Hệ mặt trời nằm gọn trong một “bong bóng”
Hàng loạt vụ nổ siêu tân tinh dù không đủ mạnh để diệt sự sống trên trái đất, song chúng đã “bọc” hệ mặt trời trong một bong bóng khí nóng và tồn tại cho tới ngày nay.
Tờ Daily Mail dẫn lời các nhà khoa học cho biết, một loạt vụ nổ siêu tân tinh đã “thổi” một bong bóng khổng lồ vào môi trường liên sao trong không gian từ 10 triệu năm trước. Khu vực này được gọi là “Bong bóng Địa phương”(Local Bubble).
Tàn dư của vụ nổ siêu tân tinh nằm trong Đám mây Magellan lớn, một thiên hà nhỏ cách trái đất khoảng 170.000 năm ánh sáng. (Ảnh: NASA)
Giới thiên văn công nhận vùng “Bong bóng Địa phương” này từ những năm 1970, 1980. Tuy nhiên, sự tồn tại của nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Trong khi đó, các nhà thiên văn học bắt đầu phát hiện sự bức xạ của tia X xung quanh trái đất. Điều này cho thấy phần lớn hệ mặt trời là trống rỗng do bức xạ từ các vụ nổ siêu tân tinh xung quanh không gian liên sao. Dù các vụ nổ không đủ mạnh để tiêu diệt sự sống trên trái đất, chúng đã “bọc” hệ mặt trời trong một bong bóng khí nóng và tồn tại cho tới ngày nay.
Để chứng minh giả thiết trên, các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Miami tại Mỹ, đã phóng một tên lửa thí nghiệm khoa học từ bãi phóng White Sands ở bang New Mexico vào không gian vào tháng 12/2012.
Tên lửa mang theo máy dò tia X đã tới độ cao cách mặt đất 260 km và di chuyển trên khí quyển trong 5 phút. Kết quả cho thấy 40% tia X được phát hiện có nguồn gốc từ hệ mặt trời. Theo các nhà nghiên cứu, phần còn lại phát ra từ “Bong bóng địa phương” – khu vực còn sót lại sau vụ nổ siêu tân tinh.
Giáo sư Massimiliano Galeazzi cho biết: “Đây là một phát hiện quan trọng. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khu vực thiên hà gần mặt trời. Phát hiện là nền tảng cho các mô hình của các cấu trúc thiên hà trong tương lai”. Ông Galeazzi chia sẻ thêm, ông và các cộng sự đã lên kế hoạch cho lần phóng tên lửa mang máy dò tia X tiếp theo vào tháng 12/2015.
Xem video “Hệ mặt trời nằm gọn trong một bong bóng”:
Theo Zing, Daily Mail