Chuyện cô Thảo hiến thận cho người dưng
Cô Lê Thị Thảo 55 tuổi (Thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh) tình nguyện hiến một quả thận cho một người không quen biết. Cô nói: “Làm việc tốt là để mình vui vẻ trong tâm chứ không phải là để mong người ta trả ơn cho mình nên dù được nhớ đến hay không nhớ đến điều đó cũng chẳng có gì quan trọng”.
Về Lương Tài, Bắc Ninh gặp cô Thảo sau 3 tháng hiến thận tại BV Việt Đức, không khỏi bất ngờ với nụ cười tươi rói, cô cho biết, sức khoẻ vẫn không có gì ảnh hưởng so với trước đây. Cô vẫn trồng cây cảnh, thời gian rỗi thì lên chùa làm công quả, giúp đỡ trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
Cô Thảo tâm sự: “Cuộc đời là những chuỗi tình cờ. Năm 2014, cô đến chùa Linh Thông (Hà Nội) tham dự một chương trình về hiến giác mạc mà Trung tâm hiến ghép mô tạng Quốc Gia tổ chức tại đây. Sau đó cô có đọc những tài liệu về vấn đề này và đã có sự quyết tâm mạnh mẽ là hiến giác mạc sau khi mất và có thể là hiến một quả thận cho người cần”.
Trò chuyện với chúng tôi, cô Thảo nói rằng, thân này là của bố mẹ cho, giờ bố mẹ mất rồi mình cũng chẳng có gì để đền ơn cha mẹ. Nghĩ về chữ Hiếu, trong nhà Phật có quan niệm là hồi hướng những việc thiện cho cha mẹ.
Cô Thảo cho hay: “Sự bố thí thân thể là việc làm cao nhất để báo hiếu cho cha mẹ nơi suối vàng. Cho nhưng vẫn bảo đảm được sự sống khi mình vẫn còn yêu quý cuộc đời này là việc cá nhân tôi mong muốn”.
Khi chứng kiến sự đau đớn thể xác của người bệnh, việc cho đi một phần cơ thể để cứu sự sống của người khác là một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn đối với cô Thảo.
Trước khi thực hiện tâm nguyện của mình, cô Thảo đã hỏi ý kiến các con và cô nhận được sự đồng tình từ họ.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến ghép bộ phận cơ thể người cho biết: “Tháng 12/2014, cô Thảo đã tới Trung tâm và có nguyện vọng hiến thận. Một người đang khỏe mạnh bỗng dưng tình nguyện san sẻ một lá gan hay một quả thận cho người không quen với mục đích hoàn toàn vô tư là một việc làm hết sức đặc biệt và không phải ai cũng có thể làm được”.
Để chứng minh việc hiến tặng bộ phận cơ thể người là tự nguyện, không vụ lợi, cô Thảo đã phải đi lại rất nhiều lần và trải qua các bài kiểm thể chất lẫn tâm thần để chứng minh mình là người hoàn toàn tỉnh táo bình thường, có tâm nguyện hiến tạng để cứu sống người khác.
“Cô Thảo phải làm rất nhiều các xét nghiệm mệt mỏi và đau đớn thể xác, các xét nghiệm y khoa cho thấy, quả thận của cô hoàn toàn khỏe mạnh và được chấp nhận cho ghép”, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.
Người có may mắn nhận quả thận của cô Thảo là cô Nguyễn Thanh N. (Hà Nội) năm nay 53 tuổi. Bệnh nhân này phát hiện suy thận từ tháng 6/2014. Cô điều trị tại bệnh viện Việt Đức. Sau đó, được các bác sỹ tư vấn phương pháp điều trị lọc màng bụng tại nhà, hàng ngày cứ sau 6 tiếng cô N. lại vào phòng tự lọc, mỗi lần 2 lít dịch và không được đi đâu xa nên cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.
Lọc chưa đầy 5 tháng, may mắn Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông báo rằng có một quả thận từ người cho chung nhóm máu, quả thận phù hợp và cùng độ tuổi có thể ghép cho cô khiến cả gia đình vô cùng hạnh phúc.
Khi phẫu thuật thành công, cô N. và người thân rất mong mỏi muốn biết ai đã hiến thận để có thể gặp gỡ tri ân. Mãi về sau cô mới biết người hiến thận cho mình vô điều kiện là cô Thảo. Dù hai người sau ghép chỉ nằm cách nhau một bức tường.
Sau 3 tháng hiến thận trở về, cô Thảo vẫn tiếp tục công việc thường nhật là trồng cây cảnh, trồng hoa để bán. Khi nhắc về việc làm của mình, trong đôi mắt cô ánh lên niềm hạnh phúc khi đã làm được việc tốt để báo hiếu cha mẹ theo tâm nguyện của cô. Cô nói:“Việc cần làm đã làm xong rồi, làm việc tốt là để mình vui vẻ trong tâm chứ không phải là để mong người ta trả ơn cho mình nên dù được nhớ đến hay không nhớ đến điều đó cũng chẳng có gì quan trọng”.
Nhìn cô Thảo cười nhẹ nhõm và vô ưu khiến người đối diện có cảm giác như việc cô hiến một quả thận nó cũng đơn giản như trao cho người khác một bông hoa từ vườn nhà mà cô trồng được.
Đại đức Nguyên Tuệ, trụ trì ngôi chùa Hộ Pháp của Làng Đào Xuyên (Lương Tài, Bắc Ninh), nơi cô Thảo thường lui tới làm việc công quả cho hay: “Cô Thảo sau khi hiến thận xong, lại còn chăm làm việc thiện hơn trước. Cô vẫn đến chùa dọn dẹp giúp đỡ các sư chăm sóc trẻ mồ côi, cơ nhỡ khi chúng ở đây”.
Theo infonet