Doanh nghiệp xi măng tự “giết” nhau
(HQ Online)- Việc đua nhau xuất khẩu, không mở rộng thị trường và liên kết với nhau đã khiến các doanh nghiệp xi măng bị thương lái ép giá. Thậm chí, giá xuất khẩu xi măng tăng giảm không theo diễn biến chung của thị trường.
Xuất khẩu xi măng trong tháng 3 chưa đạt 1 triệu tấn. Ảnh internet.
Không chia sẻ thông tin Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng Phòng Quản lý thị trường và Chính sách bán hàng thuộc Tổng công ty CP Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đã có bước đi dài sau một thời gian ngắn. Lượng xi măng xuất khẩu không chỉ giải quyết cung cầu trong nước mà còn đem lại cho ngành công nghệ, logistics, cảng biển, kho vận, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn được ông Quân nêu ra là, doanh nghiệp xi măng đang bị thương lái ép giá do doanh nghiệp không chia sẻ thông tin với nhau. Ông Quân phân tích, hiện trong số 106 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có 5 đơn vị xuất khẩu chính gồm: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch và Cẩm Phả. Tuy nhiên, thời gian qua hầu hết các đơn vị không mở rộng được thị trường, ngoài Bangladesh, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Hông Kông (Trung Quốc), Indonesia, và thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading. Với thị trường chung như vậy, nếu không chia sẻ thông tin hoặc kết hợp với nhau thành nhóm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ bị lợi dụng để các đối tác cạnh tranh làm giá. Dẫn chứng thêm, vị này cho biết, có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD/tấn, sản phẩm của Việt Nam chỉ tăng 1 USD/tấn. Ngược lại khi giá thế giới giảm chỉ 0,5 USD, giá của các doanh nghiệp nội xuống thậm chí tới 2 USD. “Ngay bản thân đối tác đã từng nói rằng, các nhà xuất khẩu xi măng của Việt Nam đang tự hại nhau chứ họ hoàn toàn không có ý làm giá”, ông Quân cho hay. Còn theo ông Lương Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Hạ Long, doanh nghiệp xuất khẩu xi măng còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp nên việc khai thác tận gốc chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian dẫn tới hiệu quả chưa cao, đặc biệt còn xảy ra tình trạng đua nhau xuất khẩu dẫn tới bị khách hàng ép giá. Liên kết Thị trường thế giới đang có nhiều biến động gây bất lợi cho xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Điều này có thể thấy rõ trong quý I vừa qua. Theo thông tin ông Quân cung cấp, giá xuất khẩu xi măng đã giảm mạnh, không còn ở mức giá 40 USD/tấn như Bộ Công Thương công bố. Không chỉ giá xuất khẩu giảm, lượng xi măng xuất khẩu trong quý I cũng giảm đáng kể, nhất là trong tháng 3 chỉ đạt gần 1 triệu tấn. Với kinh nghiệm của doanh nghiệp xuất khẩu xi măng chiếm tới trên 20% thị phần, ông Quân cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu phải kết nối với các nhà vận chuyển để giảm giá cước vận tải xuống. Hiện mức giá này chiếm khoảng 1/4 (từ 8-10 USD/tấn) giá thành xuất khẩu nên đã làm giảm sức cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Thêm nữa, trong xuất khẩu xi măng, doanh nghiệp không nên trói tất cả hợp đồng xuất khẩu dài hạn hoặc ngắn hạn, mà nên phân chia tỷ lệ hợp lý: Một phần xuất khẩu dài hạn, một phần xuất khẩu khoán từng chuyến hoặc tối đa theo tháng. “Phân chia sản lượng xuất khẩu như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động hơn về giá, khi giá xuất khẩu lên hay xuống chúng ta có thể ăn theo giá”, ông Quân nói. Một giải pháp nữa được vị này nêu ra để khắc phục tình trạng bị ép giá như thời gian qua là, doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau để có thông tin kịp thời, tránh để tái diễn tình trạng nhà nhập khẩu bị thương lái nước ngoài chèn ép, dẫm chân lên nhau. Theo ông Quân, 4 năm mở cửa thị trường xuất khẩu, mặt hàng xi măng và clinker đã tìm được một số thị trường “chân rết” như Singaore, Bangladesh, Hồng Kông, Đài Loan… nếu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam biết liên kết để chia sẻ thông tin thì lợi ích mang lại sẽ rất lớn. |
Theo Báo Hải Quan