Làm cha mẹ, có thể ở bên con, lẽ nào không hạnh phúc?
Cha mẹ sinh con ra, luôn mong muốn chúng có cuộc sống tốt đẹp, nên tất bật kiếm tiền, để lo đầy đủ tiện nghi cho con. Thế nhưng, điều con trẻ cần không phải những thứ đó, mà cần mẹ cha bên cạnh.
Có một người mẹ trẻ xinh đẹp đưa con gái đến gửi ở một trường học sang trọng và nói với con: “Vì tương lai của con nên mẹ đem con gửi vào trường học tốt nhất, để con có cuộc sống tốt nhất, mẹ đi làm kiếm thật nhiều tiền, không có thời gian ở với con, con đừng trách mẹ nhé”.
Đứa bé gật đầu: “Con không trách mẹ đâu, sau này con lớn lên cũng sẽ đi làm kiếm thật nhiều tiền để đưa mẹ đi viện dưỡng lão tốt nhất nhé”.
Người mẹ nghe xong cảm thấy chua xót trong lòng, không khỏi nức nở khóc òa lên.
Nếu chúng ta không có thời gian cùng con cái lớn lên, thì con cái cũng sẽ không có thời gian chăm sóc chúng ta khi về già…
Những ngày gần đây trên mạng có đăng một bài viết với tiêu đề “Cha của tôi”, là những dòng nhật ký rất cảm động. Người viết là một cô con gái có tên là Tiểu Mai, cô mong ước được cha quan tâm chăm sóc.
Trong ấn tượng của Tiểu Mai, cha của cô là một cảnh sát đam mê công việc, ông không phân biệt ngày đêm, nào là trực ban, tăng ca, hội họp, đi công tác …. không có thời gian dành cho cô, thậm chí cô còn gọi điện thoại cho cha cô và nói rằng: “Cha ơi, nếu cha không có thời gian cho con, con sẽ lớn lên mất”.
Một cái ôm ấp, một nụ cười, một tiếng hỏi han của cha, đối với chúng ta không đáng kể, nhưng đối với Tiểu Mai lại là mong ước lớn nhất, thật khiến người ta thương tâm chua xót.
Trong cuộc sống thường ngày, có nhiều bậc làm cha làm mẹ không thể dành ra thời gian để ở bên con, vì bôn ba kiếm tiền, mỗi tuần chỉ ở cùng con vài giờ; hoặc là cho tiền, cho đồ chơi mà lờ đi việc cần thiết là làm bạn cùng con, chăm sóc, bảo vệ con. Thậm chí có người còn nghiện chơi game, nghiện lên mạng mà không đếm xỉa gì đến việc lớn lên từng ngày của con cái. Sự nghiệp tất nhiên là quan trọng, nhưng sự trưởng thành của con cái cũng trọng yếu không kém.
Năm tháng trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ, con cái lớn lên từng ngày, chẳng mấy chốc mà đã trưởng thành. Quay đầu nhìn lại thời thơ ấu của con, chúng ta thân làm cha làm mẹ, có hay không vì những lúc con trẻ cất tiếng khóc nỉ non, khi lần đầu tiên mỉm cười, khi lần đầu tiên nói chuyện, khi lần đầu tiên biết đi mà cảm thấy tiếc nuối?
Ở trong quá trình trưởng thành của con, chúng ta có phải luôn bận rộn công tác, khi đêm xuống con ngủ say mới về đến nhà, sáng tinh mơ con chưa dậy đã ra khỏi cửa? Chúng ta có tham dự những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của con, có biết những lúc chúng vui buồn tức giận, có hiểu những thói quen cùng tính tình của chúng, có kịp thời xuất hiện vào những thời khắc quan trọng mà con mong muốn?
Càng ngày càng có nhiều cha mẹ khó có thể cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Không chỉ một số trẻ nhỏ được gửi đi học nội trú, mà ngay cả những đứa trẻ khác ở thành thị cũng bắt đầu có sự xa lánh mọi người.
Con trẻ cần cha mẹ cẩn thận bảo bọc
Nhà tâm lý học Cách Tắc Nhĩ từng nói: “Người mất đi tình yêu thương của cha mẹ thì tình cảm phát triển của người đó sẽ có chỗ thiếu hụt, không cân bằng”.
Việc làm bạn cùng với con trong quá trình trưởng thành của chúng còn quý giá hơn cho con cuộc sống vật chất đầy đủ, cha mẹ ấm áp gần gũi cùng con chơi đùa là món quà giá trị nhất mà cha mẹ dành cho con.
Ngôi sao Lý Tiểu Lộ là một người luôn bận rộn, nhưng từ khi sinh con gái cô liền biến thành một người “Yêu con không dừng được”. Mặc dù bận rộn chụp ảnh, nhưng cô vẫn hiểu được rằng, thời gian con trưởng thành cần có nhất chính là tình yêu thương và sự gần gũi của cha mẹ. Vì làm tốt chức trách của một người mẹ mà cô đã không do dự từ chối một nửa số show chụp ảnh, dành ra thời gian làm bạn cùng con gái yêu, cho con trải qua thời thơ ấu một cuộc sống thật hạnh phúc.
Làm bạn với con trong quá trình con trưởng thành là trách nhiệm của cha mẹ. Gia đình là hoàn cảnh sống quan trọng nhất của trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn trước lúc đi học, có một gia đình giáo dục tốt, kiên nhẫn làm bạn cùng với việc giáo dục hướng thiện dần dần, có thể sẽ làm cho con trẻ hình thành nên yếu tố “tam quan”, có tác dụng hình thành nên thói quen cùng cá tính đặc trưng của trẻ nhỏ trong cuộc sống, càng có thể kích thích khát vọng của chúng vào cuộc sống tương lai.
Trái lại sẽ làm cho trẻ có cuộc sống phát triển tiêu cực hơn. Bởi vậy cha mẹ phải tận sức thực hiện trách nhiệm bảo bọc, giáo dục con cái của mình, phải làm một người thầy tốt nhất của con cái.
Có một loại hạnh phúc gọi là làm bạn lớn lên với con
“Ta dần dần, dần dần rồi cũng hiểu được cái gọi là cha mẹ và con cái chỉ là một đoạn thời gian, cũng bất quá là ý nghĩa này, duyên phận của cha mẹ cùng con cái chính là đời này, kiếp này không ngừng nhìn ngóng bóng lưng của con càng đi càng xa. Chúng ta đứng ở nơi đường nhỏ nhìn bóng dáng con chúng ta dần dần khuất nơi cuối đường, hơn nữa chúng dùng bóng lưng yên lặng kia để nói rằng cho chúng ta biết rằng: không cần đuổi theo”, Long Ứng Đài ở trong bài “Nhìn theo” đã nói lên thời gian ân tình giữa cha mẹ và con cái, rất nặng nhưng lại trong chốc lát, cha mẹ và con cái chỉ trong chớp mắt là càng đi càng xa, hai thế hệ con người cùng sống với nhau thì thời gian chính là bậc thang chật hẹp nhất.
Vào lúc con trẻ chập chững học bước đi cần chúng ta cẩn thận bảo hộ, chúng ta tận tâm dắt theo tay chúng, đó chính là một loại cần; khi con trẻ lớn lên không cần dắt tay, giữa hai người vẫn tồn tại một loại cần nhưng chính là đổi thành chúng ta cần chúng.
Khi chúng không còn là trẻ nhỏ, chúng ta sẽ hoài niệm âm thanh bi bô non nớt kia, khi chúng mang túi sách đi học, chúng ta sẽ nhớ mãi thời gian chúng cứ dính mãi bên người mình. Rất nhanh rồi con trẻ sẽ trưởng thành đến độ tuổi của chúng ta bây giờ, hiện tại dành thời gian cùng làm bạn với con, có lẽ sẽ vất vả, sẽ mệt nhọc, nhưng đó không phải là một loại ấm áp hạnh phúc sao.
Hãy cùng vui vẻ làm bạn với con đi, nhân dịp chúng ta còn chưa già cả, khi chúng còn bên ta mỗi ngày, chúng ta đều phải biết ký ức chính là một loại hạnh phúc tốt đẹp. Không cần quá mức trói buộc, không cần gây trở ngại cho chúng, kịp thời giáo dục, tận lực mà làm, kiên nhẫn dạy cho chúng bản lĩnh cuộc sống, ngày sau chúng mới tự do bay lượn. Bởi vì cho dù ở bên ngoài bay nhảy, có lúc toàn bộ các con đường đều không thể đi, thì vẫn sẽ có một con đường luôn luôn chờ đợi chúng, đó chính là đường về nhà.
Đức Hạnh biên dịch