Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó…

28/11/18, 15:54 Việt Nam
Khi nổi lo sập trường đổ lớp vẫn còn đó...
Khi nổi lo sập trường đổ lớp vẫn còn đó...

Sáng 20/11 vừa qua, một vụ sập dàn giáo đã xảy ra tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Bánh (TP.HCM) khiến 25 học sinh bị thương. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố như vậy. Nhiều tai nạn sập đổ khác liên quan đến cơ sở hạ tầng trường học đã trở thành mối lo lơ lửng trên đầu thầy trò và và cả phụ huynh mỗi khi thời tiết “trái gió trở trời”.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...1
Sáng 20/11/2018, sập giàn giáo ở trường tiểu học Huỳnh Văn Bánh ở TP.HCM. (Ảnh qua Tuổi Trẻ)

Báo động tình trạng xuống cấp

Sáng 20/11/2018, khi 1.500 học sinh và thầy cô trường tiểu học Huỳnh Văn Bánh tập trung dưới sân tham dự lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, hệ thống giàn giáo gồm 6 khung, cao 10 m nằm sát hàng rào của trường bất ngờ đổ sập. Sự cố khiến 25 học sinh khối 3 và 5 đang ngồi bị thương, trong đó có 2 học sinh bị lõm sọ và khiến cả trường hoảng loạn. Nguyên nhân ban đầu được cho là do một cơn gió lớn, là tác nhận gây ra vụ đổ sập giàn giáo. Vụ việc xảy ra tại trường Huỳnh Văn Bánh nhắc nhớ dư luận về các vụ sập đổ liên tục tại trường học trong những năm gần đây.

>>> Sài Gòn: Sập giàn giáo trong lúc làm lễ 20/11, hàng chục học sinh nhập viện Chợ Rẫy

Chiều 11/12/2017, tại Trường Tiểu học Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã  xảy ra vụ sập đổ lan can tầng 2, khiến 16 học sinh bị thương, trong đó có 13 em phải nhập viện cấp cứu. Trong đó, có 8 học sinh bị thương nặng, 1 em bị thương rất nặng do chấn thương sọ não và vỡ xương thái dương. Sự việc xảy ra khi một nhóm học sinh khối lớp 5 của trường đang nô đùa trên hành lang tầng 2 dãy nhà 2 tầng của trường tiểu học Văn Môn thì lan can tầng 2 bị đổ sập.

Được biết, khu lớp học hai tầng nơi xảy ra sự cố sập lan can được xây dựng từ năm 1995 và đang trong quá trình xuống cấp. Theo nhận định, những con tiện bằng xi măng cát được thiết kế ở lan can đã bị mục, nên khi học sinh tựa vào thì lan can bị đổ.

Trước đó khoảng 4 tháng, một vụ tai nạn hy hữu đã xảy ra tại trường THCS và THPT Đống Đa (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) khiến 10 học sinh bị đa chấn thương, trong đó có 3 học sinh bị chấn thương vùng đầu. Sự việc xảy ra vào cuối giờ học, khi những học sinh tại lớp 6A4 chuẩn bị ra về thì bất ngờ sàn của phòng học bị sập đổ, 10 học sinh đã bị rơi theo tấm sàn xuống phòng học tin bên dưới.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...2
Bên dưới lớp học bị sập là phòng máy tính. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Khu vực sàn bị sập có diện tích khoảng 16m2 đã rơi xuống phòng Tin học bên dưới có độ cao gần 5m. Nhiều máy tính, bàn ghế ở phòng tin học đã bị hư hỏng, bê tông, gạch vỡ nằm khắp nơi. Rất may là thời điểm xảy ra sự cố, phòng tin học không có học sinh học bên dưới.

Ngày 14/8/2018, trong quá trình tu sửa trường lớp chuẩn bị cho năm học mới, khu phòng học 2 tầng của trường Tiểu học Phú Nghiêm, xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bỗng bất ngờ đổ sập, khiến 2 phòng học bị hư hại hoàn toàn, 4 phòng học còn lại của dãy nhà cũng bị ảnh hưởng với những vết nứt kéo dài.

