Giải mã những “bong bóng vàng” bí ẩn xuất hiện trong vũ trụ
Các nhà thiên văn nghiệp dư kết hợp với nhân viên nghiên cứu của NASA trong dự án Milky Way, vào ngày 27/01 vừa qua, đã tìm được lời giải cho những bức ảnh chụp bong bóng màu vàng trong vũ trụ cách đây 4 năm.
Milky Way là dự án của NASA được thực hiện nhằm kêu sự đóng góp của công chúng yêu thiên văn trong việc phân tích hình ảnh hồng ngoại được chụp từ kính viễn vọng không gian Spitzer.
Cả nhóm đã tiến hành xem xét hàng chục nghìn bức ảnh thu được. Dự án tập trung vào một vùng không gian có tên là W33, nơi cách Trái đất 13.000 năm ánh sáng.
Các tình nguyện viên bắt đầu trò chuyện về những “bong bóng màu vàng” bí ẩn xuất hiện trong một số bức ảnh. Cái tên “bong bóng màu vàng” không thực sự để chỉ những thực thể màu vàng, mà đây chỉ là hình ảnh thu nhận được khi chụp dưới ánh sáng hồng ngoại.
Thông qua quá trình phân tích, thảo luận và đánh giá, nhóm cho rằng những quả bóng màu vàng có thể là một giai đoạn ban đầu của một quá trình tạo sao khổng lồ. Kết quả đánh giá đã được đăng trên tạp chí Astrophysical.
Nhóm nghiên cứu đang tính toán sự phân bố của các bong bóng vàng xuất hiện ngay trên mép của bong bóng màu xanh lá cây và đỏ. Điều này có nghĩa là các bong bóng vàng là giai đoạn diễn ra trước giai đoạn xuất hiện bong bóng xanh lá và đỏ, trong quá trình hình thành những ngôi sao trẻ, và kích hoạt sự ra đời của nhiều sao hơn. Quá trình đó được gọi là “sự hình thành sao do kích thích”.
Những quả bóng màu xanh lá cây với trung tâm màu đỏ, trong đó vòng màu xanh được xem là những quầng sáng của các phân tử hữu cơ bị thổi ra bên ngoài vì các vụ nổ bức xạ từ ngôi sao mới, còn các lõi màu đỏ là bụi bị nung nóng bởi các ngôi sao.
Tình nguyện viên cũng đã phát hiện khoảng 5000 quả bóng màu xanh lá cây và màu đỏ, nhưng bong bóng vàng là một khám phá mới.
Những quả bóng màu vàng trông khá nhỏ ở trong ảnh, nhưng các nhà thiên văn học cho rằng kích cỡ thực sự của nó có thể gấp vài trăm lần so với Hệ Mặt trời.
Các nhà nghiên cứu cũng xem xét độ sáng và kích thước của những quả bóng vàng này, và phát hiện khu vực chúng xuất hiện là vùng thiên hà chứa khí dày đặc. Độ sáng của chúng tương ứng với độ sáng dự tính được của những ngôi sao mới sinh.
Cuối cùng họ đi đến kết luận, tồn tại giai đoạn ban đầu hay giai đoạn “bong bóng vàng” trong quá trình hình thành ngôi sao khổng lồ có kích thước gấp 10 đến 40 lần Mặt trời của chúng ta.
“Tất cả các ngôi sao khổng lồ được hình thành trong vũ trụ đều trải qua giai đoạn ‘bong bóng vàng’ này”, Charles Kerton, người đứng đầu dự án cho biết, “Ngôi sao to nhất sẽ trải qua giai đoạn này rất sớm và nhanh chóng, trong khi các ngôi sao nhỏ hơn sẽ tồn tại ở giai đoạn này lâu hơn”.
Theo các nhà khoa học, các nghiên cứu kỹ càng hơn về giai đoạn “bong bóng vàng” trong tương lai sẽ giúp họ dễ dàng tìm ra các khu vực hình thành sao khổng lồ đang ở giai đoạn ban đầu, và có thể tiếp tục quan sát tiến trình hình thành của nó.
Theo Nguoiduatin, Red Orbit