Mẹ buông tay trong chiều chạy loạn, gần 50 năm sau cha mới tìm được con gái lưu lạc

03/05/22, 17:52 Cuộc sống

Trong một buổi chiều chạy loạn của năm 1975, lúc qua cây cầu Trà Long bị đánh sập được đặt lại tên là cầu gãy, bà Nguyệt phải buông tay con để một người đàn ông đi xe máy chở con qua giúp, còn bà thì bơi theo sau… mà không ngờ lần buông tay này cũng là lần cuối cùng bà được nhìn thấy con gái.

Chị Nga và ba mẹ thời còn trẻ. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)

Chạy loạn qua cây cầu gãy và phút buông tay chia cắt gần nửa thế kỷ

Thời điểm tháng 03 tháng 04/1975 ở Ba Ngòi, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cực kỳ hỗn loạn, những trận bom phá hủy cầu đường liên tục nã xuống. Cầu Trà Long cũng bị đánh sập, được đặt lại tên là cầu gãy.

Khi ấy bà Ngô Thị Thu Nguyệt, tiểu thư nhà phó giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, dắt theo con gái nhỏ là bé Bùi Thị Nga (6 tuổi) chạy khỏi Ba Ngòi.

Trong hỗn loạn, bà Nguyệt không thể đi qua cầu gãy. Lúc này, bà gặp một người đàn ông đi xe Honda 67, ngỏ ý chở con gái bà qua sông giùm, bà để con lên xe rồi bơi theo sau. Nhưng bà bơi qua đến bờ sông bên kia thì không còn thấy con đâu, người đàn ông kia cũng mất dạng…

Cầu Trà Long – nơi một cái buông tay thay đổi số phận của cả gia đình. (Ảnh: Cafef)

Chồng bà Nguyệt là ông Bùi Văn Tường đi qua cây cầu gãy, không hề biết con gái mình vừa lạc ở đó. Chỉ khi về đến nhà ở Phan Rang (Ninh Thuận), gặp vợ vừa quá giang xe về đến nơi, ông mới hay tin con gái mình bị lạc mất.

Ông bà sau đó sốt ruột đi tìm khắp nơi. Cả tháng trời, ông Tường đạp xe đi đi về về, từ nhà ở Phan Rang đến khu vực cầu Trà Long tìm con. Nghe nơi nào có nuôi con nuôi thất lạc, ông đều tìm đến nhưng không tìm được.

“Tôi đi tìm, hỏi chỗ này chỗ kia xem có ai nuôi con nuôi không, rồi thời gian trôi, tôi nghĩ con tôi chết rồi. Tôi nhớ con bé tóc dợn dợn, mập, thấp thấp. Tôi tìm hỏi hàng ngàn, hàng trăm người mà không ai thấy…”, ông Tường nhớ lại.

Hiện tại, ông Tường sống ở phường Bảo An, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, cách nơi lạc con 50km.

Đứa trẻ lạc nhà may mắn được cưu mang

Gia đình cụ Lưu Địch có 6 người con, đã sống lâu đời tại Ba Ngòi, cách cây cầu gãy, nơi phân ly của mẹ con bà Nguyệt bé Nga, không xa. 

Thời loạn, khu vực Ba Ngòi liên tục bị ném bom, người dân phải bỏ của chạy trốn, di tản rất nhiều. Một trong những người con của cụ Địch là chị Thiện đã đi qua cầu đến nhà dì để trú ẩn.

Chị Nga năm 1976, gần 1 năm sau khi ở với gia đình nuôi. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)

Khi ấy, chị gặp một người bạn cũng tới đó, dẫn theo một bé gái đi lạc, chính là bé Nga, con gái bà Nguyệt. Chị Thiện kể:

“Em Nga dễ thương vô cùng, nhìn là cưng liền. Khả năng là gia đình cũng khá giả vì Nga khi đó mặc áo đầm. tóc cắt kiểu búp bê, mà tóc nhiều lắm.

Tôi hỏi thì bạn kể là lượm em Nga ở chợ Ba Ngòi, ngay bến xe Phan Rang. Nó nói là Nga đứng một mình bên đường, khóc thét như kiểu đang tìm cha mẹ. Ngay gần đó có một chiếc xe Jeep có ông lính bị bom chết. Xung quanh bom đạn dữ lắm. Nó thấy tội nghiệp nên dắt Nga theo.

Không biết con bé là người ở đâu tới, nếu là người ở Ba Ngòi thì chúng tôi biết liền. Tôi ở nhà dì mấy bữa trốn bom rồi đem Nga về nhà nuôi. Gia đình tôi đủ khả năng nuôi, không nghĩ ngợi gì hết.”

