Một kỹ sư Nga tình nguyện tham gia vào ca phẫu thuật ghép đầu
Reuters cho biết, Valery Spiridonov, một kỹ sư máy tính 30 tuổi, quốc tịch Nga, đã tình nguyện trở thành người đầu tiên tham gia ca phẫu thuật cấy ghép đầu anh ta vào cơ thể của một người khác.
Spiridonov mắc bệnh teo cơ Werdnig-Hoffmann hay còn gọi là teo cơ tủy sống, một căn bệnh hiếm và không có phương thức điều trị. Anh mắc bệnh này từ khi sinh ra và phải ngồi xe lăn từ bé. Anh cho rằng ca phẫu thuật có thể kéo dài cuộc sống của anh và giúp ích nhiều cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Tôi rất quan tâm tới công nghệ và những tiến bộ có thể khiến cuộc sống của người dân trở nên tốt hơn”, Spiridonov chia sẻ với Reuters.
“Ca phẫu thuật này không chỉ mang lại cho tôi một cơ hội tuyệt vời, nó còn tạo ra cơ sở khoa học cho những thế hệ tương lai dù kết quả ca phẫu thuật thế nào chăng nữa”, Spiridonov nói.
Theo thông tin từ Reuters, ca phẫu thuật có thể kéo dài tới 36 giờ và tiêu tốn khoảng 11 triệu USD. Toàn bộ ca phẫu thuật cần sự hỗ trợ của khoảng 150 bác sĩ, y tá và được điều hành bởi Tiến sĩ giải phẫu thần kinh nổi tiếng Sergio Canavero, Giám đốc trung tâm giải phẫu thần kinh Turin Advanced Neuromodulation Group tại Turin, Ý.
Cũng theo Reuters, cơ thể mới của Spiridonov được cấy ghép vào một người chết não nhưng các bộ phận khác trên cơ thể vẫn hoạt động bình thường. Não của Spiridonov sẽ được làm lạnh xuống mức 10-15°C để kéo dài thời gian sống của tế bào não khi không có oxy. Tủy sống sẽ được cắt bằng một dao mổ đặc biệt sắc và được nối vào cơ thể mới bằng một loại keo sinh học đặc biệt.
Khi ca phẫu thuật kết thúc, Spiridonov sẽ được đưa vào trạng thái hôn mê trong khoảng 3 đến 4 tuần để tránh chuyển động, bác sĩ sẽ tiêm thuốc ức chế miễn dịch để cơ thể mới không từ chối chiếc đầu vừa được cấy ghép.
Mặc dù ca phẫu thuật này có thể là một bước đột phá lớn trong khoa học, nhưng một số bác sĩ cho rằng có quá nhiều rủi ro tiềm ẩn trong một ca phẫu thuật dài, phức tạp và nguy hiểm như vậy.
Tiến sĩ Hunt Batjer, Chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội Bác sĩ giải phẫu Thần kinh Mỹ, chia sẻ với CNN: “Tôi không muốn điều này xảy ra trên bất cứ ai. Và nếu là tôi, tôi sẽ không cho phép bất cứ ai thực hiện điều này trên cơ thể của mình bởi rất nhiều điều tệ hơn cả cái chết”.
Tuy nhiên, Spiridonov chia sẻ rằng anh nhận thức được các rủi ro. Anh tin rằng ca phẫu thuật này mang lại nhiều điều tốt hơn là gây tổn hại. “Trong tương lai, công nghệ này sẽ giúp đỡ hàng ngàn người đang trong tình trạng tồi tệ hơn tôi”, Spiridonov nói.
Theo VRV