Được biết, dãy phòng học 2 tầng này được xây dựng cách đây gần 10 năm. Vào năm 2015, do ảnh hưởng của bão lũ, khu phòng học này bị xuống cấp nghiêm trọng. UBND huyện Quan Hóa xin kinh phí của UBND tỉnh Thanh Hóa để tu sửa khu phòng học trên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tại địa phương. Quá trình tu sửa đang được triển khai thì sự cố sập trường xảy ra.

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, tình trạng cơ sở hạ tầng trường học xuống cấp sập xệ cũng trở nên báo động khi vào sáng 20/3/2018, một mảng vữa lớn từ trần nhà bất ngờ “rụng” xuống lớp 12A2 THPT Trần Nhân Tông vào thời điểm học sinh đang ngồi học. Vụ tai nạn khiến một số học sinh bị thương và phải nhập viện.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...3
Lớp học có nhiều mảng rạn nứt ở trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. (Ảnh: VTV24)

Đây không phải là sự cố đầu tiên xảy ra tại ngôi trường ngay giữa thủ đô này. Trước đó khoảng 5 tháng, vào 13/10/2017, một mảng vữa trần và chiếc đèn chiếu sáng đã rơi xuống khu vực bàn giáo viên. Rất may hôm đó học sinh được nghỉ học. Chiều 20/10/2017, học sinh và thầy cô giáo trường THPT Trần Nhân Tông lại chứng kiến nhiều mảng vữa trần nhà tại nhiều lớp học bị vỡ, rơi xuống sàn lớp cho thấy hiện tượng xuống cấp của trường ở mức báo động.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...4
Mảng vữa rơi thẳng xuống ghế ngồi của giáo viên vài ngày trước. (Ảnh: Báo Tiền phong)

Tình trạng xuống cấp không chỉ ở các trường trường THCS mà còn rất nhiều vụ việc đau lòng khác xảy ra tại trường mầm non và cả đại học. Như vụ sập tường ở trường Tiểu học Đồng Tâm, Hà Nội ngày 23/8/2017, hay công trình xây dựng trường mầm non Vườn Xanh thuộc phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm bị đổ sập trong quá trình thi công vào ngày 25/9/2017. Đau lòng hơn là một sinh viên nam bị bê tông rơi xuống đầu, tử vong ngay trong sân trường ĐH Công nghệ TP.HCM vào ngày 17/10/2017…

Trường lớp bị sập đổ do thiếu kinh phí?

Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục toàn diện, lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, học trò làm trung tâm, nhưng với tình trạng nhiều cơ sở hạ tầng đang xuống cấp nghiêm trọng, liệu giáo viên và học sinh có đủ tâm thái yên tâm giảng dạy và học tập. Liệu các bậc phụ huynh bao giờ mới hết trạng thái nơm nớp lo sợ mỗi khi con cái tới trường, vốn đang diễn ra phổ biến ở mọi cấp học, trường học khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Mỗi lần các sự cố xảy ra đều là bài học đắt giá cho những người có thẩm quyền trong ngành giáo dục nhìn lại. Sau mỗi tai nạn, công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá, xử lý các công trình kém chất lượng lại khẩn trương hơn cần thiết…. Nhưng chỉ mang tính cấp thời chứ không triệt để bởi những sự “ràng buộc” rắc rối về giấy phép xây dựng và cả nỗi niềm chờ duyệt… ngân sách.

Nhiều trường học như trường Tiểu học Diễn Trường (Nghệ An), sau hơn 50 năm đưa vào sử dụng, cơ sở vật chất của trường đều trong trạng thái hư nát, những bức tường bong tróc, nứt nẻ, hệ thống cửa sổ và cửa ra vào đều mục nát, mối mọt… Nhưng tất cả đều vẫn phải chờ ngân sách duyệt kéo dài có khi tới vài năm, mặc cho thầy trò cũng như phụ huynh thấp thỏm bất an mỗi khi đặt chân tới lớp.

