Bỏ nghề, thầy giáo lên SG chạy Grab kiếm tiền chữa thận cho vợ
Từ bỏ công việc làm nhà giáo, anh Thành phải hy sinh lên Sài Gòn để tiện chăm sóc cho vợ chạy thận và đứa con trai ăn học tử tế. Dù cực khổ và nhớ nghề đến đâu, anh chỉ biết gạt nước mắt trấn an bản thân mà cố gắng đến cùng.
Sống trong một căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 20m² nhưng phòng anh Thành chất đầy đồ đạc của gia đình, chủ yếu là đồ cũ xin từ bệnh viện mà chạy thận cho chị Trần Thị Đức (40 tuổi) và đồ của những bệnh nhân khác cho. Món quý giá nhất của cả gia đình có lẽ là cây đàn piano vừa được một MC truyền hình tặng con trai anh chị để tự tập nhạc. (cháu Nguyễn Minh Nhật, 15 tuổi)
Được biết, cháu Nhật đang tập trung ôn thi chuyển cấp, thấy khách đến em liền đứng dậy lễ phép khoanh tay chào rồi lại tiếp tục vùi mình vào sách vở. Cả ba và mẹ của Nhật ngày trước đều là giáo viên dạy Toán ở đảo Nhơn Lý.
Chẳng may vừa sinh Nhật xong, chị Đức phát hiện mình bị thận rất nặng nên vài năm sau đó cũng nghỉ dạy ở trường, ngoài thời gian đi chạy thận, chị dạy kèm ở trung tâm và dạy miễn phí cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Kinh tế trong gia đình lúc ấy toàn bộ phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi từ nghề giáo của anh Nguyễn Ngọc Thành (43 tuổi, bố Nhật). Ngót nghét đến nay, cũng đã là năm thứ 14 mình anh phải gồng gánh cả gia đình.
Đến cuối năm 2018, khi Nhật vào Sài Gòn thi Vòng giấu mặt của Giọng hát Việt nhí, chị Đức đi theo tái khám và phải theo điều trị tới nay ở Bệnh viện An Sinh. Để tiện chăm sóc vợ con, từ lúc đó anh Thành cũng xin nghỉ dạy để vào Sài Gòn chạy Grab.
Anh Thành cho biết, anh từng có 17 năm đứng trên bục giảng dạy Toán với niềm đam mê truyền đạt kiến thức cho các thế hệ học sinh. Ban đầu, anh gần như bị sốc khi phải nghỉ dạy để đi chạy Grab ở một thành phố xa lạ. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên đành cố chấp nhận.
Nhiều lúc nhớ nghề quá, anh chụp hết các bài toán ở những cuốn sách mà mình thích vào điện thoại, những lúc đứng chờ khách, anh lại mở ra xem cho đỡ nhớ nghề.
“Thật lòng mà nói nhiều khi đang chạy xe ngoài đường tôi cũng nhớ những lúc đứng trên bục giảng lắm. Tôi muốn quay trở lại với nghề, truyền đạt kiến thức cho học sinh, tối thì mở sách vở soạn giáo án. Nhưng vì cuộc sống nên tôi và gia đình cũng phải chấp nhận”. Từng câu nói của anh Thành như cứa vào tim gan người nghe.
Gương mặt hiền lành phúc hậu, anh Thành còn tâm sự về những khó khăn trong công việc hiện tại của mình: “Ngoài thời gian đưa vợ đi chạy thận, đưa rước con đi học thì tôi chạy Grab đến tận khuya mới về, vậy nhưng cũng chưa ngày nào vượt được mốc 300.000 đồng. Đó là tổng thu chưa trừ xăng, điện thoại. Cả gia đình phải tằn tiện lắm cũng không đủ xoay xở được cuộc sống ở đất Sài Gòn này”.
Trước đó, để kiếm được 1 căn nhà trọ mà ở cũng không dễ dàng gì. Cả gia đình anh chị phải chật vật mãi vì chủ nhà trọ nào cũng sợ chị Đức sẽ mất bất cứ lúc nào trong nhà trọ của mình.
Phần chị Đức từ ngày mổ biến chứng của bệnh thận ở cổ thì bị tụt canxi, không thể tự đi lại. Mọi hoạt động của chị đều phải được sự hỗ trợ từ chồng. Kể cả trở mình khi ngủ, chị cũng cần phải có chồng trợ giúp. Chị tâm sự: “Anh Thành cái gì cũng biết, duy chỉ có nấu ăn là có mình anh ăn được thôi. Vậy nên đến bữa là tôi ngồi võng, anh lặt rau rồi bê bếp ra để tôi nấu. Chiều Nhật đi học ôn thi chuyển cấp nên cả nhà trưa nào cũng phải ăn vội vàng”.
Anh Thành lúc nào cũng là người dọn mâm cơm cho cả gia đình, sau đó cũng chính anh là người dọn dẹp rửa chén. Xong việc, anh cũng chẳng kịp ngả lưng đôi chục phút mà lại tranh thủ ra đường chạy Grab. Dù chỉ là kiếm thêm vài chục ngàn dưới thời tiết nắng gắt, anh cũng không nản lòng mà chỉ lặng lẽ lau mồ hôi rồi lại tiếp tục kiếm tiền.
Được biết, chị Đức chạy thận ở Bệnh viện An Sinh vào chiều thứ 2,4,6 hằng tuần. Mỗi lần 4 tiếng. Mỗi lần như vậy, chiều đến anh lại chạy xe về dìu vợ ra xe, đội nón cho vợ. Thậm chí tự tay hâm đồ ăn cho nóng rồi bỏ vào hộp để vợ ăn khi chạy thận. Sự hi sinh và chăm chút cho vợ từng ly từng tí của anh nổi tiếng ở cả xóm trọ.
Nhìn chồng chạy Grab dưới trời nắng nôi, chị Đức cũng không đành lòng nên dù ngồi một chỗ, chị vẫn cố gắng bán hàng online để phụ chồng được cái gì hay cái đó. Các mặt hàng chị bán đều được lấy từ đảo Nhơn Lý (Bình Định). Chị bày tỏ: “Vì tôi mà bây giờ ông xã phải nghỉ dạy để vào trong này làm chạy Grab, kiếm tiền nuôi gia đình và chăm sóc cho tôi. Đó là sự hi sinh rất lớn của ông xã, tôi thấy rất đau lòng vì những điều đó, nhưng không còn cách nào khác, chỉ biết sẽ cố gắng để xứng đáng hơn với vì tình yêu mà hai cha con đã dành cho mình thôi”.
Trên tay chị Đức chằng chịt các vết mổ để chạy thận. Ở gần cổ tay chị cũng bị một khoảng máu bị đông nhưng chưa có tiền để mổ. Để thêm một thời gian nữa có thể tay của chị sẽ bị hoại tử. “Bác sĩ nói chi phí hết khoảng 10 triệu, mà nhà tôi chưa đủ tiền nên tôi cũng không hối chồng vì sợ anh áp lực”, chị Đức tâm sự.
Anh cũng là một người cha rất mực thương yêu con cái. Mỗi ngày cứ đến 11 giờ, anh lại lật đật tắt app chạy về trường THCS Hà Huy Tập (Bình Thạnh) đón con trai đi học về.
May thay, Nhật cũng học hành rất giỏi, lại ngoan ngoãn và thương cha mẹ. Dù điểm học khá tốt nhưng Nhật lại rất sợ thi cấp 3 không đậu vào trường đăng ký sẽ lại càng thêm áp lực cho ba mẹ. Do đó, Nhật học ngày học đêm với mong muốn sẽ thi đậu một trường công lập. Ngoài thời gian học, Nhật cũng mong sẽ được đi hát các show đám cưới hoặc các chương trình khác để chia sẻ gánh nặng với ba.
Nhật thật thà chia sẻ: “Ngày nhỏ em ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng lớn hơn một chút em hiểu được, bệnh của mẹ là chỉ có thay thận mới khỏe mạnh, mà muốn thay thận thì phải có tiền. Em ước mơ dùng giọng hát của mình đi hát kiếm tiền để có tiền thay thận cho mẹ”.
Cô Bùi Thanh Hoa (giáo viên Văn của Nhật) khi biết tin về gia đình Nhật cũng tỏ ra xúc động: “Khi thấy có Nhật chuyển về, tôi chỉ biết em chuyển từ Bình Định về, chứ không hề biết về hoàn cảnh của em, chỉ ấn tượng là một cậu trai sáng láng, khôi ngô, hiền lành. Tuy nhiên, khi giảng dạy, tôi nhận ra trong cách hành văn, đặc biệt là về các đề tài tình cảm gia đình, Nhật rất có chiều sâu, chín chắn, đúng như một người đã từng trải khó khăn và mất mát. Em có khiếu văn và còn viết chữ rất đẹp nữa”.
Em Nguyễn Thái Bảo Hân, bạn thân nhất của Nhật ở lớp 9/4, chia sẻ: “Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng khi mới vào lớp bạn Nhật không u buồn hay rụt rè gì hết. Bạn rất hòa đồng với các bạn trong lớp. Khi đã thân hơn với lớp thì bạn cũng chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình cho tụi em biết. Em có xem chương trình Giọng hát Việt nhí và biết sơ qua nhưng không nghĩ hoàn cảnh của bạn lại khó khăn đến tận bây giờ. Lúc đó thì em chỉ biết nói chuyện với bạn nhiều hơn để bạn đỡ buồn”.
Bảo Hân cũng cho biết, Nhật không chỉ hát hay mà còn học rất giỏi các môn toán, văn, vật lý và thường xuyên chỉ bài cho các bạn trong lớp.
Anh Thư (bạn cùng lớp với Nhật) cũng cho biết: ”Bình thường đi học Nhật rất là khó khăn nhưng không hề tỏ ra mình thiếu thốn. Khi mà biết hoàn cảnh của bạn, tụi em cũng không giúp đỡ được gì nhiều về vật chất cho Nhật. Hy vọng sau khi chia tay cấp 2, Nhật sẽ đậu vào trường mong muốn và có cuộc sống ổn hơn. Mong là mẹ của bạn Nhật đỡ bệnh để đi cùng bạn trong chặng đường tiếp theo”.
Cô Nguyễn Phương Ý Nhi (giáo viên dạy tiếng Anh của Nhật) cũng xúc động chia sẻ: “Nhật học giỏi đều các môn, trong đó có tiếng Anh. Trong lớp, em rất ngoan, không bao giờ nói chuyện riêng. Em rất chú ý nghe thầy cô giảng bài, thường xuyên phát biểu. Hầu như tiết nào tôi cũng gọi em lên để sửa bài mẫu cho các bạn”.
Chúc Di (t/h)
Xem thêm: