Làm thế nào để tạo ra một cây kiếm ánh sáng giống trong phim Star Wars
Khi xem phim Star Wars chắc hẳn bạn sẽ thấy thích cây kiếm ánh sáng đầy màu sắc và uy lực. Vậy nếu như khoa học có thể thực hiện điều này, thì họ sẽ “rèn kiếm” ra sao?
Không chỉ những fan cuồng của loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao” nổi tiếng, mà hầu như bất cứ ai cũng đều đồng ý răng, “Lightsaber” chính là món vũ khí “chất” nhất từng xuất hiện trên màn ảnh rộng. Những thanh gươm ánh sáng này vừa mạnh mẽ, vừa thanh lịch, khiến cho các cuộc đấu kiếm trong phim lại càng trở nên cuốn hút hơn – cả về mặt hình ảnh lẫn âm thanh. Khi Lightsaber nằm trong tay những người có kiếm thuật “thượng thừa”, thì họ gần như sẽ trở thành bất khả chiến bại.
Thực ra, ý tưởng tạo nên Lightsaber vô cùng đơn giản – một cán kiếm bằng kim loại có khả năng tạo ra lưỡi kiếm tập trung năng lượng cao. Đơn giản vậy thôi, nhưng cũng là quá đủ để tạo nên một thứ vũ khi công thủ vẹn toàn – vừa có thể nhẹ nhàng chém đứt mọi thứ, cũng vừa có thể được dùng để đỡ đạn Laser nhắm vào người sử dụng. Ấy vậy mà tại sao đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thấy thanh Lightsaber xuất hiện ở ngoài đời thực? Kiểu gì cũng phải có một vài nhà khoa học tài năng nào đó cũng đồng thời là fan cuồng của bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” chứ?
Cách thức hiển nhiên nhất để tạo nên một thanh Lightsaber là sử dụng tia Laser – do chúng có đặc tính sáng mạnh và chỉ phát ra theo một hướng. Thế nhưng, kể cả khi công nghệ Laser hiện tại đang ngày càng trở nên hiệu quả và có nhiều ứng dụng hơn trong thực tiễn, thì việc tạo ra Lightsaber từ Laser vẫn còn quá xa vời. Tại sao lại như vậy?
Vấn đề đầu tiên là giữ cho lưỡi kiếm có độ dài vừa đủ dùng, cỡ khoảng 60 – 70 cm. Để làm được điều này, chúng ta cần phải tìm cách để cho tia Laser dừng lại ở một điểm nào đó. Nghe thì đơn giản vậy thôi, nhưng trên thực tế điều này hết sức khó khăn, bởi ánh sáng có xu hướng tự nhiên là sẽ tiếp tục di chuyển ra xa nếu như không gặp phải vật cản.
Giải pháp cho vấn đề này là đặt một tấm gương nhỏ ở cuối lưỡi kiếm. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem, một cây Lightsaber mà lại còn có thêm một đống “râu ria” bên ngoài chỉ để giữ một tấm gương bé xíu nơi đầu lưỡi kiếm thì sẽ ra sao? Rõ ràng là thanh kiếm như vậy vừa dễ hỏng, mà cũng chẳng có một tí tẹo sức sát thương nào.
Vấn đề tiếp theo, đó là một thanh Lightsaber làm từ Laser cần rất, rất nhiều năng lượng để có thể cắt được các vật thể. Laser được sử dụng trong công nghiệp cần tới vài kilôwatt năng lượng để có thể thực hiện được điều này, và rõ ràng nguồn cấp lớn như vậy không thể nào nằm vừa vặn trong cán kiếm được. Ấy là còn chưa kể đến việc hệ thống tản nhiệt cho cán kiếm cẩn phải rất xịn nếu như bạn không muốn tay mình cháy thành tro.
Tạm gác lại những vấn đề thực tế, về mặt hiệu ứng thì những trận đấu giữa các cây Lightsaber làm từ Laser sẽ không tài nào được như trên phim. Bởi lẽ, hai lưỡi kiếm Laser không thể va chạm vào nhau, chúng chỉ đi xuyên qua nhau mà thôi. Hơn nữa, ánh sáng Laser tập trung mạnh tới mức không thể nhìn thấy chúng, trừ khi bạn nhìn thẳng vào nguồn phát, hoặc ở trong môi trường nhiều khói và sương mù. Nguyên nhân là do khói mang tính chất tán xạ ánh sáng, nhờ vậy mà chúng ta có thể nhìn thấy tia Laser.
Vậy phải chăng là hết cách để tạo ra Lightsaber? May mắn thay, chúng ta vẫn còn một phương án khác, đó là Plasma. Về cơ bản, chúng ta có thể tạo ra trạng thái Plasma từ khí gas bằng cách cho một dòng điện cực mạnh đi qua chúng. Thú vị hơn hết, là Plasma nhiệt độ cao sẽ có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào loại khí gas được sử dụng. Lightsaber màu xanh của Jedi có thể được tạo ra từ khí Clo, trong khi màu đỏ của phe Sith có thể bắt nguồn từ khí Heli.
Tất nhiên, chúng ta vẫn còn gặp phải một số vấn đề, như lưu trữ khí gas ở chỗ nào, hay làm sao để chống đỡ một thanh Lightsaber khác. Nhưng nhìn chung, cách thức này nghe vẫn khả thi hơn nhiều so với việc sử dụng tia Laser. Chúng ta sẽ còn cần rất nhiều thời gian hơn nữa nếu như muốn đem Lightsaber từ trên màn ảnh rộng ra ngoài đời thực. Mà cũng phải thôi, Đế chế Galactic cũng đâu có được dựng nên chỉ trong một sớm một chiều.
Theo Sciencealert/Genk