Cậu bé bán hàng rong biết nói 16 thứ tiếng ngày ấy giờ ra sao?
Nhờ một đoạn clip nói trôi chảy nhiều thứ tiếng được đăng tải trên mạng xã hội, cuộc sống của cậu bé bán hàng rong người Campuchia Thuch Salik đã thay đổi hoàn toàn.
Đoạn clip định mệnh, thay đổi cả cuộc đời
Vào giữa tháng 11/2018, một blogger du lịch người Malaysia đã đăng tải đoạn clip về cuộc trò chuyện với cậu bé người Campuchia bán quà lưu niệm có khả năng nói 16 thứ tiếng.
Video nay thu hút hơn 1,3 triệu lượt xem, hàng chục ngàn lượt chia sẻ và bình luận chỉ sau 5 ngày đăng tải. Nhân vật chính trong đoạn clip, cậu bé Thuch Salik (sinh năm 2004), bỗng trở thành cái tên được săn đón, thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông khắp châu Á.
‘Đổi đời sau một đêm’ là cụm từ mà Channel News Asia miêu tả cậu bé 14 tuổi lúc đó.
Thời điểm khi đoạn clip nói nhiều thứ tiếng chưa lên sóng, gia đình của Thuch Salik đang nợ khoản tiền 60.000USD (khoảng gần 1,5 tỷ đồng), do đó cậu bé phải cùng mẹ đi làm để mưu sinh. Salik chỉ có thể đi học nửa ngày, rồi mang giỏ đồ lưu niệm ra ngoài để bán. Cậu cũng không có thời gian rảnh để chơi với bạn bè trong xóm.
Tuy vậy, cuộc sống của Thuch Salik và cả nhà đã thay đổi chỉ sau một đêm khi đoạn clip cậu nói 16 thứ tiếng lan truyền trên mạng xã hội.
Thời điểm ấy, công việc của Thuch Salik là bán hàng rong, đồ lưu niệm cho những khách du lịch đến đền Ta Prohm (Siem Reap, Campuchia). Cậu bé có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Khmer, Anh, Mã Lai, Tagalog, 3 thứ tiếng địa phương của Trung Quốc (Quan Thoại, Quảng Đông, Hải Nam), Nga, Thái, Việt, Hàn, Nhật.
Để phục vụ du khách chu đáo, cậu bé Thuch Salik đã học cách ‘chào hàng’ bằng 16 thứ tiếng để khiến vị khách nào ghé qua cũng hài lòng.
Thông qua đoạn clip lan truyền trên mạng, nhiều nhà hảo tâm đã đề nghị giúp đỡ gia đình Salik. Cả nhà Salik sau đó đã rời chiếc lán nhỏ bên cạnh khu quần thể Angkor Wat để chuyển đến sống ở thủ đô Phnom Penh.
Bà Mann Vanna, mẹ của Salik, được sắp xếp công việc tại một cửa hàng thời trang. Không chỉ giúp gia đình trả hết tiền nợ, nhiều doanh nhân còn cam kết hỗ trợ tiền học phí cho Salik và em trai đến hết bậc Đại học.
Nhận thấy tài năng và sự nỗ lực của cậu bé bán hàng rong, Học viện giáo dục Hailiang ở Chiết Giang, Trung Quốc, muốn nhận Salik vào học. Đây là một trong những hệ thống trường tư lớn nhất Trung Quốc với con số học sinh lên tới 60.000 người và đến từ 23 quốc gia trên toàn thế giới. Đó thực sự là cơ hội lớn, mở ra một trang mới trong cuộc đời của cậu bé.
“Salik từng tiết lộ trong một video khác rằng em ấy muốn tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để học vì bản thân thích tiếng Quan Thoại. Và những lời đó đã chạm tới trái tim của nhà sáng lập”, ông Chen Junwei, chủ tịch kiêm CEO hiện tại của Học viện giáo dục Hailiang nói.
Ông Chen và đồng nghiệp sau đó đã tới Campuchia để động viên gia đình cho Salik tới Trung Quốc học tập. “Chúng tôi mang theo nhiều quà cáp như đồng phục, cặp, đồ dùng khác để gặp Salik và bố mẹ của em. Chúng tôi nhận thấy cậu bé thông minh, tài năng trong nhiều lĩnh vực mà không nhiều người có được, EQ của em rất cao”, Chen Junwei chia sẻ.
Mặc dù nhận thấy con có tài năng nhưng mẹ của em tỏ ra miễn cưỡng. Bà lo con trai còn quá nhỏ, khó thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài, khí hậu Trung Quốc rất lạnh. Cuối cùng, mọi nỗ lực thuyết phục không được như ý muốn. Chen và đồng nghiệp phải bay về Trung Quốc.
Tuy nhiên, trường Hailiang không từ bỏ việc thuyết phục. Họ tiếp tục động viên thậm chí còn đưa cha mẹ Salik đến tận trường tham quan. Sau nhiều thời gian trao đổi, cuối cùng cha mẹ của cậu bé cũng đồng ý cho con đáp chuyến bay tới Chiết Giang hồi tháng 9/2019 để học tập.
Từ cậu bé bán hàng rong trở thành KOL nổi tiếng
Khi du học tại Trung Quốc, Thuch Salik phải học cách sống tự lập và thích nghi với môi trường mới.
Đầu tiên là thời tiết, nhiệt độ ở Trung Quốc rất lạnh, khiến trường phải sắp xếp một huấn luyện viên giúp đỡ Salik trong việc thích nghi với điều kiện sống mới. Thứ hai, Salik phải bắt đầu việc học kiến thức mới. Cậu được nhà trường bố trí giáo viên kèm 1-1 để giúp bắt kịp với các bạn đồng trang lứa.
Nhờ sự thông minh sẵn có, Salik nhanh chóng bắt kịp chương trình học, chỉ một thời gian sau, cậu bé đã có thể học cùng các bạn khác mà không cần tới sự kèm cặp của gia sư.
Chia sẻ về cuộc sống và việc học tập ở nước ngoài, Thuch Salik nói: “Khi ở Siem Riep, cháu chỉ học ở trường, giúp mẹ bán hàng, hầu như không có thời gian để chơi với bạn bè. Hiện nay, cháu học nhiều, sau giờ học có thêm nhiều bạn bè để chơi cùng”.
Tháng 01/2020, Salik trở về quê hương Campuchia nghỉ đông và bắt đầu học trực tuyến vì không thể quay lại trường học do ảnh hưởng của Covid-19.
Cũng trong thời gian này, Salik đã nhận được chú ý của truyền thông trong nước, được mời tham gia các chương trình truyền hình, học các khóa đào tạo kỹ năng để thành người nổi tiếng.
Nhận thấy niềm quan tâm với lĩnh vực giải trí, Salik quyết định bước chân vào con đường trở thành KOL.
Tháng 7/2020, Salik ký hợp đồng với công ty tài năng Campuchia FUN Entertainment, chính thức trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Đến nay, khi Salik tròn 18 tuổi, cậu bé bán hàng rong năm nào đã trở thành chàng thanh niên điển trai và có cuộc sống tự lập. Salik không chỉ mở kinh doanh thời trang online, nam sinh còn có người quản lý riêng để hỗ trợ công việc hiện tại.
Hiện Salik đang theo học trường Đại học Campuchia (The University of Cambodia), nằm ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Salik khẳng định trọng tâm của em bây giờ vẫn là học bởi em nhận ra mình có ‘nhiều nhà tài trợ’, và muốn ‘đền đáp họ bằng cách nỗ lực học hành để giúp đỡ đất nước’.
Xuân Hạ (t/h)