Mái ấm Thiên Thần – Nơi những số phận quây quần trong mất mát
Bước sang tuổi 60 và thường bị thiếu ngủ, nhưng ông Hiệp luôn tự nhắc mình “không được ngủ say”. Bởi bất cứ lúc nào cũng có thể có một đứa trẻ bị bỏ lại ngoài cổng mà không ai biết. Quanh cánh cổng đó, là những đàn chó hoang luôn rình rập.
Nhiều đứa trẻ sinh ra đã mang theo định mệnh không biết đến cái Tết quây quần đúng nghĩa vì chúng là những đứa trẻ mồ côi vì bị bố mẹ bỏ rơi.
Sài Gòn là nơi có số mái ấm, trung tâm bảo trợ trẻ em, nhà mở nhiều nhất cả nước. Theo ông Phạm Đình Nghinh, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP HCM thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội, thành phố này có gần 15.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có gần 30.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, số trẻ em mồ côi không nơi nương tựa hiện được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố là 2.900 em.
Trong số gần 50 cơ sở xã hội đang nuôi dưỡng trẻ em, thiện nguyện, có 40 cơ sở tư nhân. Trong đó, Mái ấm Thiên Thần do ông Hiệp mở ra 7 năm nay là một trong những cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi khó khăn nhất. Khi được hỏi về một trung tâm cần được giúp đỡ, ông Nghinh chỉ về Thiên Thần.
Thiên thần mồ côi
Tâm nguyện nuôi trẻ mồ côi dấy lên mạnh mẽ trong thời gian ông Hiệp đi bộ đội ở Campuchia quãng những năm 70. Chiến tranh quá khốc liệt, trẻ mồ côi rất nhiều, ông tự hứa với lòng mình nếu còn sống sót trở về thì sẽ nuôi mấy đứa trẻ mồ côi. Năm 1983 ông xuất ngũ, làm bảo vệ cho một công ty nhà nước. Rồi ông ra ngoài, mở xưởng cơ khí. Một ngày ông bảo vợ: Tôi với bà cũng có chút dư dả, bọn trẻ lớn rồi, giờ nuôi mấy đứa bé mồ côi. Bà đồng ý.
Ông dùng miếng đất mua bên Quận 9 từ hồi còn là sình lầy, xin chuyển mục đích sử dụng, đổ đất cao thêm 2 mét để xây mái ấm Thiên Thần. Ông dùng thu nhập từ xưởng cơ khí để duy trì mái ấm.
Ông Hiệp đặt tên cơ sở là Thiên Thần bởi ông tin vào những thiên thần hộ mệnh, luôn tới dẫn dắt con người trong những lúc gian nan nhất. Dù bị bỏ rơi, nhưng các Thiên thần áo trắng sẽ hộ mệnh cho em thành người.
Người cha của lũ trẻ từ chối để hình ảnh của mình xuất hiện trên mặt báo. “Mình làm đâu phải để được công nhận gì”, ông bảo.
Vẫn nhớ ngày đón bé Kim Tâm. Cái Tết năm đó Sài Gòn bỗng dưng lạnh hơn rất nhiều. Hơn 11 giờ khuya, cô Hạnh bảo mẫu, anh bảo vệ cùng mười mấy bé đã ngủ từ lâu. Cô bị tỉnh giấc bởi tiếng chó sủa thành tràng dài không dứt. Cô nghĩ, chắc bọn chó hoang sủa bâng quơ. Khu vực Ông Nhiêu, Quận 9 đồng ruộng nhiều hơn nhà cửa, chó hoang rất nhiều.
Rồi mấy con chó nhà mái ấm nuôi lại họa theo sủa tiếp. Giọng chúng bứt rứt khác hẳn mọi ngày. Một lúc, anh bảo vệ xách đèn pin ra cổng soi. Ánh đèn lướt qua bệ cửa sổ nhà bảo vệ. Ở đó có một cái giỏ nhựa. Tiếng khóc ré lên: đứa bé nhỉnh hơn trái bắp được quấn trong chiếc khăn bông đã cũ.
Con bé còn chưa rụng rốn, chỉ khoảng hơn 2kg, da nhăn nheo và đã tím tái. Các cô bảo mẫu vừa ấp vừa xoa cho bé hồi lại. Vậy mà nó cũng đã viêm phổi. Chưa hết Tết, hai cô chở nhau bằng xe máy gần 20 cây số đưa bé lên Bệnh viện Nhi Đồng.
Sau Kim Tâm, Kim Nghĩa đến với mái ấm Thiên Thần cũng theo cách đó. Khoảng hơn 10 giờ đêm một ngày tháng 10/2016, tiếng khóc của Nghĩa – mới nửa tháng tuổi – cất lên lanh lảnh giữa đêm vắng. Kim Tâm và Kim Nghĩa đều được mang họ Bùi của ông Hiệp. Chúng vượt qua bệnh tật, lớn lên và trở thành một phần của đại gia đình Thiên Thần.
“Tôi buồn lắm. Tôi nghĩ mình không có quyền phê phán ai nhưng tại sao người ta để bé đó mà không bấm chuông lấy một cái rồi hãy đi” – ông Hiệp nói về những người mẹ mà ông không bao giờ biết mặt. Ông không dám tưởng tượng đến cảnh những đứa trẻ bị để ngoài trời lâu, có thể bị kiến cắn và lỡ đâu bị bọn chó tha.
“Nếu có chuyện gì xảy ra với bé thì người mẹ đó không ân hận mà chính tôi mới ân hận”.
Ở Mái ấm Thiên Thần có 65 đứa trẻ, 65 số phận khác nhau, và không hành trình nào của chúng tìm đến nơi này là không đặc biệt.
Mẹ của Bách khoảng 20 tuổi, ở Kiên Giang. Có thai, cô gái sợ gia đình mắng, trốn lên Sài Gòn, lang thang xin tiền, ăn mì gói qua ngày ở công viên Lê Văn Tám. Người ta đi tập thể dục nhìn thấy, mới gọi điện cho ông Hiệp.
Khi cô gái tới, ông Hiệp bật khóc. Người mẹ xơ xác như bộ khung xương. Kim Bách sinh non tới 7 tuần, nặng có 2,1 kg. Bác sĩ nói: “Anh nhận trường hợp này là căng lắm à nha. Khó nuôi lắm”. Ông nói không sao, cứ để tôi chăm sóc còn chuyện sinh tử là chuyện số phận. Ông đặt tên con là Bách, mong nó có sức khỏe cứng cáp.
Mẹ của Bách đưa cho ông một cái tên giả. Tới tận khi ông Hiệp cho người đưa cô về tận nhà giao bố mẹ ở Kiên Giang, cô mới khai thật. Ông buồn lắm. Ông luôn muốn hỏi tên thật các bà mẹ bởi muốn lấy họ của mẹ làm khai sinh cho cháu. Chúng sẽ được an ủi phần nào vì sau này ông có thể trả lời rằng mẹ con lúc đó có nghèo khổ quá không nuôi được nên gửi vô cho bố nuôi. “Trả lời như vậy thì tụi nhỏ vẫn còn thương cảm người mẹ” – ông nghĩ.
Cặp sinh đôi Kim Hồng-Kim Phúc đã 3 tuổi, nhận trước ngày Giáng sinh nên ông Hiệp đặt tên Hồng-Phúc. Thằng Tín thì được một người mẹ là công nhân ở Hoóc Môn đem đến. Còn anh chàng to nhất, 13 tuổi tên Lin. Bố mẹ mất, Lin đi lang thang ăn xin ở Đắk Nông suốt 3 tháng.
Tiểu Yến có lẽ là trường hợp gay go nhất. Mẹ nó trọ ở Thanh Đa, 16 tuổi, đang chơi nhảy dây thì xổ dạ sinh con. Đẻ 3 ngày được hai đứa bạn chở xe máy tới đây: “Con nuôi đứa này không nổi, cho con gởi”. Nếu gởi thì chừng nào nhận? Cô bé trả lời ngay: “Con không nuôi”.
Mẹ nó mới sinh, mặc bộ đồ ở nhà, tóc cắt ngắn. Nhưng hai đứa bạn ăn mặc lố lăng, thuốc lá phì phèo, ăn nói lấp xấp, chửi thề vung vãi. Ba đứa vỗ vai nhau bỏ đi giống như liệng xong một đồ vật. Ông nhớ mãi hình ảnh mẹ Yến quay lưng đi không ôm con, không khóc, hay một ánh nhìn lưu luyến.
Vài ngày sau, hai mắt bé Yến đặc quánh mủ và gỉ mắt. Bác sĩ bảo bé bị viêm kết mạc bẩm sinh, bệnh này thường xuất hiện ở trẻ có mẹ bị giang mai. Bác sĩ nói bây giờ bé có qua được hay không đều là số mệnh của nó. Nếu qua không được thì có thể bị mù. Ông trời thương, qua thôi nôi bệnh của Yến lại hết.
“Chúng tôi cảm nhận được vai trò, trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực, tình yêu thương của ngôi nhà này” – ông Nghinh nói về Thiên Thần. Vị cán bộ bộc bạch rằng ngoài các cơ sở công lập, thì những cơ sở do tư nhân thành lập đang “giúp giải quyết rất nhiều vấn đề”. Nhiều cuộc đời đã lớn lên và trưởng thành từ những mái ấm này.
Thiên Thần còn thiếu nhiều điều kiện đòi hỏi của một trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi từ 0 tới 7 tuổi. Họ thiếu số bảo mẫu theo quy định “mỗi bé sơ sinh một cô bảo mẫu”. 65 bé chỉ có 10 cô bảo mẫu cùng vợ chồng “ông chủ” chia 2 ca thay nhau quán xuyến; thiếu nhân viên y tế; thiếu điều kiện về cơ sở vật chất để chăm nuôi trẻ.
Quần áo cũng không có nhiều để lựa thành ra chúng nó ăn mặc cũng lung tung, cô bảo mẫu nói. Dép guốc cũng thiếu cái này hụt cái kia. Cơ quan quản lý thúc giục, ông năn nỉ “thông cảm cho tôi từ từ rồi tôi cố gắng”.
Quây quần trong mất mát
Có người mẹ đi miệt mài, bốn năm sau quay lại bấm chuông. Vào nhà, cô gái không hỏi con một câu, vuốt tóc một cái rồi đẩy qua cho hai người lạ nắn chân sờ tay, chụp hình con bé như một món hàng. Mấy người coi đứa bé kháu khỉnh tỏ ra rất ưng ý.
Ông Hiệp thấy lạ, cương quyết đòi gia đình chứng minh khả năng nuôi mới giao cháu. Đám người chửi bới, đập cửa, lên phường khiếu nại. Phường không giải quyết. Họ quay lại quậy phá hàng tuần liền trước cửa trung tâm. Nhưng ông không sợ. “Tất cả các bé vào đây đã một lần chịu cơ cực. Nếu mình giao đi không đúng chỗ sẽ lại đẩy bé vào bi kịch lần thứ hai”.
Ông Hiệp chưa bao giờ cho đi một đứa trẻ nào trong mái ấm của mình. Chức năng của Thiên Thần, chỉ là nuôi dạy lũ trẻ.
Đa số giấy tờ của các bé có tên khai sinh theo họ mẹ. Ông Hiệp luôn ráng gặng hỏi lý do họ bỏ con, hầu hết đều trả lời “không muốn nuôi”. Ông luôn phải nài nỉ người mẹ chứng minh thư để photo lại, bởi nếu không có chứng minh thì làm khai sinh rất khó khăn, và muốn giữ lại chút manh mối cho các bé.
Từ khi ông nhận bé đầu tiên vào Thiên Thần, đến nay đã 7 năm, số cha mẹ tới thăm 65 cháu bé chỉ đếm trên đầu ngón tay, mỗi lần thăm cũng không quá 30 phút, và không thấy thăm lại lần thứ hai. Một lần, có bé gặp bệnh nguy kịch, ông gọi điện: “Tôi xin lỗi, tôi làm phiền cô. Tại vì bé nó bệnh nặng quá, bác sỹ nói nguy kịch nên tôi gọi điện báo cho cô biết. Nếu rảnh thì cô ghé thăm bé”. Người ta cự: “Tôi đã gửi chú rồi tại sao còn gọi điện quấy rầy tôi làm chi?”.
“Tôi xin lỗi, tôi làm phiền cô”, ông chỉ còn biết trả lời như vậy.
Ông Hiệp và cô bảo mẫu Hạnh, người gắn bó với các bé từ ngày đầu thành lập nhớ tính cách từng đứa. Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín ở đây tên nào cũng có. Anh chàng này não bên to bên nhỏ, cô này thì khóc là bằng được. Anh này hen phế quản, khi phát bệnh là phải thức trắng đêm với nó…
Kim Tâm có biệt danh Tâm khóc nhè, cô Hạnh bảo. Nó khóc thì có thể tới một tiếng nếu không ai dỗ dành. Ngày nào mà nó không khóc thì đó là ngày đặc biệt của mái ấm. Nhưng khi được ôm ấp, ăn kẹo bánh, chơi vui là Tâm cười giòn tan lanh lảnh.
Tâm có cái khác: khách vô chơi em không sấn sổ tới đòi ẵm bế như nhiều bạn. Em cũng không tranh giành đồ ăn với bạn nào. Nếu bạn ăn hết rồi mà mình đang cầm phần bánh thì sẵn sàng chia cho bạn. Cô bé 4 tuổi mà sẵn sàng lấy đồ bận cho em nhỏ, chăm các em nhỏ không cần ai nhắc. Nó không nựng nịu gì, cứ lẳng lặng mà làm. Bố hay các mẹ chỉ cần “Tâm ơi ra bận đồ cho em” là chạy ra liền.
Con bé còn có sự để ý rất kỹ tới người khác. Nếu sờ thấy bạn nào nóng đầu nóng người là chạy tới lôi tay “Bố ơi bé bệnh, bé bệnh”. Hoặc chạy đến cô bảo mẫu, chỉ em: “Bệnh rồi, bệnh rồi”.
Sáng ngủ dậy, các bé phải tự xếp gối xếp mền, nệm, mà Tâm còn đòi quét nhà, lau nhà hay các việc của người lớn. Nếu cô nói “Cái này con làm không có được” thì cô phải bố trí việc khác cho nó làm. “Nếu không thôi, mặt một đống, chuẩn bị đổ nước mắt”.
Còn Tiểu Yến, ông Hiệp bảo, con bé lớn lên chắc cũng trực tính. Cái gì không đồng ý thì làm liền. Đứa nào phá vô mách bố liền hoặc lôi người lớn ra giải quyết. Khi bị bạn nào lấy đồ chơi, Yến chạy đi méc người lớn. Nhưng Yến khác Tâm ở chỗ méc xong là hết bức xúc, nó không đòi món đồ chơi nữa, kiếm cái khác chơi.
Yến đặc biệt yêu thích các con vật. Ngày nào cũng vậy, mở mắt ra “Bố bố cho con ẵm chó nha”. Nếu bố không cho phép thì thôi, cô bé không phản kháng, lảng đi kiếm việc khác để làm. 30 phút sau chạy lại “Cho con ẵm chó nha”. Nhiều khi bố không cho ẵm thì len lén ẵm vụng.
Yến cũng yêu các em nhỏ. Cũng hơn 4 tuổi, em là chuyên gia canh giữ không cho các em không phá rào, phá chó hay đi nghịch nước. Nếu bạn khác xin Yến đồ ăn, em không cho, nhưng em chạy vào kêu: “Bố ơi, phát cho em đồ ăn”.
Tết không nhành mai
Hỏi con có thích Tết không, Tâm lắc đầu không hiểu. Em không có khái niệm về Tết. Bởi Tết ở trại trẻ mồ côi gần như không khác gì so với ngày thường.
“Một ngày như mọi ngày”, ông Hiệp nói. Tết ở đây như ngày bình thường. Nếu có khác, chỉ là sự yên tĩnh.
Thời gian biểu của mái ấm Thiên Thần: 5h50 thức dậy, chạy mấy vòng sân tập thể dục, vệ sinh. 7h đến 7h30 ăn sáng. Ăn xong, các bé lớn chuẩn bị vào lớp học do các xơ bên giáo xứ tới dạy chương trình mầm non. 10h30 – 11h ăn cơm, 12h kém vô ngủ. 1h chiều dậy. 4h kém ăn cơm. 4h50 vệ sinh. 6-7h vô mùng, 8h tối ngủ.
Nhưng ngày Tết thì các con không phải theo giờ giấc. Thích ngủ tới mấy giờ thì ngủ, thích ăn lúc nào thì ăn. Từ 28 đến mùng 6, các cô bảo mẫu thay nhau nghỉ tết nên không có người đón khách. Các bé cũng không có ý thức về Tết và cũng không thắc mắc gì.
Bốn năm nay, ông Hiệp đón giao thừa một mình. Trẻ con đã ngủ từ 8 giờ tối. Trước Giao thừa ông kê ghế ngồi một mình bên gốc khóm tre trong sân chơi của bọn trẻ. Bà nhà ông đã về quê. Giao thừa, ông Hiệp leo lên lầu ba của ngôi nhà nhìn về Bạch Đằng coi pháo bông. Ông thầm cầu nguyện cho gia đình của mình yên ấm, ông bà có sức khỏe và bình an để lo cho bọn trẻ, cầu nguyện cho các bé mau lớn và khỏe mạnh.