Năm đó ông Lưu Địch và bà Bùi Thị Bảy đã trên dưới 60, nhận nuôi bé Nga chỉ vì tình thương với đứa trẻ lạc nhà và với bậc cha mẹ của đứa trẻ mà ông bà không biết mặt. Bé Nga gọi bà Bảy, ông Địch là ngoại, gọi các con của ông bà là anh chị.

Từ khi gia đình ông Địch nhận nuôi bé Nga, cũng có mấy người đến nhận con nhưng Nga không chịu, em nói: “Con ở với ngoại à. Đó không phải ba mẹ con. Chừng nào ba mẹ thật đón về thì con nhận.”

Đại gia đình cụ Lưu Địch, ảnh chụp năm 1976. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)

Bé Nga khi đó nhớ được tên mình, nhớ ba tên là Tường, mặc đồ lính có rằn ri, mẹ tên Nguyệt làm tóc xoăn, có sơn móng tay, nhà có đèn nhấp nháy. 

Nga cũng nhớ là được chở bằng xe Honda 67 qua cây cầu gãy nhưng lại nghĩ ba chính là người đã chở mình trên chiếc xe đó. Cô bé 6 tuổi năm ấy cứ băn khoăn mãi, không hiểu sao ba lại để lại một mình mình ở đầu cầu rồi đi mất…

Gia đình thương bé Nga lắm. Nga được ngoại cho đi học nhưng học không vào. Nga cũng không muốn học lên vì trong thâm tâm luôn áy náy việc ngoại phải vất vả nuôi mình. Khi gia đình ông Lưu Địch bán đất chia cho các con, Nga cũng được phần bằng với các chị. Chị cứ buồn mãi vì chưa kịp báo hiếu mà ngoại đã mất. Năm 1978 ông Địch qua đời, đến năm 2000 bà Bảy cũng nhắm mắt xuôi tay.

Chị Nga (ngoài cùng bên phải) cùng các chị gái ở gia đình nuôi.
Chị Nga của hiện tại, sau gần nửa thế kỷ lưu lạc. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc/Youtube)

Trưởng thành, chị Nga đi làm mành trúc, mành sứ rồi ra Nha Trang ở với chị Thân. Năm 21 tuổi chị Nga lấy chồng, ba mẹ chồng thương chị vô cùng. Chị cũng thương họ vì từ khi lạc nhà tới khi đó chị mới lại được kêu tiếng ba, tiếng má.

Ba mẹ chồng có miếng đất tại Hòn Xện cũng cho chị Nga, rồi đổi lấy chung cư tại Cồn Giữa. Chị Nga và chồng sinh được 2 người con một trai một gái rất thương mẹ, hiện đã lập gia đình, công việc ổn định. Chị Nga bán nước cũng đủ sống qua ngày. Ngặt nỗi, chồng chị cũng bỏ chị mà ra đi sớm quá, khiến chị phải sống trong cảnh góa bụa.

Trong lòng chị Nga luôn có những nỗi buồn chưa được khỏa lấp, từ ngày chị tuột tay mẹ giữa đường. Nỗi buồn ấy như tràn ra cả mắt, vì chị có nốt ruồi trái bí ngay bọng mắt, nhìn như giọt lệ sầu. Nhiều người nói chị Nga phá đi nhưng chị kiên quyết giữ lại để làm dấu, với hy vọng mỏng manh rằng sau này gặp lại ba mẹ sẽ nhận ra chị.

Gia đình vỡ nát sau cuộc phân ly

Lại nói về ba mẹ ruột chị Nga. Sau những tháng ngày bom đạn, tìm mãi không thấy con, vì cuộc sống khó khăn, ông Tường bà Nguyệt đi làm kinh tế mới cách nhà 20km rồi sau đó vào Sài Gòn làm mướn. Họ có thêm một người con trai, sống ở ga Hòa Hưng, rồi lại về Thị Nghè nhà ông bà ngoại ở ké.

Từ ngày buông tay lạc mất đứa con đầu lòng, bà Nguyệt chưa bao giờ vực dậy được. Bà không nguôi nỗi nhớ bé Nga dù được an ủi khi sinh con thứ hai. Bà buồn rầu mà lâm bệnh rồi mất năm 1997, khi chỉ mới 47 tuổi.

Ông Tường ở tuổi 82, đau đáu nỗi buồn lạc con, mất vợ. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)

Con gái thất lạc, vợ qua đời tưởng như đã là nỗi đau không nguôi của ông Tường nhưng đoạn đời sau của ông còn nhiều bất hạnh nữa. Khi con trai ông Tường theo bạn bè nghiện ngập, ông xin ba mẹ vợ bán nhà, đưa con về Phan Rang để cứu con. Nhưng sức ông không giữ được, nhà mất, con bỏ đi, sau này cũng chết trong trại cai nghiện.

