Được cha mẹ nuông chiều quá mức, cậu thanh niên chết đói vì lười ở tuổi 23
Mấy năm gần đây, câu chuyện thương tâm về một cậu thanh niên bị đói đến chết chỉ vì lười biếng ở Trung Quốc đã khiến người ta không khỏi bàng hoàng. Đặc biệt là nhiều bậc cha mẹ phải chợt giật mình nhìn lại cách nuôi dạy con của mình.
Câu chuyện xảy ra vào những ngày mùa đông tuyết rơi nặng hạt năm 2009.
Cậu thanh niên ấy là Dương Tỏa, sinh sống ở thị trấn Trúc Đường, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Người dân trong trấn bảo rằng Dương Tỏa không phải chết vì đói, mà là chết vì lười. Vậy, Dương Tỏa lười biếng đến mức nào?
Dương Tỏa còn trẻ và năng động, nhưng lại không chịu ra khỏi nhà để tìm việc làm vì nghĩ rằng làm việc kiếm sống là một điều quá khó với mình. Thế là cậu trở thành kẻ ăn xin. Sau khi có được một bữa ăn, cậu sẽ ngủ một hoặc hai ngày. Người dân mang thịt đến cho cậu, nhưng cậu quá lười chế biến và để thịt đến mốc meo, thối rữa.
Video: Không được chơi điện thoại, con trai bực tức đạp mẹ liên tiếp (Nguồn: Shanghaiist)
Dương Tỏa lười đến mức không thèm đi ăn xin trừ khi cảm thấy cực kỳ đói. Cậu ta không bao giờ giặt quần áo và đến khi chúng trở nên quá bẩn, cậu sẽ vứt chúng đi. Khi trời trở lạnh, Dương Tỏa không thèm đi ra nhà vệ sinh bên ngoài mà đã “làm việc đó” ngay trong nhà và đào đất lấp lại. Để sưởi ấm, Dương Tỏa đã đốt sạch những gì có thể đốt trong nhà, thậm chí ngay cả chiếc giường cũng bị cậu đốt cháy.
Đáng buồn hơn là những người biết về gia đình Dương Tỏa kể rằng tính cách lười biếng của cậu chính là hậu quả từ sự bảo bọc quá mức của cha mẹ cậu.
Thương con không ngờ thành hại cả đời con
Hồi còn nhỏ, bố mẹ Dương Tỏa rất đỗi yêu thương cậu. Khi đi ra ngoài với bố mẹ, cậu thường được họ đặt trong quang gánh. Họ không muốn để cậu đi bộ mặc dù cậu đã lên 8. Họ sợ cậu sẽ cảm thấy mệt, nên cậu cũng không bao giờ phải động tay động chân vào bất kỳ công việc nhà nào. Sau khi bố qua đời vì bệnh gan năm cậu 13 tuổi, mẹ vẫn nuông chiều cậu đến mức không bảo cậu làm bất cứ việc gì.
Dương Tỏa từng là một cậu bé rất thông minh, nhưng cậu lại không mấy khi để tâm đến chuyện học hành. Đi học về cậu chẳng bao giờ làm bài tập. Khi giáo viên ở trường nghiêm khắc hơn, cậu liền bảo bố mẹ ngày mai con không đến trường nữa.
Thế rồi Dương Tỏa bỏ học cấp hai vì không chịu nổi những khó khăn ở trường. Sau khi nghỉ học, cậu không có gì để làm ngoại trừ ăn và ngủ cả ngày, để mặc cho người mẹ đau ốm vừa phải lo việc đồng áng vừa chăm sóc cậu.
Dần dà, sức khỏe mẹ cậu ngày một yếu đi vì làm việc quá sức. Đến lúc bất đắc dĩ phải gọi cậu đi làm, cậu không những không đi mà còn đánh mẹ mỗi khi bực bội. Dương Tỏa không hề biết nghĩ cho mẹ. Cậu không những không giúp đỡ mà còn ngược đãi mẹ mình. Khi Dương Tỏa lên 18, mẹ cậu đã qua đời vì bệnh.
Sau cái chết của mẹ, Dương Tỏa chuyển đến sống cùng người anh họ là Dương Đức. Dương Đức làm thợ xây trong một đội xây dựng ở thị trấn nên để Dương Tỏa đi làm cùng. “Khi cậu ấy đến nơi làm việc, cậu bảo trời nóng quá, cậu không làm đâu rồi một mạch đi về nhà”, Dương Đức kể.
Dân làng giới thiệu cậu đến một khách sạn để làm bồi bàn. Nhưng khi đến đó cậu cũng không làm gì, để người ta đợi rồi cuối cùng cũng bị gửi trả về.
Không lâu sau khi mẹ qua đời, Dương Tỏa đã bán hết tất cả những thứ có giá trị trong gia đình, và cuối cùng phải tìm đến dân làng xin ăn. Năm năm sau đó, vào một ngày trời đổ tuyết, cậu thanh niên lười biếng họ Dương đã chết vì đói tại chính căn nhà của mình.
Bi kịch của Dương Tỏa khiến ai nghe qua cũng đều phải suy ngẫm sâu sắc. Bố mẹ cậu đã chiều chuộng cậu đến nỗi biến cậu trở thành một con người lười biếng và phụ thuộc. Và rồi cậu dần mất đi khả năng sinh tồn. Sau khi bố mẹ qua đời, môi trường sống của cậu bắt đầu thay đổi. Và Dương Tỏa đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay có lẽ không đến mức như cha mẹ Dương Tỏa nhưng cũng rất chiều con, không mấy khi để con phải làm việc nhà. Một phần vì đôi khi thấy con làm không vừa ý nên lại tự mình làm cho nhanh. Thế nhưng cha mẹ không biết rằng, không hướng dẫn và không cho con làm việc cũng tựa như tước đoạt đi cơ hội để con được học hỏi những kỹ năng sống thiết yếu trên đường đời.
Thế nên thương con không hẳn là cho con mọi của cải vật chất hay làm cho con hết thảy mọi điều, mà chính là làm sao hướng con trở thành một người tự lập, chăm chỉ, trưởng thành và có trách nhiệm với bản thân cũng như mọi người khác.
Bảo San biên dịch