Tình trạng cơ sở vật chất trường lớp xập xệ, học sinh phải học trong các phòng học tạm bợ, cũ kỹ tiềm ẩn nguy cơ đổ sập trải dài từ Bắc vào Nam, từ các tỉnh miền núi phía Bắc địa đầu Tổ quốc, cho tới miền Trung khắc nghiệt bão bùng, hay miền cao nguyên đất đỏ đầy nắng gió. Tình cảnh cô trò luôn trong tâm thế bất an, lo sợ và… chọn phương án “nghỉ ở nhà” vì sợ gió cuốn tung mái, lớp học bị đổ khi nghe tin bão về không còn là chuyện lạ tại các huyện lỵ vùng sâu vùng xa.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...5
Hơn 300 học sinh của trường Trường tiểu học Quỳnh Mỹ (Nghệ An) luôn phải nơm nớp lo sợ học tập trong những phòng học xuống cấp. (Ảnh: Dân trí)

Không chỉ ở vùng miền núi xa xôi, ngay giữa thủ đô Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông là ông Phan Thanh Tùng cho biết, trường đã xuống cấp từ năm 2010 do các công trình xây dựng cách đây vài chục năm: “Năm 2013, nhà trường cùng với Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ trình UBND TP Hà Nội với nguồn vốn từ ngân sách thành phố”.

Sau sự cố sập trần lớp, ông Nguyễn Thế Sơn – Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trường THPT Trần Nhân Tông đã được lập hồ sơ thiết kế, kế hoạch đầu tư trình UBND thành phố Hà Nội. [1] Tuy nhiên, theo “quy trình” còn phải mở thầu, đăng báo… nên cũng không phải một sớm một chiều mà trường có thể sửa sang tu bổ ngay được.  

Chỉ đến khi xảy ra sự cố lở trần vào năm 2017, nhà trường mới được duyệt kinh phí xây dựng lại hệ thống phòng học. Muốn có kinh phí xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa trường lớp, ngành Giáo dục phải “có công văn gửi Sở Tài chính” và trường THPT Trần Nhân Tông thì vẫn phải kiên nhẫn “chờ đợi”  từ năm 2013 cho đến năm 2017 – thời điểm xảy ra tai nạn lở trần nhà?

Cũng theo ông Nguyễn Thế Sơn, không chỉ riêng trường THPT Trần Nhân Tông rơi vào tình trạng xuống cấp, chờ phê duyệt kinh phí cải tạo. Tại Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất kinh phí sửa chữa, nâng cấp cho 40 trường với các hạng mục như: Mái, cửa bục, mọt, chống thấm, nhà vệ sinh xuống cấp…[1]

Từ Bắc xuyên Nam, thực trạng này đang trở thành nỗi lo đáng báo động. Hàng chục ngàn học sinh ở Đồng bằng sông Cửu Long phải học trong những căn phòng tạm bợ, xuống cấp nghiêm trọng, trong đó chủ yếu là khối mầm non. Theo số liệu thống kê, tỉnh Tiền Giang có gần 700 phòng học bán kiên cố và học tạm. Gần 200 phòng học trong số này đã bị hư hỏng nặng. Theo các cán bộ quản lý ngành giáo dục, cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn, tạm bợ kéo dài hết năm này sang năm khác đều do thiếu kinh phí. [2]

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...6
Một bên vách được đóng sơ sài bằng những thanh gỗ mà nếu trời mưa gió tạt thì học trò sẽ ướt như ngoài trời. (Ảnh qua News.Zing.vn)

Điều đáng bàn là từ năm 2013 đến năm 2017, quy mô chi ngân sách cho giáo dục luôn tăng về số tuyệt đối. Tổng quyết toán chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục năm 2013 là 155.604 tỷ đồng và năm 2017 là 248.118 tỷ đồng [3]

Theo tapchitaichinh.vn: “Lĩnh vực, giáo dục, đào tạo được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước (NSNN). Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hàng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. … Nguồn kinh phí được ưu tiên xây dựng thêm phòng học cho giáo dục mầm non và phổ thông để xóa phòng học tạm thời, xây dựng các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm..[4]

