Cổ nhân dạy con: Cung kính khiêm nhường, tu thân tích đức mới thành tựu đại nghiệp

30/03/21, 09:26 Cổ Học Tinh Hoa

Dạy con là việc trọng đại đối với bất kỳ bậc cha mẹ nào. Cổ nhân giảng: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, ý rằng nuôi mà không dạy, ấy là lỗi của bậc phụ mẫu. Bởi vậy mà giáo dục trong các gia đình thời xưa đều lấy việc dạy luân lý đạo đức làm cốt lõi cao nhất.

day-con
Nuôi con mà không dạy là lỗi của bậc phụ mẫu. (Ảnh qua Phunutoday)

Cha mẹ, vợ chồng và anh em là ba mối quan hệ quan trọng nhất trong một gia đình. Cho dù ngày nay không chung sống cùng nhau, tam – tứ đại đồng đường như thời xưa, thì mối quan hệ giữa anh em vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến sự thịnh suy, lâu dài của một gia đình, hay thậm chí là một gia tộc.

Khổng Dung nhường lê 

Tác phẩm “Đệ tử quy” (Phép tắc người con), do Lý Dục Tú tiên sinh biên soạn vào những năm Khang Hy (1661-1722) triều Thanh, được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục trẻ em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh”“Thiên tự văn”).

Ở chương II, bài 8 trong sách viết:

“Anh thương em, em kính anh
Anh em thuận, hiếu trong đó
Nhẹ tiền bạc, oán nào sinh
Lời nhường nhịn, giận tự hết”

Ý nói: Người anh nên yêu thương người em, người em nên tôn kính người anh. Anh em có thể chung sống hòa thuận thì cha mẹ sẽ an lòng, ấy chính là “hiếu đạo” rồi.

Giữa anh em với nhau nếu xem nhẹ vấn đề tiền bạc và của cải thì sẽ không sinh ra oán hận. Lời ăn tiếng nói giữa anh em mà nhường nhịn và bao dung nhiều hơn thì tức giận tự nhiên sẽ tiêu trừ.

Khổng Dung, (153-208 SCN), hậu duệ đời thứ 20 của Khổng Tử, là quan nhất phẩm dưới thời trị vì của Hán Linh Đế nhà Đông Hán. Vì ông đã từng làm Thái thú quận Bắc Hải (thuộc huyện Duy Phường, tỉnh Sơn Đông ngày nay), nên ông có biệt hiệu là Khổng Bắc Hải. 

Ngay từ khi còn nhỏ, Khổng Dung đã thấm nhuần đạo lý làm người cần có nhân tín lễ nghĩa, cung kính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác. 

Khổng Dung
Khổng Dung nhường lê. (Ảnh qua ĐKN)

Gia đình Khổng Dung có 7 người con và ông là người con thứ 6. Năm Khổng Dung lên 4 tuổi, một hôm trời nóng như đổ lửa, Khổng Dung đang chơi ngoài sân vườn còn các anh của mình thì đang học trong lớp. Đến lúc nghỉ giải lao vừa hay có một người bạn của cha Khổng Dung đến chơi và xách theo một giỏ lê sang tặng. Mẹ Khổng Dung bảo Khổng Dung và các anh của ông hãy đi rửa tay rồi vào ăn lê cho mát.

Khi các anh em rửa tay xong vào trong nhà, vì Khổng Dung khi ấy là đứa con nhỏ tuổi nhất nên cha đã ưu tiên cho ông chọn lê trước. Điều đáng ngạc nhiên là, ông đã chọn quả lê nhỏ nhất, còn mấy quả to và chín mọng lại không lấy. Thấy lạ nên cha Khổng Dung mới hỏi: “Tại sao con không chọn quả to chín mà ăn, lại chọn quả nhỏ nhất?” 

Khổng Dung đáp: “Thưa cha, con là người nhỏ nhất, nên con chọn quả nhỏ nhất để ăn, còn các quả to thì nên để cho cha mẹ và các anh ăn ạ.” 

Cha của Khổng Dung nghe con trả lời như vậy thì rất hài lòng, người bạn của cha Khổng Dung chứng kiến mọi việc cũng hết mực cảm phục về đức tính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác của ông.

Quả nhiên, nhân tâm hữu thiện ắt thành người tài trí, Khổng Dung sau khi lớn lên được phong làm Thái thú quận Bắc Hải. Ông đã cho xây dựng nhiều khu phố và trường học, đồng thời cũng là người ủng hộ Nho giáo. Ông còn là một nhà thơ và nhà văn nổi tiếng. 

Tể tướng Lý Miên không tham bạc vàng, lòng luôn ngay chính, lưu danh thiên cổ

Lý Miên (717-788 SCN), giữ chức tể tướng dưới thời trị vì của Hoàng đế Đường Đức Tông. Ông vốn xuất thân trong gia cảnh nghèo khó, nhưng dù làm bất kể việc gì ông đều giữ chữ tín, quyết không bao giờ tìm cách làm giàu bất chính. Thay vào đó, ông luôn dành thời gian đọc các kinh sách Thánh hiền, để trau dồi cho mình phẩm chất trung thực, ngay thẳng. 

Một ngày nọ, Lý gặp một thư sinh đang trên đường đến kinh đô ứng thí. Hai người sau đó đã trở thành huynh đệ tốt của nhau. Một ngày nọ, vị thư sinh kia bị ốm nặng, Lý đã ghé thăm và chăm sóc rất chu đáo cho anh ta, như chính huynh đệ ruột của mình. 

Nhưng vì bệnh tình nguy kịch nên thư sinh ấy cuối cùng cũng không thể vượt qua được. Trước lúc lâm chung, anh nguyện ý sau khi lo tang lễ cho mình xong, xin Lý Miên hãy giữ lấy số vàng còn lại của anh, thay cho lời cảm tạ. Lý lúc đó không có cách nào từ chối, đành phải đồng ý nhận lời. Tuy nhiên sau đó, ông đã không lấy bất kể một xu nào. Ông bí mật giấu vàng dưới quan tài của vị thư sinh kia, cuối cùng trả lại toàn bộ số bạc đó cho gia đình của anh ta. 

Lý Miên
Lý Miên không hề lợi dụng quyền lực để nhận của phi pháp. (Ảnh qua Trithucvn)

Trong thời gian được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ ở Lĩnh Nam, Lý không hề lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt của cải phi pháp. Khi các thương nhân trước mặt nịnh nọt tặng ông những món quà quý giá, ông luôn lịch sự từ chối. Khi về hưu, ông thậm chí còn ném tất cả sừng tê giác và ngà voi mà gia đình ông đã nhận được xuống sông.

Làm quan qua hai triều đại, Lý Miên đã chu cấp hầu như toàn bộ tài sản của mình cho người thân và các gia nhân, chỉ để lại một ít đủ dùng cho bản thân. Do vậy khi qua đời, ông không còn chút tài sản nào cả. Lòng tốt của ông được người đời hết lòng ca tụng. Sau ông được phong danh hiệu là Chân Giản, nghĩa là “người chân thật và giản dị.”

Vương Hi Chi dạy con không được kiêu ngạo

Trong “Đệ tử quy” viết: 

“Gọi người lớn, chớ gọi tên
Với người lớn, chớ khoe tài”

Khi nói chuyện với người lớn, phải biết xưng hô đúng mực, thể hiện sự cung kính. Trước người lớn, không nên hiển thị, khoe khoang tài năng của mình.  

Vương Hi Chi (303 – 361 SCN) là nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc, được mệnh danh là “Thư Thánh” – bậc Thánh về thư pháp. Ông có bảy người con, trong đó con út Vương Hiến Chi (344-386) cũng là một nhà thư pháp xuất chúng.

Khi Hiến Chi lên 15 tuổi, anh đã có tài thư pháp và thường được cha cùng các anh khen ngợi. Cũng bởi vậy, Hiến Chi trở nên kiêu ngạo và lười biếng, nghĩ rằng tài năng của mình đã xuất sắc lắm rồi, và không cần phải khổ luyện thêm nữa.

Vương Hi Chi sau đó đã giúp con trai mình nhận ra bản tính kiêu ngạo là ngu ngốc, còn chuyên cần mới là yếu tố quan trọng để thành công.

Một ngày nọ, Vương Hi Chi được mời vào kinh thành, hôm đó gia đình ông quây quần bên bữa tiệc đưa tiễn, tổ chức linh đình với sơn hào hải vị và rượu thượng hạng. Trong lúc ngà ngà say, Vương Hi Chi chợt có một ý tưởng, ông quyết định viết một vài chữ để khuyên răn Hiến Chi.

Vương Hy Chi
Vương Hy Chi viết bài thơ răn dạy con không nên kiêu ngạo. (Ảnh minh họa qua Tansinh)

Vương Hi Chi thảo một bài thơ lên bức tường với nhan đề “Giới kiêu thi” (Bài thơ dạy không được kiêu ngạo), khuyên bảo Hiến Chi đừng nên kiêu ngạo mà hãy cố gắng trau dồi học tập thêm. 

Tuy nhiên, Hiến Chi không tâm phục. Vào ngày hôm sau, anh chép lại bài thơ mấy chục lần, và ngay trước khi cha về tới nhà, trong lúc không ai nhìn thấy, anh bèn xóa bài thơ đi và viết lại cùng vào một chỗ trên bức tường, bắt chước phong cách thư pháp của cha. Hiến Chi rất tự hào về mình, dương dương tự đắc nghĩ rằng, thư pháp của mình đã đạt đến trình độ như cha và không ai có thể nhận ra sự khác biệt.

Nhưng khi Vương Hi Chi trở về, ông nhìn chăm chú vào bài thơ trên tường một hồi lâu, sau đó ông gãi đầu và thở dài: “Ôi! Có phải đêm qua ta đã uống hơi quá chén nên mới viết ra những nét chữ vụng về thế này không nhỉ?”

Lúc này Vương Hiến Chi mới đỏ bừng mặt, cảm thấy vô cùng hổ thẹn và ngượng ngùng. Anh cuối cùng đã nhận ra rằng chỉ có nhờ học tập chuyên cần và khổ công rèn luyện mới có thể trở thành một nhà thư pháp nổi danh.

Trương Lương kính trọng người già, cung kính nhặt giày mà đắc Đạo

Trương Lương (262–189 TCN), tự Tử Phòng, là bậc danh thần khai quốc nổi tiếng thời nhà Hán. 

Có câu chuyện kể rằng thời trẻ, khi đang thong dong tản bộ trên cầu Hạ Phi, Trương Lương tình cờ gặp một cụ già đang ở trên cầu. Lúc ấy, cụ già cố ý đánh rơi chiếc giày xuống dưới cầu và nói với Trương Lương rằng: “Tiểu tử, hãy xuống nhặt giày lên hộ ta.” 

Trương Lương không hề tỏ ra khó chịu, vội vàng xuống dưới cầu bất chấp nguy hiểm nhặt chiếc giày lên cho ông cụ, hai tay dâng giày kính cẩn. Nhưng ông cụ lại không tự đi giày, mà đưa chân lên lần nữa nhờ Trương Lương xỏ giày vào hộ mình.

Họ Trương thầm nghĩ: “Dù gì thì mình cũng đã nhặt giày lên rồi, mang vào cho ông ấy cũng được thôi”, bèn quỳ gối xuống xỏ chiếc giày vào chân cho ông lão. Đợi Trương Lương mang giày cho mình xong, ông lão liền cười lớn bảo rằng: “Tiểu tử này có thể dạy dỗ được. Đúng 5 ngày sau vào lúc sáng sớm, ngươi hãy quay lại đây gặp ta”. 

Đúng 5 ngày sau, trời vừa tờ mờ sáng, Trương Lương đã đến điểm hẹn, không ngờ ông lão đã có mặt ở đấy từ lúc nào, trông thấy Trương Lương, ông nổi giận nói: “Có hẹn với người lớn tuổi mà ngươi lại đến trễ, như vậy có được không? Hôm nay ta không thể truyền Đạo cho ngươi được; hẹn 5 ngày sau lại gặp ở đây.”

Qua 5 ngày, lúc gà vừa gáy sáng, họ Trương đã đến bên đầu cầu, oái oăm thay ông lão cũng đã có mặt ở đó, ông lão lại trách Trương Lương vì sao đến trễ, bèn đuổi Trương về, hẹn 5 ngày sau lại tới.

Trương Lương
Trương Lương xỏ giày cho Hoàng Thạch Công mà đắc Đạo thành Tiên. (Ảnh qua Tinhhoa)

Lần sau thì Trương không dám trễ nữa, nửa đêm canh ba đã lò dò đến bên cầu đứng đợi. Một lúc sau ông lão xuất hiện, nhìn thấy Trương Lương, ông vui mừng nói: “Phải vậy chứ!”.

Sau đó, ông lão lấy ra một cuộn sách tre và nói: “Đọc cuốn sách này có thể làm thầy của bậc vương giả, sau 10 năm thì có thể nổi danh. 13 năm sau con có thể gặp ta ở Tế Bắc, dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng tức là ta đó.” 

Nói rồi ông lão bỏ đi mất, từ đó Trương Lương không còn gặp lại ông nữa. Trương Lương mang cuốn sách về nhà, đốt đèn lên xem, hóa ra đó là bộ “Thái công binh pháp” đã thất truyền. Trương Lương như đắc được bảo vật, ngày đêm nghiền ngẫm đọc sách; nhờ đó mà trí huệ mở mang, trở thành bậc thầy mưu lược bên cạnh Lưu Bang.

13 năm sau, Trương Lương cùng Lưu Bang khi đi qua Tế Bắc, quả nhiên nhìn thấy dưới chân núi Cốc Thành Sơn có một tảng đá màu vàng, ông liền mang về. Lúc mất, con cháu của Trương Lương đem thi thể ông an táng cùng tảng đá. Vì vị cao nhân truyền bộ binh pháp ấy cho Trương Lương không để lại danh tính nên hậu nhân gọi ông là Hoàng Thạch Công.

Theo ghi chép trong sách “Thái Bình Quảng Ký”, Trương Lương ngoài việc là mưu sĩ cho Lưu Bang, còn căn cứ theo sách của Hoàng Thạch Công để tu luyện. Ông không rời khỏi thế sự mà vừa phò tá Lưu Bang vừa tu Đạo. Trương Lương không bị thế sự chìm nổi mê hoặc mà lợi dụng những sự việc nơi thế tục làm cơ hội tu luyện bản thân, từ đó mà thăng hoa lên trên. Có được ngộ tính và trí huệ như vậy, cuối cùng ông trở thành một người tu đạo phi thường. 

Sau khi Trương Lương thành Tiên được làm đồng tử Thiên cung, thường cùng Thái Thượng Lão quân dạo chơi trên Tiên giới.

An Nhiên

Theo theepochtimes.com

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Ấm trà tri âm

Ad will display in 09 seconds

Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Ấm trà tri âm

    Ấm trà tri âm

  • Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

    Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

    Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!