Ông mơ về một giao thừa tương lai. Bọn trẻ trưởng thành, chúng sẽ quây quần đón giao thừa và mái ấm thực sự là mái ấm với không khí của một gia đình đón Tết cổ truyền. Đứa thì lăng xăng quét sân, đứa thì canh lửa nồi bánh phụ ba mẹ, đứa thì canh nước. Ước mơ sinh hoạt như một gia đình với ông là đủ để hạnh phúc, mặc dù ông biết còn nhiêu khê lắm.
Sáng mùng Một của Kim Tâm khác ngày thường ở chỗ không bị réo dậy lúc 6 giờ kém 10. Đứa nào ngủ tới đâu thì ngủ. Ngày tết sẽ có kẹo bánh bày sẵn trên bàn, các bé được lấy ăn thoải mái. Mọi sinh hoạt vui chơi cũng không phải theo thời khóa biểu cả năm. Các xơ không tới dạy học mỗi sáng.
Mái ấm Thiên Thần cũng không có hoa mai. Có năm, các sinh viên đem bông mai đến trang trí, các bé hỏi cái này là cái gì. Hoặc chúng hỏi sao hôm nay không học hả bố? Ông trả lời hôm nay là ngày nghỉ, từ mai các con sẽ học lại. Học lại, là hết Tết.
Hỏi ông Tết này có thể tặng cho các con thứ gì, ông bảo thực ra mình nghĩ về kế hoạch tương lai cho đám trẻ nhiều hơn. Chúng lớn lên, kinh phí mỗi ngày một cao lên. Một tháng gia đình ông cố gắng cũng đủ chi phí bọn trẻ sinh hoạt. Đấy là tằn tiện, còn có việc đột xuất thì phải cao hơn. Ông cũng cần xây thêm nhà để nhóm trẻ lớn và sơ sinh ra ở riêng, cần mở lớp học ở trung tâm vì nếu cho đến trường thì không kham nổi tiền học phí và không ai đưa rước.
Để có cơ ngơi đầy đủ cho gia đình này, còn bộn bề lắm. Nhưng ông bảo, cứ cố gắng hết sức thì sẽ có người cứu vớt mình lên.
Hai năm trước, xưởng cơ khí làm ăn khó khăn, ông và vợ phải lấy dự trữ quỹ dưỡng hưu để duy trì cho mấy đứa. “Tôi không chủ trương kêu gọi ai giúp, mình đã nguyện thì lặng lẽ mà làm, mình còn sức thì còn làm”.
“65 đứa là 65 cá tính, mình muốn nắn cũng không được”. Song ông thấy “tụi nhỏ có một cá tính chung duy nhất là vô cùng thương nhau”. Nhiều khi, giành món đồ chơi có thể cắn nhau, nhưng mà mức độ quan tâm đến nhau thì có lẽ hơn rất nhiều trẻ bình thường.
Ăn, ngủ gì chúng nó cũng để ý cho nhau chứ không phải mạnh ai nấy lo. Có đứa nào bệnh, người lớn giả bộ không nói mà tụi nó chạy đến méc hoài “Bé bệnh, bé bệnh”. Méc tới khi nào thấy bố, mẹ cho bé uống thuốc thì nó mới ngưng.
Mà thiệt lạ, con người ta uống thuốc là dỗ dành đủ kiểu mà vẫn phun phè phè, còn đây thuốc có đắng, thuốc viên, đưa cho đứa nào cũng nhai nuốt cái ực.
Cả với các bé sơ sinh, các cô bảo mẫu nói “trẻ con bình thường dạy cho nó cầm bình sữa tự bú cũng khó, còn mấy bé này cứ đưa bình sữa là tự cầm nằm, đứng bú hết veo.
“Đứa nào cũng tự lực cánh sinh như vậy. Chắc nó biết nó mồ côi nên tự vận động chứ nhiều khi chúng tôi cũng không lý giải được”, ông Hiệp nói.
Các cô cũng không hiểu bọn trẻ học ở ai, khi nào mà ai tới mái ấm nó cũng bu vào, leo lên lòng, ôm chân ôm tay: “Cô ơi, cô là mẹ à?”, “Chú là bố của bạn nào?”, “Chú có đón bạn về không?”.
Hai đứa Ngọc Sơn, Nhân mới 3 tuổi mà nhanh như chớp leo lên ôm cổ khách: “Mẹ ơi con đây nè”. “Cô này là mẹ phải không bố?”. Rồi nó ôm cổ người lạ, ngủ một lèo.
Theo VNE