Blog: Sự Quan Trọng của Những Khoảnh Khắc
Bài viết này là một trong những chủ đề mà tôi ngâm lâu nhất bởi muốn nói mà có quá nhiều điều để chia sẻ chẳng biết nên chọn lọc cái gì để trình bày.
Tôi có 3 đoạn chính trong bài viết này – không hẳn là do tôi viết hoàn toàn:
– 1 trong số đó chỉ là các câu nói góp nhặt trên Internet.
– 1 trong số đó là câu chuyện thật mà tôi ghi lại.
– 1 Trong số đó là chuyện tôi viết.
Chúng được tôi trình bày sắp xếp lại thành 1 đề tài xuyên suốt để kể thành mạch truyện trong cái hiểu của tôi. Tôi nghĩ tất cả khi hòa trộn sẽ thích hợp cho 1 kịch bản hay sau này nếu tôi có thể dùng khi thích hợp…
Câu Chuyện Thứ 1:
Hãy Tha Thứ Cho Người Lớn…
Là một câu chuyện buồn và có thật trong tuần trước, nhưng tôi kể về nó với một cái nhìn đầy hy vọng. Nếu ai từng đọc qua phiên bản của Blog này ở Yahoo thì hẳn biết về chuyện tôi từng phát ngôn rằng:
“Đối với tôi, những người yêu nhau và đi đến hôn nhân đã là những người rất can đảm rồi.”
Đúng vậy đấy, nhưng còn một chuyện nữa quả là “can đảm và chịu đựng” hơn rất nhiều lần sau câu nói đó nữa là việc: Một đứa trẻ ra đời. Ai thì tôi không biết – bản thân tôi sợ khi nghĩ đến điều đó – không phải tôi sợ việc một đứa trẻ ra đời – mà sợ mình sống chưa đủ để hiểu hết những giá trị và chưa chuẩn bị đủ tốt để truyền đạt chúng tới một đứa trẻ cho đúng. Người ta nói khi một đứa trẻ ra đời thì có hai người khác cũng được sinh ra – đó là người cha và người mẹ. Khoảnh khắc đó là khoảnh khắc mà họ nhận lấy trách nhiệm thiêng liêng đó khi đã tạo ra một con người mới đến với thế giới này.
Chỉ tiết rằng, không phải ai cũng hiểu được điều đó – chưa chuẩn bị đủ tâm lý thì đừng sinh con – điều đó thất đức lắm dù rằng là bỏ nó ngay từ khi chưa thành hình hay cả khi đã sinh ra. Ngày nay, họ – những người có thể sẽ – đang làm cha làm mẹ lại quên đi điều đó chỉ vì thế giới ngày càng gần hơn với chủ nghĩa cá nhân. Họ chỉ biết sinh ra 1 đứa trẻ và rất ít có thời gian dành cho nó. Trách nhiệm được hiểu rất lệch lạc hoặc coi điều đó trở thành sợi dây trói buộc họ khiến họ tù túng trong không gian cá nhân dành cho riêng mình – cái không gian mà lẽ ra giờ này họ phải được tung tăng dạo phố cùng bạn bè… giờ này lẽ ra mình đang bên bàn nhậu cùng đám bạn… giờ này lẽ ra đang phải ở nơi nào đó nghĩ mát hay du lịch rồi thì lại phải ở đây chăm sóc đứa trẻ. Nghiễm nhiên dù không cố ý, nhưng từ những điều rất nhỏ phiền toái đó… họ bắt đầu coi đứa trẻ trở thành cục nợ nào đó mà họ trót sinh ra chỉ vì phút ham vui không kịp giữ mình.
Mỗi ngày một chút, cái của nợ đó cứ bắt họ phải dỗ dành bồng bế và chẳng nghe theo lời họ gì cả, nó cứ khóc suốt. Và họ thấy thật là đáng thương cho mình, họ bắt đầu ước rằng nó chưa từng được sinh ra nó quá phiền phức. Họ mắng nhiếc nó, họ đánh nó – dù đứa trẻ chẳng thể nghe – chẳng thể hiểu điều gì hết – nó chỉ là đứa trẻ vài tháng tuổi. Còn họ: Có thể chỉ là những đứa trẻ lớn xác mà thôi.
