Hố thiên thạch cổ xưa nhất Trái đất
Các nhà khoa học vừa phát hiện một hố thiên thạch khổng lồ với đường kính có thể lên tới hơn 500km ở Greenland.
Hố khổng lồ này là kết quả của một vụ va chạm giữa thiên thạch và Trái đất cách đây 3 tỷ năm. Trước đó, hố thiên thạch lâu đời nhất được tìm thấy hình thành cách đây khoảng 2 tỷ năm, và các nhà khoa học cho rằng khả năng tìm thấy một hố thiên thạch lâu đời hơn là rất thấp.
Tuy nhiên, một nhóm nhà khoa học quốc tế, đến từ Cơ quan khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), trường đại học Cardiff (Xứ Wales), trường đại học Lund (Thụy Điển), và Viện khoa học Trái đất (Nga), đã phát hiện một hố thiên thạch khổng lồ có đường kính từ 500 đến 600km ở Maniitsoq thuộc Greenland. Hố thiên thạch này được cho là hình thành cách đây khoảng 3 tỷ năm. “Phát hiện này giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu ảnh hưởng của vụ va chạm giữa thiên thạch và Trái đất sơm hơn gần 1 tỷ năm so với những hố thiên thạch được phát hiện trước đây”, tiến sĩ Iain McDonald, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên Daily Mail. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng thiên thạch này có thể đâm xuống biển. Những bằng chứng tìm thấy trên các khối đá cho thấy chúng được bao phủ bởi một lớp nước nóng chảy – có thể được hình thành sau khi thiên thạnh lao xuống biển. Tiến sĩ Boris A. Ivanov, thuộc Viện khoa học Trái đất (Nga), đã tiến hành một loạt tính toán trên mô hình và nhận thấy thiên thạch va chạm với Trái đất ở khu vực Maniitsoq có đường kính có thể lên tới hơn 30 km, gấp đôi đường kính của thiên thạch Vredefort và gây ra một vùng ảnh hưởng gấp 10 lần. Kết quả nghiên cứu trên mô hình cũng cho thấy, nếu thiên thạch Maniitsoq đâm vào Mặt trăng, nó sẽ có thể tạo ra một hố khổng lồ với đường kính tới 1.000 km và dễ dàng được quan sát bằng mắt thường từ Trái đất. Mặc dù vậy, do lực hấp dẫn của Trái đất lớn hơn nhiều Mặt trăng, nên cấu trúc hố ở Maniitsoq chỉ có đường kính khoảng 500 đến 600 km. Hà Hương
|
Theo VietnamNet