Bỏ thế độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho mua điện trực tiếp từ nhà máy
Mới đây, ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công Thương khẳng định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện không còn giữ vai trò độc quyền trong trong khâu mua buôn điện. Thay vào đó có thêm 5 Tổng Công ty điện lực tham gia mua điện trên thị trường điện.
Theo báo Thanh Niên, đây là thông tin do ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công Thương cung cấp trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội diễn ra vào chiều ngày 9/11 vừa qua.
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết 55, Bộ Công thương đã tiến hành xây dựng Quy hoạch điện VIII bảo đảm cân đối cung cầu, cơ cấu các nguồn điện và vùng miền. Đặc biệt, chú trọng xây dựng bán buôn điện cạnh tranh và thị trường phát điện.
Vì sớm triển khai thị trường phát điện cạnh tranh nên đến nay đã có 70% nguồn điện do công ty cổ phần, tư nhân sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, sau khi vận hành thị trường mua bán điện cạnh tranh thì EVN đã không còn là đơn vị duy nhất độc quyền mà có thêm 5 tổng công ty tham gia vào mua bán điện trên thị trường.
Theo báo Lao Động, trước đó cựu Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng từng nói chi tiết về vấn đề độc quyền của EVN.
Cụ thể, ông Tuấn Anh cho biết, thị trường điện lực cạnh tranh phát triển qua 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh; bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh.
Trên cơ sở quy định tại Luật Điện lực, Bộ Công Thương đã đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào vận hành trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2018, vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh từ ngày 1/1/2019.
Kết quả là hiện nay, khâu phát điện và khâu mua buôn điện đã vận hành theo cơ chế thị trường, tạo môi trường minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện.
Về cạnh tranh trong khâu phát điện, ông Tuấn Anh cho biết, số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường điện đã tăng. Năm 2012 chỉ có 32 nhà máy điện với tổng công suất là 9.200MW tham gia thị trường điện nhưng đến năm 2020 con số đó đã tăng lên thành khoảng 100 nhà máy điện.
Về cạnh tranh khâu mua buôn điện, ông khẳng định rằng EVN không còn giữ vai trò độc quyền trong khâu mua buôn điện, thay vào đó có thêm 5 Tổng Công ty điện lực tham gia mua điện trên thị trường điện, cũng như trực tiếp ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, hiện Bộ Công thương đang tiếp tục xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bước đầu là thực hiện mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng.
Hiện cơ chế này đã được trình Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm từ nay đến năm 2025. Đồng thời trình Chính phú và Quốc hội cho luật Điện lực để tư nhân có thể đầu tư vào phân khúc truyền tải điện.
Yên Yên (t/h)