Lao động nơi xứ người: Cơm trắng chan nước suối, làm đến 11 giờ đêm
Cứ tưởng rằng những người đi xuất khẩu lao động sang những nước tiên tiến hơn sẽ được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, với mức lương hậu hĩnh, cơ sở vật chất đủ đầy… Thế nhưng, đôi khi họ không sung sướng như chúng ta nghĩ.
Gần đây, bức ảnh người công nhân nhập cư ăn cơm trắng chan nước suối mà không có một món nào khác đã trở nên nổi tiếng và là chủ đề bàn tán trên khắp các mạng xã hội Malaysia.
Có lẽ đó là bữa cơm ăn vội giờ nghỉ trưa. Không bàn, không ghế, người công nhân xây dựng để hộp cơm xuống dưới nền xi măng bụi bặm.
“Tình cờ nhìn thấy một người công nhân nhập cư… đang ăn cơm trắng cùng một chai nước suối”, người đăng ảnh chú thích.
Rất nhiều người đã cảm thấy đồng cảm với cảnh ngộ của những người lao động nhập cư này. Một người Malaysia chia sẻ: “Mẹ tôi kể là có lần bà thấy những người công nhân nhập cư ăn tại quán ăn nọ. Họ chỉ đủ tiền để ăn nước dùng, chứ không ăn thêm món nào khác”.
Không chỉ vậy, ngay cả với những người có trình độ học vấn ấn tượng nhưng khi về nước thì khó tìm việc làm nên phải ở lại Malaysia làm công nhân: “Bố tôi cũng là một nhà thầu, ông ấy cũng làm việc với những người công nhân nhập cư. Họ thường hay mua rất nhiều cơm vào buổi sáng và để dành một ít cho bữa tối. Dù vậy, món duy nhất mà họ đủ tiền để trả là món nước sốt cay hoặc bánh quy giòn. Có một số công nhân thậm chí có bằng thạc sĩ, nhưng họ không tìm được việc ở quê nhà”.
Một nữ nhân viên người Việt Nam sang Nhật làm việc theo con đường xuất khẩu lao động của bồi hồi kể về cuộc sống nơi quê người:
“Công nhân chúng tôi bị buộc phải thức dậy lúc 5h30 và đến 23h mới được tự do làm việc cá nhân, phải luôn làm việc kể cả trong điều kiện thời tiết xấu. Có khi thời tiết lạnh xuống đến -1, -2 độ C, tuyết rơi dày cả mặt đường nhưng chúng tôi vẫn cứ phải làm việc. Chỉ khi có bão lớn, công ty sợ ảnh hưởng đến tính mạng con người, họ mới cho công nhân nghỉ”.
Cô kể rằng cũng có nhiều chị em đã “đổ bệnh” liên tục khi mới sang Nhật vì không thể nào chịu nổi áp lực, mệt mỏi trong công việc cũng như những yêu cầu, nguyên tắc làm việc nghiêm khắc ở đây.
Sang tới “bên đó”, để có tiền gửi về nhà, cô và các bạn cùng phòng phải dè xẻn từng đồng, tự nấu cơm mang đi, hiếm khi mới mua quần áo, đồ dùng. Đến việc cắt tóc thì cũng tự cắt cho nhau, có hôm còn sáng tạo ra những kiểu tóc mới “không giống ai”.
Khổ là vậy, nhưng khi gọi điện thoại về nhà, nhiều người trong hoàn cảnh này cũng không dám kể lể vì sợ cha mẹ lo lắng. Một du học sinh Việt Nam sang Nhật ước gì có thể kể cho mẹ mình nghe rằng: Ở bên này “có những người thời gian ngủ tính từng phút, đi về thay vội bộ quần áo còn chưa kịp khô mồ hôi lại tất tưởi chạy đi. Nắm cơm,cái bánh, chai nước mua vội ở cửa hàng tiện lợi để ăn lúc đi bộ. Gật gù chợp mắt lúc chờ tàu điện. 1-2 giờ sáng dưới cái lạnh âm độ hay tuyết rơi mưa bão vẫn phóng xe ngoài đường vì công việc. Dù ốm hay đau vẫn không dám nghỉ làm (vì sợ tới ngày lĩnh lương, lương ít không đủ trả chi phí của tháng). Đói rét vẫn phải cắn răng không dám kêu ai… Mẹ hiểu chứ? Để có được 40-50 triệu ấy phải đánh đổi bằng giấc ngủ, miếng cơm, mồ hôi, nước mắt… Thậm chí bằng sức khỏe, tính mạng, thể xác và linh hồn…”
Cậu kể nhớ mẹ nhưng lại sợ mẹ gọi điện. Sợ nhất mỗi lần mẹ cậu kể ra con bác A làm tháng 50 triệu, con ông B làm hơn năm đã mua đất xây nhà… còn con nhà mình cứ kêu làm không đủ ăn. Sợ cả lúc cúp máy mẹ cậu hay bảo: “Chơi bời ăn tiêu ít thôi con ạ, chứ lên mạng thấy con đi chơi suốt thế thì làm gì còn tiền”. Nhưng cậu không thanh minh rằng mấy tấm ảnh mà mẹ cậu cho là “ăn chơi” là cậu tranh thủ chụp ké cây hoa nhà hàng xóm, shop thời trang cậu hay đi ngang… chỉ để cho cha mẹ biết rằng mình vẫn khỏe mạnh, vui vẻ nơi xứ người… chứ thực ra…
Video: “Sự thật về xuất khẩu lao động tại Nhật Bản” trong chương trình Người giấu mặt
Xuân Nhạn (t/h)