Mỗi ngày một chút, làm thành cái không còn là một chút:
Cái khoảnh khắc mà vô tình hay cố ý… hay chỉ là phút nóng giận lỡ tay nhất thời thôi…
Cái khoảnh khắc mà đứa trẻ từ trên tay họ… rơi xuống…
Có lẽ sẽ ám ảnh mãi mãi…
Dù là vô tình hay cố ý… hay chỉ là phút nóng giận nhất thời… đều không thể xóa bỏ được.
Khi tôi viết những dòng này, tôi hy vọng rất nhiều về một tương lai tương đẹp mà em sẽ có được. Tôi hy vọng em sẽ sống và nhớ đủ những gì cần nhớ, quên đi những gì cần quên! Khoảnh khắc ý nghĩa nhất là khoảnh khắc em đã may mắn tồn tại ở thế giới này. Khi em lớn… Hãy tha thứ cho những người lớn em nhé!
– Hãy cẩn thận với những ý nghĩ của bạn, vì bạn sẽ nói chúng.
– Hãy cẩn thận với những lời nói của bạn, vì bạn sẽ thực hiện chúng.
– Hãy cẩn thận với những hành động của bạn, vì chúng sẽ là thói quen của bạn.
– Hãy cẩn thận với những thói quen của bạn, vì chúng sẽ là cá tính của bạn..
– Hãy cẩn thận với những cá tính của bạn, vì chúng sẽ quyết định số mệnh của bạn
Câu Chuyện Thứ 2:
Đồ vật là để sử dụng, Con Người là để yêu thương…
Trong khi 1 người đàn ông đang chăm sóc chiếc xe của ông ta, thì đứa con trai lớn 4 tuổi của ông ta nhặt lên 1 viên sỏi và vẽ nhiều đường lằn lên phía bên kia cạnh chiếc xe của ông ta.
Trong lúc giận dữ, người đàn ông đó đã nắm lấy bàn tay của đứa con và đánh mạnh nhiều lần mà không nhận rằng ông ta đang dùng 1 cái cờ lê vặn vít để đánh
Kết quả là trong bệnh viện, đứa con trai của ông ta đã mất đi hết các ngón tay của mình do quá nhiều chỗ gãy.
Khi đứa con trai nhìn thấy đôi mắt bố mình biểu lộ sự đau đớn, đứa bé bèn hỏi: “Bố ơi ! Khi nào các ngón tay của con mới có thể mọc trở lại ?”
Người đàn ông cảm thấy rất đau đớn và không nói được lời nào; ông ta trở lại chiếc xe của mình và đá nó thật nhiều.
Trong khi đang bị lương tâm dằn vặt và đang ngồi đối diện phía hông của chiếc xe đó, ông ta chợt nhìn thấy những vết xước do chính đứa con trai của ông ta đã vẽ – dòng chữ rằng: “Bố ơi! Con yêu Bố nhiều lắm!”
Cơn giận và Tình yêu không bao giờ có giới hạn; nên xin hãy chọn Tình Yêu để được 1 cuộc sống tươi đẹp và đáng yêu, và xin hãy nhớ điều này :
Đồ vật thì để sử dụng, còn con người thì để yêu thương.
Vấn đề của thế giới ngày nay thì ngược lại : con người thì để sử dụng, còn đồ vật thì để yêu thương.
Câu Chuyện Thứ 3:
Sự Quan trọng Của Từng Khoảnh Khắc
Một đứa đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng ở một vùng quê, được một ông lão nuôi dạy bằng tất cả tình yêu thương và những điều cao đẹp nhất, ông giữ cho nó một tâm hồn thuần khiết những điều lương thiện. Nhiều năm sau, trước khi ông biết mình sẽ không thể cưu mang đứa trẻ lâu hơn, ông đã đăng tin và chọn được gia đình tử tế ờ thành phố nhận nuôi nó.