Năm 2000, ông Tường trắng tay, sống cô độc ở căn nhà bỏ không của người ta, bán vé số tự mình mưu sinh. Ông bằng lòng với cuộc sống nghèo khó, cố sống để mong được gặp lại, nhìn thấy con gái thất lạc một lần trước khi nhắm mắt. Bao nhiêu biến động xảy ra trong 46 năm xa cách, nhưng ông luôn chấp nhận số phận. Ông viết thư cho chương trình ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’, mong tìm được núm ruột của mình.

Căn nhà nơi ông sống trong cô quạnh tuổi già. (Ảnh: Cafef)

Sau một thời gian dài tìm kiếm, chương trình ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’ đã có manh mối về ‘bé Nga’, con gái của ông Tường. Nghe điện thoại, ông run rẩy hỏi: “Đã có tin tức gì về con Nga của tôi chưa? Nó có may mắn không, nó có hạnh phúc không? Nếu có thể gặp con, tôi tưởng như người chết mà sống dậy. Ước vậy chứ tuổi mình càng ngày càng cao, không biết có kịp không…”

Đoàn tụ sau 46 năm chia cách

46 năm qua, chị Nga chưa từng rời xa nơi chị bị rớt lại. 46 năm, dù đi học, đi làm, lấy chồng hay khi đã thành góa phụ, chị cũng chỉ đi đi lại lại một cung đường Nha Trang – Cam Ranh ấy mà thôi.

Nhiều năm liền, chị tự nghĩ rằng ba mẹ mất rồi nên không đi tìm mình. Đôi khi chị lại linh cảm gia đình mình vẫn còn, và thoáng thất vọng nghĩ là cả đời này không tìm thấy nhau nữa. Trong sâu thẳm, chị Nga vẫn muốn là một người có cội có nguồn, chứ không phải là một cô bé bơ vơ giữa chợ, được định danh bằng một tấm giấy khai sinh danh dự.

Giữa năm 2021, sau khi khớp nối thông tin, biết chị Nga là con của ông Tường, chương trình ‘Như chưa hề có cuộc chia ly’ đã đưa họ về với nhau. Nhìn tấm ảnh bé Nga năm 6 tuổi chụp cùng gia đình cụ Địch, ba Tường khi ấy đã 82 tuổi bật khóc.

Ông Tường mong được gặp lại con một lần trước khi nhắm mắt. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)

Ông khóc vì bé Nga của ông vẫn ở quanh cây cầu Trà Long đó thôi, khóc vì 46 năm qua ba con ông bị chia cách oan uổng bởi người ta chỉ ông sai chỗ. Khóc vì già nửa cuộc đời đã trôi qua, vì “bây giờ mà đi gặp con ngoài đường chắc ba không nhận ra, gặp con khi ba còn khỏe còn sống là ba mừng quá. Mong cho hết dịch để cha con có thể gặp nhau, ôm nhau. Ba tưởng con đã mất rồi, đâu còn đến ngày hôm nay.”

Thời điểm đó do dịch bệnh Covid-19 nên cả Ninh Thuận và Nha Trang đều áp dụng giãn cách xã hội, ông Tường và ‘bé Nga’ chỉ có thể đoàn tụ qua màn hình máy tính. Đến tận cuối năm 2021, ba con họ mới thực sự được gặp nhau ngoài đời. Chị Nga nhào vào vòng tay ba, khóc nức nở.

Sau khi vợ và con trai mất, ông Tường và gia đình bên vợ không còn liên lạc gì với nhau. Hơn 20 năm, nhân dịp tìm thấy chị Nga, họ mới nối lại trò chuyện. Cậu Tư của chị Nga mừng mừng tủi tủi nhìn cháu qua màn hình điện tử, hàn huyên về những ngày xa cách.

Lạc nhau thuở con lên 6, đến khi con thành góa phụ tuổi trung niên, người cha mới gặp lại. (Ảnh: Pháp luật & Bạn đọc)

Ông Tư kể, cho đến khi mất, chị gái ông vẫn uất, buồn đau không ngớt vì đã làm lạc con. Những năm 2000, từng có một sinh viên Mỹ về Nha Trang tìm bị gia đình thất lạc tháng 03/1975 ở Cam Ranh. Cậu và dì chị Nga hay tin, sang tận Mỹ để nhận mặt, nhưng cuối cùng đành thất vọng ra về.

Tất cả họ đâu có biết, núm ruột lưu lạc của gia đình vẫn ở Nha Trang ngần ấy năm; trong khi họ canh cánh trong lòng nỗi đau của chị gái, muốn tìm cháu cho chị được yên nghỉ.

Xuân Hạ (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

Ad will display in 09 seconds

SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Ad will display in 09 seconds

Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

    Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

  • SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

    SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

    Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

    Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

  • Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

    Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL