“Bố hờ” đã ứng xử như thiên thần với cô bé tự kỷ trên chuyến bay
Đừng ngại khi bạn cho đi ai đó một cách vô điều kiện, bởi điều bạn làm có thể thay đổi cuộc đời của họ. Như trong chuyến bay đặc biệt của cô bé tự kỷ dưới đây, chỉ hành động nhỏ của người đàn ông xa lạ, đủ để lại một điều ấm áp và biết ơn sâu sắc trong trái tim của người mẹ và đặc biệt là với cô bé Kate.
Năm ngoái, trên chuyến bay về nhà sau khi dạo chơi ở Disneyland, cô bé Kate đang ngồi cùng mẹ Shanell Mouland. Mẹ để cô bé ngồi ghế ngoài chứ không ngồi gần cửa sổ, vì em có tật hay đẩy cửa sổ lên xuống. Mẹ sợ cô bé nghịch ngợm làm phiền những hành khách khác.
Khi khách lên gần đầy máy bay, ai cũng chọn ngồi cách xa Kate, vì… Vâng! Cô bé là một đứa trẻ tự kỷ. Duy chỉ có một anh chàng mặc một bộ đồ vét và mang một chiếc vali tới ngồi gần cô bé.
Kate nhìn thấy có chàng trai ngồi cạnh mình thì liên gọi anh là “Bố”. Mẹ cô bé chỉ mong anh không phiền lòng và mặc kệ cô bé. Tuy nhiên, anh đã cư xử tuyệt vời hơn rất nhiều.
Trong suốt chuyến bay, anh đã chăm sóc Kate. Anh trả lời từng câu hỏi của cô bé về mấy con rùa và cho cô bé xem iPad của mình. Nhờ có anh, Kate đã có chuyến bay tuyệt vời nhất từ trước đến giờ.
Điều này khiến cô Mouland viết thư cảm ơn cho anh – một người xa lạ chỉ tình cờ gặp một lần. Bức thư được chia sẻ khắp nơi và ngay sau đó cư dân mạng đã có thể tìm ra chàng trai lạ mặt đó. Lá thư viết:
“Gửi ‘Bố’ thân mến’,
Tôi không biết tên của cậu nhưng trong cả chuyến bay tuần trước Kate đã gọi cậu là Bố và cậu cũng không hề bảo rằng bé đã gọi sai. Thực tế, cậu thậm chí không hề lúng túng vì dường như cậu nhận ra là con bé không nhầm lẫn mình với bố ruột của nó, mà tiếng Bố này chỉ thể hiện mức độ thân thiện của con bé đối với cậu. Nếu con bé gọi cậu là Bố thì hãy tin rằng con bé đang muốn có thể thân thiết với cậu.
Tôi để Kate ngồi ở ghế giữa, và biết rõ rằng sẽ có một người lạ ngồi bên cạnh con bé trong suốt chuyến bay này. Tôi đã phải quyết định như vậy vì con bé luôn ám ảnh về việc đóng và mở cửa sổ, tôi nghĩ con bé có thể sẽ bớt chú ý hơn nếu ngồi ở giữa. Tôi quan sát cả đội bóng rổ Temple trên máy bay và tự hỏi liệu một trong những anh chàng cao to này có thể ngồi cạnh Kate không. Tất cả đều không có ai muốn. Con bé sẽ rất vui, nó có thể sẽ tò mò và gây ra chút phiền toái, nhưng nó sẽ thích những cầu thủ đó. Tôi đã chờ đợi nhóm phụ nữ lớn tuổi và hy vọng có người phụ nữ nào đó ngồi vào ghế nhưng họ đều đi lướt qua. Trong một khoảnh khắc, tôi nghĩ chỗ ngồi bên cạnh chúng tôi sẽ bỏ trống nhưng sau đó cậu đã đến và ngồi xuống với chiếc cặp và những giấy tờ quan trọng; tôi đã tưởng tượng tới cảnh Kate làm đổ nước lên các hợp đồng hàng triệu đô la, giấy tờ nhà, hoặc bất cứ vật dụng của cậu. Khoảnh khắc cậu ngồi xuống, Kate bắt đầu xoa tay cậu. Áo khoác của cậu mềm mại và con bé thích cảm giác đó. Cậu mỉm cười với nó và con bé đã nói: “Chào bố, đó là mẹ của con”. Sau đó, con bé đã có cậu bên cạnh.
Cậu có thể thay đổi chỗ ngồi, có thể làm ngơ con bé, hoặc có thể quăng cho tôi một ‘nụ cười’ ngụ ý nhắc nhở rằng: “Hãy quản lý con mình”. Nhưng cậu đã không làm như vậy. Cậu trò chuyện với Kate và hỏi con bé về những chú rùa của nó. Nó có thể không trả lời được những câu hỏi nhưng con bé đã yêu thích cậu nhiều đến nỗi nó luôn nhìn vào mắt cậu và tập trung vào những thứ mà cậu hỏi nó. Tôi đã nhìn thấy và mỉm cười. Tôi định giúp chuyển hướng chú ý của con bé để nó không làm phiền cậu, nhưng cậu không cần.
Kate: (Khi nhận thấy cậu có một chiếc iPad) Đó là máy tính của bố à?
Cậu: Đây là iPad của bố. Con có muốn xem không?
Kate: Cho con hả?????? (Tôi biết nó đang nghĩ rằng cậu đưa cho nó để nó giữ)
Tôi: Kìa, Kate. Đó không phải của con.
Kate: Nó đẹp quá!
Cậu: (Khi nhận ra Kate cũng có iPad) Bố cũng thích máy tính của con. Nó có vỏ màu tím rất đẹp.
Kate: Bố muốn làm kẻ xấu không? (Bạn của tôi, nếu con bé đưa Shredder của nó cho cậu, đó là một lời khen thực sự)
Cậu: Ngầu đấy.
Sự tương tác cứ tiếp diễn và cậu không bao giờ có vẻ khó chịu. Con bé đã để cho cậu yên một lát trong khi nó chơi với búp bê Anna và Elsa. Thật tốt là nó không bắt cậu phải chơi búp bê cùng, nhưng tôi nghĩ là cậu cũng sẽ không phiền. Tôi đoán là cậu cũng có con gái nhỏ rồi.
Không lâu trước khi hạ cánh, Kate đã đến giới hạn của mình. Con bé hét lên đòi cởi dây an toàn, la hét đòi tôi mở cửa máy bay và nó khóc liên tục: ‘Máy bay bị đóng rồi’. Cậu đã cố gắng chuyển sự chú ý của con bé vào những món đồ chơi. Đến lúc này, con bé đã vượt quá giới hạn chịu đựng rồi, nhưng thực tế việc cậu cố gắng giúp người bạn nhỏ làm tôi rất xúc động.
Nếu như cậu có lo lắng, thì yên tâm, con bé đã ổn khi chúng tôi xuống máy bay. Cảm ơn đã cho chúng tôi đi trước. Con bé cảm thấy bị choáng ngợp, cho nên được ra khỏi máy bay và được ôm một cái thật chặt, là tất cả những gì nó cần.
Xin cảm ơn. Cảm ơn cậu đã không khiến tôi phải lặp lại những câu xin lỗi kinh khủng mà tôi thường hay phải nói trước mọi người. Cảm ơn vì đã giúp Kate vui vẻ đến nỗi đó là chuyến bay tốt đẹp nhất của nó. Và, cảm ơn vì đã cất hết giấy tờ đi và chơi đùa cùng con gái của tôi”.
Bức thư nhanh chóng lan truyền và ngày hôm sau đã đến được với “người bố ở ghế 16c”. Đã một năm trôi qua và giờ họ đã biết anh chàng này là ai. Tên của anh ấy là Eric Kunkel đến từ New Jersey, anh ấy đã lập gia đình và đã có con. Từ đó anh đã trở thành bạn tốt với gia đình Mouland.
Nhờ một người lạ mặt, cô bé đã có một chuyến bay tuyệt vời đáng nhớ. Và cũng thật may mắn khi gặp được những người như “người bố ở ghế 16c”.
>>> Lá thư của một người phụ nữ dạy chúng ta bài học về ý nghĩa cuộc sống
>>> Lá thư gửi kẻ trộm của cô bé 8 tuổi, đây là lý do vì sao ai cũng thích trẻ em
Xuân Nhạn, theo boreddaddy