Với mức 20% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, chắc hẳn nguồn vốn để chi cho việc tôn tạo các ngôi trường, lớp học xuống cấp không hẳn lúc nào cũng thiếu thốn như vậy. Phụ huynh thì hoài nghi, thắc mắc vì năm nào cũng phải đóng quỹ xây dựng phòng học mà nhìn chung trường lớp vẫn xập xệ như thế. Tình trạng lở trần, nứt tường, cửa sổ cửa ra vào mối mọt xuất hiện ở nhiều địa phương đến mức trở thành chuyện bình thường.  

Ngân sách dành cho giáo dục không phải là từ nguồn địa phương mà được lấy từ ngân sách nhà nước, chỉ mỗi việc duyệt chi cho hợp lý mà các trường  phải chờ tới 5 năm chưa được duyệt, để đến mức vữa trần rơi xuống đầu học sinh thì lỗi thuộc về cơ quan nào?

Quan tham tới cả nghìn tỷ đồng…

Ở nhiều nơi xa xôi trên mọi miền đất nước, hành trình đến với cái lớp, đến với con chữ của thầy trò vùng cao thật gieo neo. Có những nơi thầy trò phải trèo đèo, lội suối, qua đò và phổ biến là hình ảnh đi qua cầu khỉ mới tới được trường.

 
Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...7
Hình ảnh học sinh chui túi nylon băng qua suối. (Ảnh: VOV)
Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...8
Học sinh ở Quảng Ngãi mạo hiểm đi bè qua sông, do quá tải, nước vào trong bè nên các em phải xắn quần lên cho khỏi ướt. (Ảnh qua News.Zing.vn)

Trong khi có những địa phương, học trò phải vượt sông tới trường bằng túi ni lông, hằng ngày phải đu dây kéo bè vượt sông sâu nước xiết đến trường trong điều kiện hiểm nguy rình rập, thì lại có những quan chức địa phương loay hoay xây trụ sở mới – những công trình lên tới hàng trăm tỉ đồng và rộng tới vài héc ta đất chỉ để phục vụ cho số ít cán bộ làm nơi làm việc. Chúng ta đang quan tâm đến điều gì? Những công trình trăm tỷ hoành tráng hay sự an nguy của học trò?

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...9
Trụ sở làm việc và hội trường Tỉnh ủy Hậu Giang hoành tráng trị giá 300 tỉ đồng.
Trụ sở TAND tỉnh Bến Tre bề thế với khoảng sân rộng.
Nguyễn Thị Thu, học sinh lớp 4/2 trường tiểu học An Phú Tân D (An Phú Tân, Cầu Kè, Trà Vinh) ngày nào cũng phải đi qua cây cầu này. (Ảnh qua News.Zing.vn)

Quả thực, trong khi có những nơi thầy trò chỉ mong một ngày được học trong một căn phòng mà không còn vừa học vừa run chỉ lo tốc mái, sập nhà khi mùa bão lũ tới, thì lại có những vụ việc thất thoát cả trăm tỷ, ngàn tỷ đồng cùng những lãnh đạo cấp này, cấp khác được nhắc đến với các câu chuyện “lót tay” nhau tiền tỷ chỉ như món quà vặt…

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...13
Lớp học có thế dễ dàng nhìn thấy qua những lỗ thủng thế này.

Như vụ phanh phui đường dây đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club có quy mô lớn nhất Việt Nam do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu với tổng số tiền thu được từ đánh bạc trực tuyến trên 9.800 tỷ đồng, với tiền hưởng lợi là 4.700 tỷ đồng. Điều đáng nói là để đường dây này có thể tồn tại trục lợi nhiều như vậy, là có sự chống lưng và dung túng của các quan chức ngành công an.

Theo cơ quan điều tra, bị can Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng công an, cựu Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát) được giao nhiệm vụ cao nhất trong đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng cảnh sát nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, làm trái công vụ đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty CNC) và đồng phạm “tổ chức đánh bạc”.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...15
Nguyễn Văn Dương tại phiên tòa

Nguyễn Văn Dương khai trong giai đoạn vận hành game RikVip đã chi cho ông Vĩnh 2 tỷ đồng/ tháng suốt 12 tháng; giai đoạn vận hành game bài Tip.Club là 200.000 USD/tháng. Dịp Tết các năm 2013-2015 đã đưa ba lần với số tiền tổng cộng 150.000 USD. Nhiều lần sinh nhật ông Vĩnh, Dương đều mang rượu ngoại đến uống, có chai trị giá 100 triệu đồng. Dương mua áo biếu ông Vĩnh và nhiều lần chi tiếp khách với số tiền trên 10 tỷ đồng.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...15
Đồng hồ Rolex trị giá hơn 1 tỉ đồng là món quà lót tay hối lộ cho quan tham Phan Văn Vĩnh. (Ảnh minh họa)

Ngoài sự dung túng của ông Phan Văn Vĩnh, còn có sự tiếp tay, “bảo kê” của Nguyễn Thanh Hoá – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 Bộ Công an). Nguồn tin cho biết, bằng các hình thức, trong đó có việc chuyển khoản “lòng vòng” dưới dạng hợp đồng kinh tế và cuối cùng được rút ra bằng tiền mặt, Nguyễn Văn Dương (SN 1975, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao) đã chuyển cho ông Hóa hơn 17 tỷ đồng. Trong số này, có 12 tỷ đồng dưới dạng là tiền ông Nguyễn Thanh Hóa “vay” Dương trong khoảng thời gian năm 2016-2017, và chưa thấy có chứng cứ ông Hóa trả lại. [4]

Điều mỉa mai là trong khi hai cựu tướng trong ngành Công an, có nhiệm vụ và quyền hạn nhằm phòng chống tội phạm thì lại làm ngược lại chính là tiếp tay cho tội phạm trong vụ việc gây rúng động dư luận với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...15
Hai lãnh đạo công an dung túng cho ổ bạc nghìn tỷ. (Ảnh qua News.Zing.vn)

Trong khi hai vị tướng công an bao che và tiếp sinh khí cho đường dây đánh bạc lên tới hàng nghìn tỉ đồng – một con số không tưởng đối với nhiều người thì lại có nhiều thầy trò ở khắp mọi miền Tổ quốc ngày ngày dạy và học tại những lớp học có thể ngắm được cả nghìn sao lấp ló trên bầu trời.  

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...18
Lớp học ở Thung Mai (Lào Cai) với mái lợp tôn thủng lỗ chỗ chưa có kinh phí để tu sửa, trong khi quan chức tham những đút túi tiền tỷ. (Ảnh: eva.vn)
Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...19
“Tường” của lớp học bằng những cây tre nứa.

Chỉ tính sơ con số thất thoát hàng nghìn tỉ qua hàng loạt các đại án kinh tế gây chấn động trong năm 2017 cho thấy thực trạng xã hội nhức nhối như thế nào: Thất thoát lên tới 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), vụ án kinh tế tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) gây thiệt hại 343 tỷ; Tham ô, rửa tiền tại Vinashin 260,5 tỷ; vụ án lừa đảo, chiếm đoạt hơn 377 tỷ đồng của khoảng 400 khách hàng tại dự án chung cư B5 Cầu Diễn…

Hay vụ án Trịnh Xuân Thanh, trong khoảng 6 năm, từ giai đoạn 2007-2013,  vị “thuyền trưởng” này đã lèo lái “con tàu” PVC (Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam) chìm nghỉm trong nợ nần, thua lỗ triền miên với con số 3.200 tỉ đồng.

