Giải mã hiện tượng những hòn đá “biết đi” tại Thung lũng Chết
Hiện tượng các hòn đá có khả năng di chuyển một cách kỳ lạ tại Thung Lũng Chết đã làm đau đầu các nhà khoa học trong hơn 100 năm qua. Nhưng mới đây, một nhóm các nhà khoa học cho biết đã tìm ra nguyên nhân của hiện tượng trên.
Racetrack Playa là một vùng đất bùn, khô cằn nhưng đặc biệt bằng phẳng nằm ở phía tây bắc của thung lũng Chết, thuộc công viên quốc gia California, được biết đến như một trong những nơi kì lạ nhất hành tinh. Lòng hồ Racetrack Playa chứa đầy bùn khô trong mùa hè và băng giá vào mùa đông.
Nhiều năm trôi qua, từng hòn đá di chuyển trong lòng hồ theo cách riêng của mình. Một số quẹo, một số di chuyển theo đường thẳng trong khi số khác di chuyển theo đường e-lip hay lượn sóng, nhưng chưa có một ai nhìn thấy các hòn đá di chuyển như thế nào và cũng không ai biết được tốc độ đi chuyển của chúng ra sao. Đã một thế kỉ nghiên cứu nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho hiện tượng địa chất kì lạ này.
Trong nhiều năm qua, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm giải thích cho hiện tượng kì bí trên như lốc xoáy kéo theo bụi, cuồng phong, tác động của từ trường, việc làm của những người ngoài hành tinh… Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra cách thức di chuyển những hòn đá trong lòng hồ. Giáo sư Ralph Lorenz, một nhà khoa học của NASA đã đưa ra giả thuyết: các hòn đá bị bao bọc bởi một lớp băng vào mùa đông, sau khi băng ở lòng hồ tan chảy, lớp băng bao bọc xung quanh hòn đá có thể giúp các hòn đá nổi trên mặt bùn và giảm ma sát một cách đáng kể. Dưới tác động của gió mạnh và lớp băng bao bọc bên ngoài, các hòn đá có thể dễ dàng “trượt” trên mặt hồ.
Tiến sĩ Ralph Lorenz đưa ra giải thuyết trên sau khi tiến hành một thí nghiệm đơn giải trong phòng bếp. Để tạo thành một lớp băng bao quanh hòn đá ông đã làm lạnh hòn đá trong một lượng nước vừa đủ Sau đó, ông đặt hòn đá được bao phủ bởi băng vào trong một bể nước nhỏ với ít cát ở dưới. Giáo sư Lorenz phát hiện ra rằng ông có thể di chuyển hòn đá bằng cách thổi nhẹ vào nó. Giả thuyết này đã được khẳng định một cách chắc chắn hơn khi một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học San Diego đã quyết định thực hiện một nghiên cứu khoa học để tìm ra nguyên do của hiện tượng này.
Vào tháng 12 năm 2013, 2 người dẫn đầu nghiên cứu là Jim Norris và Richard Norris đã đến khảo sát khu vực lòng hồ tại thung lũng chết. Thời điểm đó, lòng hồ đang ngập trong lớp nước với độ sâu khoảng 7cm. Richard cho biết: “Vào buổi trưa ngày 21 tháng 12 năm 2013, thời điểm duy nhất trong ngày băng trên mặt hồ tan ra. Chúng tôi đã nghe được những tiếng răng rắc và lốp bốp do băng tan trên khắp bề mặt hồ cạn. Tôi đã reo lên với cộng sự mình rằng, đây chính là nguyên nhân.”
Mặc dù vậy, giả thiết trên mới chỉ giải thích được cách thức mà các hòn đá có kích thước nhỏ di chuyển, nhưng điều gì khiến các tảng đá lớn di chuyển vẫn còn là một ẩn đố.
Tổng Hợp