Carrie Lam bị buộc tội cố tình bỏ qua Hội đồng Lập pháp khi ban hành ‘Luật cấm che mặt’
Sau khi “Luật cấm che mặt” chính thức có hiệu lực vào ngày 5/10, 24 nghị sĩ của Hội lập pháp phái Dân chủ đã nộp đơn lên tòa án tối cao Hồng Kông yêu cầu tạm hoãn thực thi “Luật cấm che mặt” này, đồng thời xem xét lại tư pháp của chính phủ Hồng Kông về “Luật khẩn cấp”. Trưa ngày 6/10, tòa án tối cao đã từ chối phê chuẩn đề xuất tạm hoãn thi hành luật, chỉ chấp nhận xem xét lại tư pháp có liên quan vào cuối tháng này.
Sau phiên họp, những nghị sĩ của phái Dân chủ đã gặp giới truyền thông ở bên ngoài tòa án. Quách Vinh Khanh (Guo Rongzhen), phó Chủ tịch Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hồng Kông cho hay, tòa án sẽ tiến hành điều tra để xem xét lại tư pháp trong hai tuần.
Có thể thấy, thẩm phán cũng đồng ý rằng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã dùng “Luật khẩn cấp” để tạo ra “Luật cấm che mặt“, từ đó làm phát sinh ra các vấn đề về Hiến pháp và pháp luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của công chúng.
Quách Vinh Khanh cho biết, trong quá trình điều tra có một điều đáng chú ý, luật sư đại diện cho chính phủ đã không kiêng nể gì mà nói “Luật cấm che mặt” cần phải bỏ qua Hội đồng Lập pháp, nếu không thì trong quá trình xem xét sẽ bị phái Dân chủ chất vấn và phản đối.
Điều này cho thấy Lâm Trịnh Nguyệt Nga rõ ràng muốn bỏ qua Hội đồng Lập pháp, bỏ qua quyền của người Hồng Kông, tự mình làm ra “Luật cấm che mặt”, âm mưu của Lâm Trịnh đã hoàn toàn bị lộ tẩy.
Các nhà ủng hộ dân chủ cho rằng, sắc lệnh đã vi phạm Luật cơ bản, trong đó quy định rằng Hội đồng lập pháp Hồng Kông là cơ quan ban hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ luật, còn chính phủ chỉ là cơ quan hành pháp, có quyền soạn thảo và đệ trình các dự luật.
Quách Vinh Khanh cho rằng, Hiến pháp của Hồng Kông đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi bàn giao chủ quyền. Trọng điểm của bản án là ở chỗ hành chính, lập pháp, tư pháp, liệu có còn tồn tại tam quyền phân lập?
Mao Mạnh Tĩnh, nghị viên của Hội lập pháp phái Dân chủ Hồng Kông cho hay, với tam quyền phân lập, tòa án gần đây đã cố gắng tránh liên quan đến các vấn đề lập pháp, nhưng lần này cũng không phải là chỉ liên quan đến hội lập pháp, mà còn đến cả Hiến pháp.
Ông phê bình Lâm Trịnh cứ luôn miệng viện dẫn “Luật khẩn cấp”, nhưng lần này tòa án lại chấp nhận điều tra thì cũng là chính thức lật mặt của Lâm Trịnh Nguyệt Nga, có thể thấy “Luật cấm che mặt” đã gây ra không ít vấn đề và tranh luận.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào chiều ngày 4/10 đã tuyên bố thông qua “Luật cấm che mặt”, có hiệu lực bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/10. Nghị sĩ phái Dân chủ chỉ ra quá trình lập pháp lần này của chính phủ Hồng Kông đã vi phạm nghiêm trọng “Luật cơ bản”, bao gồm nguyên tắc của Hội đồng Lập pháp và tam quyền phân lập, đã bỏ qua Hội đồng Lập pháp, làm cho Hội đồng Lập pháp không có cách nào đề xuất chất vấn, không có cách nào thực hiện trách nhiệm hiến pháp của họ.
Ngay sau khi chính phủ công bố Luật cấm che mặt, nhiều khu vực ở Hồng Kông xuất hiện người biểu tình đeo khẩu trang tập trung kháng nghị. Cuộc diễu hành bắt đầu tập trung lúc 12:30 trưa tại Công viên Chater ở Trung Hoàn, người tham gia che mặt hoặc đeo khẩu trang, để hưởng ứng “Ngày toàn dân đeo khẩu trang”, và biểu đạt yêu cầu tới chính phủ.
Nhiều người cũng tập trung tại các nơi để kháng nghị như Trung tâm thương mại Yoho Yuen Long, Trung tâm thương mại Pacific, v.v. Tất cả người biểu tình hô vang các khẩu hiệu “Quang phục Hồng Kông, cách mạng thời đại” và “Giải tán lực lượng cảnh sát”.
Người biểu tình Hồng Kông phản đối Dự luật dẫn độ đại đa số đeo khẩu trang và mặt nạ phòng độc để ra đường kháng nghị, nguyên nhân lớn nhất là đảm bảo an toàn tính mệnh, tránh độc hại của đạn hơi cay; ngoài ra, cũng để phòng tránh chính phủ Hồng Kông và Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng sau trả thù sau này. Điều đáng nói là nhiều cảnh sát khi thi hành nhiệm vụ đã che số hiệu và che mặt, khiến cho người dân không thể buộc tội họ lạm dụng vũ lực quá mức. Hiện tại cảnh sát và người dân đối đầu rất quyết liệt.
Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông nhận định, Luật khẩn cấp vốn dĩ là một điều luật tà ác. Được sử dụng lần cuối vào năm 1967 nhằm giúp ngăn chặn các cuộc bạo loạn bạo lực tại trung tâm thương mại của lãnh thổ, điều luật này cũng trao cho chính quyền quyền hạn lớn hơn để tiến hành bắt giữ, kiểm duyệt ấn phẩm và tìm kiếm các cơ sở. Dẫn dụng Luật khẩn cấp, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ có quyền ban hành bất kỳ luật lệ nào mà bà ấy có thể thấy cần thiết vì lợi ích chung” trong trường hợp “khẩn cấp hoặc nguy hiểm cho cộng đồng”.
Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền Hồng Kông nhấn mạnh rằng Luật khẩn cấp đã vi phạm an toàn cá nhân, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của người dân, đồng thời kêu gọi bãi bỏ điều luật này nhằm ngăn chặn sự bành trướng quyền lực của các cơ quan hành chính trong việc đàn áp người dân Hồng Kông thêm nữa.
Ngoài ra, mặc dù “Luật cấm che mặt” có thể khiến một số người lo sợ, nhưng hầu hết cư dân mạng Hồng Kông không lo lắng, và thậm chí họ còn đang tìm cách sáng tạo để thay đổi kiểu tóc, cách trang điểm, dùng các loại trang phục tạo hình để che giấu danh tính và sẽ tiếp tục đấu tranh biểu tình.
Minh Huy (Theo Epoch Times)