Nếu cộng những vụ đại thất thoát này và giả dụ số tiền không ”chảy” vào những túi tiền tham nhũng của những quan tham ấy, mà được chú trọng dùng để bồi bổ đầu tư cho giáo dục, xây lại trường lớp đang xuống cấp, thì chắc hẳn hành trình gian nan “ươm” con chữ và ước mơ về những phòng học khang trang, sạch sẽ không còn xa xôi…

Thiện nguyện vì cộng đồng

Một nghịch lý đáng buồn là trong khi còn rất nhiều học trò ở các bản làng xa xôi trên khắp nẻo đất nước đang khát khao, mơ ước có một ngôi trường khang trang để học tập, thì lại có những người gây thất thoát lãng phí cả nghìn tỉ đồng, hay nhiều trường lớp xập xệ có nguy cơ đổ sập thì vẫn phải “kiên cường” chống trụ qua thời gian… chờ đợi được cấp kinh phí tu bổ, xây dựng lại.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...20
Những lớp học nhìn từ xa trông giống như chuồng bò. (Ảnh qua Dân trí)
Trường Tiểu học số 2 Phước Lộc (Bình Định) bị sập cột đỡ mái che dãy phòng cũ đã đè chết một học sinh lớp 4. (Ảnh qua VnExpress.net)

Thầy trò vừa học, vừa lo âu chờ đợi… giấy phép lẫn kinh phí trùng tu, nhưng tường lớp nứt toác, bong tróc, ổ điện hư hỏng, cánh cửa mọt mối, cột trụ chống nhà sạt lở… là thực trạng cấp bách không chờ thời gian.

Đã có rất nhiều nhóm thiện nguyện đã đứng lên vận động quyên góp tiền xây dựng trường lớp. Đi tận nơi, nghe trực tiếp, quan sát tận mắt những khó khăn và thiếu thốn của học trò ở các vùng miền, nhiều nhóm phượt, nhóm từ thiện, các cá nhân đã tự bỏ tiền túi hoặc kêu gọi trên các diễn đàn mạng xã hội chung tay xây dựng trường học kiên cố, khang trang để các em yên tâm học chữ không phải chịu nắng, mưa, gió, rét…

Những câu chuyện về tấm lòng thiện nguyện của họ là điểm sáng lóe lên trong bức tranh tăm tối và ảm đạm của các quan tham, khiến xã hội thêm ấm lòng và tin vào những điều tử tế vẫn còn tồn tại.

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...22
Nhóm Thiện nguyện “Nụ cười yêu thương” đã quyên góp 400 triệu đồng xây dựng lại điểm trường Chà Lo gồm 5 phòng học. (Ảnh: Baonghean.vn)
Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...23
Nhóm Phượt Hà Nội đã có nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa cho cộng đồng, trong đó biến lớp học tuềnh toàng, được chắp vá từ những mảnh gỗ tạp của trường Huồi Xái 2 (Nghệ An)…

Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó....32

 
Phạm Đình Quý (Hà Nội) đã kêu gọi bạn bè và các nhà hảo tâm cùng chung tay thực hiện ý tưởng xây dựng 100 điểm trường mới cho trẻ em vùng cao.
Khi mối lo sập trường, đổ lớp vẫn còn đó...27
Đến nay Phạm Đình Quý đã xây được 72 điểm trường và hiện tại còn 10 điểm trường đang hoàn thành. Trong ảnh là trường mầm non Khâu Rom, xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.

>>> Giáo dục Việt Nam: 30 năm vẫn chưa thể cải cách

Anh Minh

[1] https://news.zing.vn/40-truong-hoc-o-ha-noi-xuong-cap-cho-sua-chua-post789937.html

[2] https://tuoitre.vn/truong-lop-xuong-cap-vua-hoc-vua-lo-505525.htm

[3] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chi-ngan-sach-cho-giao-duc-la-248118-ty-dong-20180930163940791.htm

[4] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/dau-tu-cua-nha-nuoc-cho-giao-duc-dao-tao-thuc-trang-va-mot-so-de-xuat-125673.html

Anh Minh

Anh Minh

CTV trang TinhhHoa.net: Nhà báo hơn 10 năm cầm bút với hàng loạt bài phân tích và bình luận giúp độc giả có góc nhìn thú vị hơn về các sự kiện đã đang và sẽ diễn ra tại VN và trên thế giới.

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng