Giải mã bí ẩn bức tượng gỗ Shigir 11 nghìn năm tuổi ở Nga
Các nhà khoa học người Đức đã công bố chính xác niên đại của bức tượng gỗ cổ Shigir là 11.000 năm, đây được coi là bước đột phá trong việc tìm kiếm tri thức về thời tiền sử.
Theo các nhà khoa học, ban đầu, bức tượng được xác định đã 9.500 năm tuổi bằng phương pháp đồng vị carbon. Sau đó, giới chức Nga đã cho phép một số nhà khoa học Đức nghiên cứu lại với công nghệ tiên tiến. Họ kết luận bức tượng có niên đại chính xác 11.000 năm, gấp đôi Đại kim tự tháp Ai Cập và di tích Stonehenge ở Vương quốc Anh.
Shigir được tìm thấy trong đầm lầy than bùn tại Urals, có niên đại lớn hơn ước tính ban đầu 1500 năm, xóa bỏ hoàn toàn nghi ngờ cho rằng đây không phải là cổ vật. Ngoài ra những phát hiện mới được coi là rất quan trọng trong việc tìm hiểu sự phát triển văn hóa của người xưa. Các học giả Nga nói những hoài nghi từ các đồng nghiệp nước ngoài là hoàn toàn không có cơ sở.
Bức tượng được phục hồi lại một phần.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử địa chất Sverdlovsk, Natalia Vetrova cho biết vì tuyên bố bức tượng đạt 9.500 tuổi không được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận nên bảo tàng muốn xác minh lại.
Thomas Terberger, giáo sư Khoa Di sản Văn hóa Lower Saxony, thuộc nhóm nghiên cứu nói: “Đây là thông tin cực kỳ quan trọng đối với cộng đồng khoa học quốc tế, trong việc tìm hiểu sự phát triển của nền văn minh Âu Á và toàn thể nhân loại. Có thể nói rằng vào thời điểm 11.000 năm trước, những cư dân săn bắn hái lượm tại Urals phát triển không kém gì người dân Trung Đông”.
Ông dự đoán rằng kết quả này sẽ đem lại chấn động lớn khi chứng minh rằng trung tâm phát triển văn hóa Âu Á không chỉ ở Trung Đông mà còn ở Urals. Ngoài ra quá trình nghiên cứu cũng cho thấy Shigir có 8 mặt thay vì 7 mặt như trước đây, với một mặt duy nhất có ba chiều.
Các nhà khoa học Nga mô tả những mật mã trên tượng là phát hiện “giật gân”, và là thông điệp mã hóa lâu đời nhất từ người cổ đại. Than bùn đã ngăn chặn các vi khuẩn phá hủy bức tượng này suốt hàng ngàn năm.
Như vậy bức tượng có niên đại gần với khởi đầu của kỷ nguyên Holocene ngày nay, khi con người bắt đầu có ảnh hưởng lớn tới môi trường sống trên trái đất. Bức tượng được tạc bằng gỗ thông ở thời điểm 157 năm tuổi bằng công cụ đá, đồng thời khắc dấu và các chữ tượng hình mà một số học giả cho rằng đó là thông điệp của người xưa tới hậu thế.
Các mặt trên bức tượng cổ.
Bức tượng giờ chỉ cao 2,8 m so với nguyên bản 5,3 m do có nhiều phần bị mất khi Nga có chiến tranh, dù bản phác thảo ban đầu của nhà khảo cổ Vladimir Tolmachev vẫn còn.
Giáo sư Mikhail Zhilin, nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện khảo cổ thuộc Viện khoa học Nga nhận xét: “Đây là một kiệt tác mang giá trị tinh thần khổng lồ. Không có gì sánh được với tác phẩm điêu khắc độc đáo này, nó sống động và phức tạp cùng với những mật mã. Trong khi nội dung của nó vẫn còn là bí ẩn, một điều rõ ràng là tác giả bức tượng đã sống hài hòa với thế giới, có trí tuệ phát triển ở cấp cao cùng thế giới tâm linh phức tạp”.
Theo vntinnhanh