Cách nhận biết trái cây Trung Quốc
Hiện nay nghe đến thực phẩm hoặc hoa quả Trung Quốc là mọi người cảm thấy rùng mình. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ làm sao để phân biệt được hoa quả Trung Quốc với các loại hoa quả khác an toàn hơn? Bạn có thể tham khảo một vài gợi ý sau đây để tránh mua phải trái cây Trung Quốc:
Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu xem trái cây Trung Quốc độc hại như thế nào.
Lê Trung Quốc có chất gây vô sinh:
Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4/2012, cục đã phân tích 315 mẫu hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu và phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng đều thấp hơn mức dư lượng tối đa cho phép. Đáng lưu ý, trong số đó có một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc chứa dư lượng endosulfan.
Endosulfan là hoá chất độc hại thứ 22 trong danh sách cần loại trừ trên toàn cầu của Liên Hợp Quốc. Thuốc trừ sâu Endosulfan có tính độc cao và có thể gây các ảnh hưởng phá vỡ hệ nội tiết hoặc gây ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của con người.
Táo Trung Quốc nhiễm độc:
Táo Trung Quốc thường có màu hồng phấn, hồng nhạt chứ không đỏ sẫm như táo Mỹ, Úc.
Loại táo Fuji có xuất xứ từ Yên Đài, Trung Quốc cách đây không lâu rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Loại táo này có màu sắc đẹp, vỏ bóng, ăn giòn, sản lượng cả triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên vừa qua, thông tin táo Fuji được trồng bằng công nghệ bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhanh chóng quay lưng.
Được biết, chất bột trong các bọc nhựa chính là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen). Nhiều nông dân Trung Quốc trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu này.
Tháng 3 năm 2012, cơ quan chức năng ở Trung Quốc đã tịch thu 200 triệu túi nhựa độc hại trên và ra lệnh cấm sử dụng phương pháp ủ trái cây này. Song, một lượng lớn các túi nhựa như thế vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho các nông trại trồng táo.
Được biết, trong thành phần nguyên liệu sản xuất túi nhựa có cả thuốc trừ sâu pha loãng với nước. Nhưng trên bao bì của túi nhựa ghi chú là “túi chỉ dùng bọc táo” chứ không có cảnh báo về thành phần thuốc trừ sâu bên trong.
Nho Trung Quốc có lượng hóa chất vượt ngưỡng:
Khoảng đầu tháng 7 năm 2012, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) đã lấy 104 mẫu trái cây, rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác đang lưu hành trên thị trường Việt Nam để phân tích chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua kiểm tra, đã phát hiện 3 mẫu trái cây, rau củ đều của Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó, 2 mẫu nho Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng chất difenoconazole vượt ngưỡng 3 – 5 lần.
Nho này được nhập từ Trung Quốc, đựng trong những thùng xốp rồi vận chuyển qua cửa khẩu Lào Cai vào Nam rồi về chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM) sau đó được đổ xuống Đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt, nho được bày bán ngoài trời nắng suốt ngày nhưng vẫn không hư hỏng. Các cơ quan chức năng nghi ngờ có điều này là do hóa chất bảo quản.
Cách nhận biết một số loại quả Trung Quốc
1. Táo:
Thông thường táo nhập từ Châu Âu, Mỹ, hay Newzeland có màu đỏ sẫm, có nhiều sọc đốm sẫm trên quả chạy theo từng thớ dọc từ cuống quả xuống dưới đáy. Còn táo Trung Quốc do được trồng ở vùng khía hậu Châu Á có địa chất, thổ nhưỡng khác hoàn toàn nên màu thường có là màu phấn hồng, hồng nhạt.
Và khi bổ ra một quả táo Newzeland có mùi thơm đậm đặc, còn táo Trung Quốc gần như không có mùi gì, lòng quả táo Newzeland có màu vàng, còn táo Trung Quốc lòng có màu vàng trắng. Táo nhập từ Châu Âu có độ ngọt, độ thơm khác hẳn, táo Trung Quốc ăn thường xốp hơn, độ ngọt có vị lợ lợ.
2. Cam:
Cam Trung Quốc ngoài bề mặt thường có độ bóng rất cao và dính, có màu vàng sẫm, loang lổ, không đều có thể do sử dụng các hoá chất kích thích tạo màu. Trong khi đó một quả cam Úc có màu vàng đều từ đầu đến chân quả cam.
Khi bổ ra ăn, cam Úc có vị ngon, thơm, nhưng cam Úc thường bị khô ở đầu quả, ít nước hơn, lòng quả cam có màu vàng sẫm tương đương màu vỏ. Còn cam Trung Quốc khi bổ ra lòng có màu vàng nhạt, so với cam Úc thì màu vàng này nhạt hơn rất nhiều.
Nước được vắt từ một quả cam Úc được ít hơn rất nhiều so với nước vắt từ một quả cam Trung Quốc, thường chỉ bằng một nửa so với cam Trung Quốc. Nước vắt từ cam Úc cũng có màu vàng đậm hơn, mùi nước thơm vừa phải, vị ngọt, còn nước vắt từ cam Trung Quốc vàng nhạt, mùi hăng hắc.
3. Cherry:
Với cherry thì khó nhận biết hơn một chút, nhưng cherry Úc có màu đỏ đậm hơn một chút, ăn giòn và ngọt, còn cherry Trung Quốc ăn có vẻ nhũn hơn, vị nhạt hơn, lợ hơn…
Theo Đại Kỷ Nguyên