Câu chuyện cuộc đời của vị giám đốc “sợ tiền”
Lớn lên trong một gia đình có điều kiện, nhưng lại mang nhiều nỗi mặc cảm và tự ti trong tâm, cuộc đời Trầm Chí Nho đã chuyển sang một bước ngoặt hoàn toàn mới khi tìm được con đường trở về với chính mình…
Trầm Chí Nho lớn lên trong một gia đình kinh doanh nhà hàng rất thành công. Bà nội của anh đã xây dựng thành công hệ thống các món ăn Đài Loan. Rõ ràng bà là niềm tự hào của nhà, là người được kính trọng trong gia đình.
Anh Trầm (Trầm Chí Nho) là cháu đích tôn của bà. Tuy nhiên, cả bà nội và bố mẹ đều suốt ngày bận rộn với công việc kinh doanh, nên rất ít có thời gian để ý đến con cháu trong nhà. Vì vậy, các anh chị em của anh Trầm lớn lên với cách suy nghĩ rất độc lập.
Bố anh Trầm luôn muốn nhận được sự công nhận của bà nội, vì vậy ông luôn luôn nỗ lực cố gắng, nhưng dù thế nào đi nữa, ông cũng không thể đáp ứng được các yêu cầu của mẹ mình. Về sau, ông tham gia vào một công việc kinh doanh khác nhưng không thành công. Những người xung quanh cảm thấy tiếc cho ông, cũng có người coi thường ông.
Riêng bản thân mình, anh Trầm rất mong bố nhận được sự công nhận của bà nội, bản thân anh cũng mong được bà đoái hoài, quan tâm tới. Vì vậy suốt thời trung học, ngoài thời gian trên trường, anh thường vào phụ việc trong nhà bếp, riêng nghỉ hè anh làm nhân viên phụ việc chính thức. Tuy nhiên, giống như bố anh, bà nội không hề để ý gì tới những cố gắng của anh.
Cứ thế, mặc dù lớn lên trong môi trường gia đình có điều kiện, nhưng cảm giác tự ti và thất vọng khiến anh trở nên nhạy cảm và buồn bã. Anh đã từng nuôi hy vọng sẽ có cảm giác thoải mái hơn trong mối quan hệ với một cô gái, nhưng kết quả càng thất vọng khi anh bắt đầu cảm thấy kiệt sức và mặc dù vẫn còn trẻ, anh lại thường xuyên bị mệt mỏi kể cả vào ban ngày.
Từ Đài Loan đến Paris
Anh Trầm quyết định rời khỏi Đài Loan và du học ở Pháp, anh nghĩ rằng môi trường thay đổi sẽ tốt hơn cho anh.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Kiến trúc ESA tại Paris vào năm 2000, anh Trầm thành lập Công ty TNHH Kỹ thuật số Truyền thông Moulin Orange. Lúc đầu, công ty anh chỉ có hai nhân viên, nhưng khi công ty đạt đến đỉnh cao, anh đã có hơn 40 nhân viên. Từ 2001 đến 2012, công ty của anh tập trung vào vai trò là đại lý chịu trách nhiệm bán hàng và quảng cáo trực tuyến cho công ty Nike Đài Loan.
Năm năm học tập ở nước ngoài đã mang lại cho anh kinh nghiệm phong phú, mở rộng tầm mắt và giúp anh khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều đó không thể giúp anh khỏa lấp nỗi trống trải trong tâm hay giúp anh giải đáp những khúc mắc về cuộc đời.
Anh Trầm nhận ra rằng khi anh có nhiều của cải hơn, thì anh lại lo lắng hơn, và lại sợ mất chúng. Thậm chí anh còn đi gặp thầy bói để tìm kiếm lời khuyên, giải hạn. Anh còn xem cung hoàng đạo của nhân viên có xung đột với nhau không, liệu tương lai công ty trong năm đó tốt hay xấu, hay xem Phong thủy, liệu văn phòng công ty có đúng hướng hay không…. Thành công đến với anh rất nhanh nhưng anh vẫn không hiểu được tại sao những trắc trở trong cuộc sống cứ bủa vây lấy mình.
Anh Trầm có đi thăm viếng chùa chiền và đến các nhà thờ để tìm kiếm câu trả lời cho những băn khoăn, khắc khoải về cuộc đời của mình, nhưng cho dù cố công tìm kiếm những ý nghĩa nhân sinh thế nào đi nữa, anh vẫn cảm thấy mình như sống trong mê ảo, hơn nữa tình trạng thể chất vẫn không được cải thiện.
Một thế giới hoàn toàn mới
Cuối năm 2003, anh Trầm đến thăm một người bạn là bác sĩ tâm lý. Hai người đã lâu rồi không gặp nhau, cho nên có rất nhiều chuyện để nói. Sau đó, người bạn này có chia sẻ với anh Trầm một điều rằng cô đang tu luyện Pháp Luân Công, và cô khuyên anh hãy tìm hiểu.
Ban đầu, anh không thể nhịn cười khi nghe thấy từ “tu luyện”. Nghe thật xa vời và giống như anh sắp phải “lên núi” vậy. Tuy nhiên, bạn anh nói đừng cười vội, rồi cô đưa cho anh một bài giảng của Đại sư Lý Hồng Chí và anh đã đọc nó trên đường về nhà.
Về nhà, anh Trầm muốn tìm thêm các bài giảng của vị Đại sư này và anh đã tìm thấy cuốn sách Chuyển Pháp Luân, trong đó là tập hợp 9 bài giảng về rất nhiều điều trong cuộc sống, khoa học và tâm linh… Anh Trầm đã bị cuốn sách cuốn hút ngay lập tức bởi những khúc mắc trong anh từ từ được giải đáp. Tiếp đó anh cũng tải về đoạn băng hướng dẫn luyện các bài công pháp và bắt đầu tự luyện công ở nhà. Một thời gian sau, anh Trầm tham gia khóa học Pháp Luân Công chín ngày.
Kết thúc khóa học chín ngày, anh kể lại rằng anh đã thực sự cảm thấy một trường năng lượng mạnh mẽ khi luyện các bài công pháp. Anh cảm thấy một thế giới hoàn toàn khác đã mở ra trước mắt. Anh bắt đầu nhìn lại cuộc sống của mình từ trước đến nay và thấy rằng mình đã rất kiêu ngạo và luôn đòi hỏi rất cao từ đội ngũ nhân viên. Nếu họ không đáp ứng đòi hỏi hay làm gì không đúng theo chuẩn mực anh đề ra thì anh rất dễ nổi nóng và quát tháo họ. Anh Trầm nhận ra rằng mình đã làm tổn thương rất nhiều người, đồng thời chính điều đó đã làm tổn hại đến sức khỏe của anh.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, anh nghiêm khắc tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn mà Đại sư Lý Hồng Chí đề ra để trở thành người tốt. Anh cũng thấy rằng khi đối xử với nhân viên của mình bằng tâm thiện, sẽ đạt được kết quả tốt hơn với những yêu cầu cao hơn.
Có lần, anh Trầm tổ chức một chuyến đi chơi mà anh chịu hoàn toàn chi phí. Nhưng khi trở về, thay vì cảm ơn anh, anh lại nghe một số ý kiến tiêu cực, làm cho anh cảm thấy buồn chán. Anh nhận ra rằng mình vẫn đang theo đuổi danh tiếng và muốn hiển thị bản thân.
Trong các bài giảng, anh được dạy rằng người tu luyện cần phải nghĩ đến người khác trước tiên, và không mưu cầu danh lợi. Khi nhớ tới những lời giảng ấy, anh Trầm cảm thấy tâm của mình thật nhẹ nhàng, và không còn bực tức những nhân viên kia nữa.
Hiện giờ, anh Trầm không chỉ tu luyện bản thân, đề cao tâm tính và cân bằng các mối quan hệ trong gia đình, xã hội mà anh còn dùng thời gian rảnh rỗi của mình để giúp nhiều người hơn nữa hiểu được sự thật về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.
Theo daikynguyenvn.com