Hộp sọ bị khoét cho thấy người cổ đại 3.000 năm trước đã biết phẫu thuật não
Các phát hiện về hai hộp sọ được tìm thấy trong một di tích lịch sử gần đây cho thấy kỹ thuật giải phẫu hộp sọ, cùng với các loại y học tiên tiến khác đã được thực hiện ở Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm về trước.
Các chuyên gia Trung Quốc đã xác định rằng, hai hộp sọ được tìm thấy trong một di tích lịch sử chính là bằng chứng về giải phẫu sọ của người cổ đại. Các phát hiện đang được nghiên cứu để chứng minh rằng giải phẫu sọ, cùng với các loại y học tiên tiến khác, đã được thực hiện ở Trung Quốc từ rất xa xưa. Những khám phá này cũng cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về phẫu thuật và y học Trung Quốc và các nước khác, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về triều đại nhà Thương.
Hộp sọ triều Thương
Hộp sọ được tìm thấy ở một thành cổ của nhà Ân, thuộc tỉnh Hà Nam. Đây là thủ đô cuối cùng của triều đại nhà Thương (hay nhà Ân), là một trong những triều đại đầu tiên, góp phần hình thành lịch sử sơ khai của Trung Quốc. Họ là người đầu tiên có chữ viết trong vùng cách đây khoảng 3.000 năm trước.
Thành cổ của nhà Thương đã được khai quật gần một thế kỷ và hai hộp sọ đã được tìm thấy trong khu vực kinh thành mà từ trước đến giờ chưa được khai quật. Các hộp sọ đã được kiểm tra tại Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS). Đây là một trong những trung tâm nghiên cứu khảo cổ hàng đầu ở Trung Quốc.
Bằng chứng về phẫu thuật não
Giải phẫu sọ là quá trình phẫu thuật loại bỏ một phần sọ, xương bảo vệ não, để tiến hành trị liệu trên não. Sau khi quá trình hoàn tất, phần xương sọ cắt ra sẽ được gắn lại. Phương pháp này còn được gọi là khoét xương, là hình thức phẫu thuật vẫn diễn ra trong các bệnh viện hiện đại.
Một trong những chiếc sọ được tìm thấy là của một bé trai 10 tuổi. Sọ của bé có một vết cắt tròn, kích thước 1 cm. Theo Xinhuanet, Nhạc Hồng Bân – nhà nghiên cứu hàng đầu của CASS – tuyên bố rằng: “Xương sọ vẫn phát triển sau khi bị khoét, điều đó cho thấy cuộc phẫu thuật thành công”. Có một đường rạch ở phía trước hộp sọ, có đường kính chỉ vài milimét.
Tiết lộ về y học thời nhà Thương
Dựa trên những ghi chép được khắc trên xương thú, người nhà Thương có hiểu biết về một số bệnh. Họ cũng có kiến thức sâu rộng về thảo dược. Một số cây thuốc đã được tìm thấy trong các ngôi mộ của hoàng tộc nhà Thương. Một số dụng cụ y tế dùng trong chữa bệnh và phẫu thuật cũng được tìm thấy ở đất nhà Thương. 4 cây kim bằng xương dùng để trị gãy xương cũng được phát hiện trong mộ.
Khám phá và lịch sử y học Trung Quốc
Phát hiện này chứng minh rõ ràng rằng, người nhà Thương có kỹ năng phẫu thuật tinh vi khoảng 3 thiên niên kỷ trước. Cũng có những phát hiện về các hộp sọ có dấu vết của phương pháp phẫu thuật này được tìm thấy ở các vùng khác ở Trung Quốc. Theo China.Org, năm 2007, 13 chiếc sọ bị đục lỗ đã được khai quật ở Tây Bắc Tân Cương. Dường như vài nghìn năm trước trên khắp Trung Quốc, hình thức phẫu thuật này khá phổ biến. Nhiều người vẫn sống sót sau phẫu thuật – một phương pháp chữa trị lâu nay vẫn được xem là nguy hiểm. Loại phẫu thuật này cũng có mặt ở thế giới cổ đại từ Siberia đến vùng núi Andes.
Các hộp sọ Trung Quốc có vết khoét xương sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự phát triển của y học Trung Quốc cổ đại. Điều đó chứng minh rằng từ đời nhà Thương đã có nhiều biện pháp phẫu thuật và các kỹ thuật y khoa tiên tiến. Theo Xinhuanet, điều này giúp các nhà nghiên cứu “khôi phục lại lịch sử y học cổ đại”. Có những cuộc khai quật đang diễn ra tại khu vực thành cổ nhà Thương. Hy vọng rằng nhiều di vật và hiện vật sẽ được khai quật, cung cấp bằng chứng về sự phát triển của y học ở Trung Quốc cổ đại.
Xuân Nhạn, theo AO