Hành trình của hai ông cháu là một quảng đường mà đứa trẻ nhận ra rằng thế giới này sao quá khác với những điều ông đã dạy mình. Dù vậy, nó vẫn là đứa trẻ và chưa nhận thức được mặt trái của cuộc sống trần trụi như thế nào. Ông lão đã, bằng mọi cách giải thích theo những khía cạnh khác để nó luôn nhìn được mặt tích cực. Để rồi cuối cùng ông phải hy sinh vì để bảo vệ niềm tin cho đứa trẻ về một thế giới luôn tồn tại những điều tốt đẹp.
Người nhà nhận nuôi đứa trẻ đã hỏi ông rằng: Sự hy sinh đó là đáng sao? Khi mà rồi đây khi nó lớn – nó cũng sẽ hiểu ra mọi thứ chỉ là dối trá, thế thì ông bỏ mạng để bảo vệ nó vì điều gì?
Ông già đã đáp: Sự quan trọng là ở những khoảnh khắc lớn lao như thế, một quyết định sai lầm có thể sẽ là một ngả rẽ làm người ta đi lạc lối cả đời. Một đứa trẻ có thể chỉ nhìn thấy và hiểu theo cách phiến diện những điều mà nó chưa thông suốt hết sẽ là một tai hại. Khoảnh khắc đó không còn quan trọng với tôi nhưng khoảnh khắc mà tôi bảo vệ cho nó cái niềm tin ấy… quan trọng đối với nó. Khi lớn lên nó sẽ hiểu…
Bạn thấy đấy, đối với tôi những kẻ yêu nhau và đi đến hôn nhân đã là rất can đảm và một lần nữa tôi nhắc lại: Nhận chăm sóc và hy sinh cho một đứa trẻ lại là sự can đảm đến khủng khiếp. Bạn có thấy khó khăn qua từng giai đoạn như thế nào để nuôi lớn – bảo vệ – dạy dỗ một con người – từ một sinh linh bé hơn cả hạt gạo trưởng thành đến như hôm nay không? Sao còn không biết bày tỏ sự đền đáp của mình tới những người đã chăm sóc bạn vô điều kiện như thế – sao chưa nói lời cảm ơn họ hay ít nhất là những hành động thể hiện điều đó – đến những bậc cha mẹ đúng nghĩa nhất.
Sự quan trọng của những khoảnh khắc chính là luôn sống và giữ trong mình tình yêu thương, ghi nhớ mỗi phút trôi qua thật sự đáng giá để suy nghĩ và hành động đúng đắn. Bởi chúng ta sẽ không biết được rằng lúc nào chúng ta sẽ sơ suất hoặc sẽ quyết định sai lầm. Vậy thì… Chẳng có khoảnh khắc nào là quan trọng nhất, bởi mỗi tích tắc trôi qua đều đáng giá chỉ có khoảnh khắc chúng ta ngập tràn trong cảm xúc của mình và dù có là mãn nguyện trong hạnh phúc tột cùng hay hối hận với niềm đau đớn khôn nguôi thì đó chính là những khoảnh khắc sâu đậm nhất, ám ảnh nhất.
Lời Kết:
Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh. Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… tất cả với chúng ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này.
Vậy điều gì là thật sự quan trọng trong cuộc sống?
Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã chân thành đóng góp cho tha nhân.
Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi.
Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng.
Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác.
Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách – là những gì mà bạn đã cư xử với mọi người xung quanh.
Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà bạn đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hỷ hay một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã.
Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương bạn.
Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn (tốt hay xấu).
Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời.
Mục đích và ngụ ý lớn nhất của chủ đề này là tôi muốn người khác nhìn nhận vấn đề theo cái thật của nó và hướng tới những giá trị khiến mình cảm thấy từ những câu chuyện buồn đó nhìn ra được những điều hạnh phúc mà chúng ta may mắn còn có được hãy trân trọng và gìn giữ vì (chứ không phải nhìn theo hướng đau buồn bi lụy để mất đi hết ý nghĩa mà tôi muốn truyền tải). Hãy đón nhận nó trong một cảm giác bình yên và tận hưởng, và cảm ơn cuộc đời này vẫn còn ý nghĩa để tiếp tục phấn đấu.
Sưu tầm từ blog của Henry Long Nguyen