga đã chặn một số phương tiện truyền thông kỹ thuật số, bao gồm Mediazona, Republic, Snob.ru và Agentstvo.
Các kênh truyền thông này bị nhắm mục tiêu theo yêu cầu từ Văn phòng Tổng Công tố Nga vào ngày 24/2, ngày Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine.
Hãng truyền thông Mediazona cho biết họ bị chặn “vì chúng tôi đưa tin trung thực về những gì đang xảy ra ở Ukraine, đồng thời gọi cuộc xâm lược này là xâm lược, và cuộc chiến này là chiến tranh”.
Mediazona nói thêm rằng những ngày gần đây Nga đã áp dụng “chế độ kiểm duyệt quân sự và hầu như không còn kênh truyền thông độc lập nào ở nước này”.
Theo Reuters, mặc dù Putin đã tìm cách mô tả cuộc tấn công là “một hoạt động quân sự đặc biệt” để bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga chống lại sự đàn áp ở Ukraine, nhưng tuyên bố của ông đã bị bác bỏ hoàn toàn ở cả nước ngoài và một số người ở Nga.
Alexei Navalny nói hôm 5/3: “Vì Putin mà giờ đây đối với nhiều người, nước Nga trở thành kẻ gây chiến. Điều đó là không đúng: Chính Putin chứ không phải nước Nga đã tấn công Ukraine”.
Hôm 6/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, đã hối thúc ông Putin tuyên bố ngừng bắn ở Ukraine, mở các hành lang nhân đạo và ký một thỏa thuận hòa bình.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Putin cáo buộc phía Ukraine đang trì hoãn quá trình đàm phán giữa 2 nước và khẳng định: “Chiến dịch quân sự đặc biệt này chỉ có thể dừng lại khi Ukraine dừng các hành động thù địch và đáp ứng các yêu cầu mà Nga đã nêu ra rõ ràng” như việc “phi quân sự hóa” ở Ukraine.
Thùy Linh (t/h)