Bàn là con gà giá vài trăm tỷ và giấc mộng đổi đời
(PLO) -Tin đồn thu mua “bàn là (ủi) than con gà” làm từ đồng lạnh thời Pháp thuộc được giới buôn đồ cổ phát đi đang tạo thành “cơn sốt” trên mạng xã hội, trang web mua bán. Biết tin, nhiều người đã bỏ công việc hàng ngày để đi thu mua “báu vật” bán cho giới buôn đồ cổ với mong muốn đổi đời. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp phải nhận “quả đắng”…
Người dân không nên quá tin vào những lời rao vặt ác ý để rồi ôm hận.
Mua phải đồng… rởm
Anh Lê Xuân Thi (phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định) cho biết khi biết thông tin, anh đã dành phần lớn thời gian trong ngày để đi thu mua “bàn là con gà”. Thời gian đầu anh Thi đăng thông tin lên trang mạng xã hội để tìm nguồn cung nhưng sau đó anh được “mách nước” đi vào những gia đình ở vùng quê Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh để tìm hỏi mua. Ba địa điểm này là cái nôi của đồng lạnh thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, sau hơn hai tháng lặn lội tìm kiếm, anh Thi chỉ tìm và gạn mua được một chiếc nhưng chất lượng sản phẩm thì vẫn chưa được thẩm định.
Là dân lao động chân tay nhưng có quan hệ tốt với dân chơi đồ cổ miền Bắc, anh Nguyễn Văn Hoàng, (Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết: “Tôi biết thông tin trên từ sau Tết Nguyên đán và cũng tìm mua được hai chiếc. Thế nhưng, để tìm mua được những chiếc “bàn là than con gà” bằng đồng lạnh từ thời Pháp thuộc thì cực khó. Đó là chưa kể khi tìm được sản phẩm nhưng người sở hữu không bán vì đồ đồng quý giá như thế phần lớn đã được sở hữu bởi những người đam mê đồ cổ, trừ trường hợp người dân không biết giá trị của nó”.
Nhiều người dân lao động đang bỏ việc để đi săn tìm “báu vật” này với mong muốn đổi đời nhưng đúng như những gì dự đoán công việc không khác gì “mò kim đáy bể”. Anh Vũ Đình Xuân, dân chơi đồ cổ xác nhận: “Cách đây ít lâu giới buôn đồ cổ có thuê người đi săn tìm “bàn là than con gà” nhưng không đem lại kết quả. Một số người đã mua phải đồng rởm, kết quả là mất trắng”.
“Đồng lạnh là dạng hợp kim có tính tản nhiệt cao. Sản phẩm được giới buôn đồ cổ, kim loại quý săn lùng. Thế nhưng, bên mua thuộc dạng “sành sỏi” về đổ cổ nên họ rất kén sản phẩm. Nếu là hàng giả họ nhìn sẽ phát hiện ngay, với hàng thật họ cũng chỉ mua với số lượng khiêm tốn. Hơn nữa, trước khi mua phải trải qua nhiều khâu thẩm định giá, chất lượng” – anh Quân, (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) – người có kinh nghiệm chơi đồ kim loại quý hơn 10 năm bật mí.
Nhận “quả đắng”
Do tính chất công việc nên Lê Xuân Trọng (trú tại Hà Đông, Hà Nội) thường hay tham gia vào các diễn đàn mua bán, địa chỉ trang web rao vặt. Sau thời gian ngắn tìm hiểu về sản phẩm cũng như nhu cầu thị trường Trọng quyết định bỏ hơn trăm triệu để mua những chiếc “bàn là than con gà” về bán lại với giá cao. Để mua hàng thật giá rẻ Trọng tìm về những vùng thôn quê theo lời mách bảo từ những bậc tiền bối.
“Việc thu mua quá dễ dàng, giá mua vào chỉ vài chục triệu nhưng giá bán ra đến vài trăm triệu, thậm chỉ là cả tỷ đồng” – Trọng nói. Thế nhưng, sau khi rao bán đến nửa tháng trời mới có vài người hỏi mua. Yêu cầu của người mua rất cao. Bên cạnh cung cấp đồng lạnh chính cống từ thời Pháp thuộc, sản phẩm cần phải đủ họa tiết, hoa văn như khóa hình gà trống, mỗi bên có mười hai lỗ thông cùng họa tiết đan xen. Do không đạt chuẩn nên sản phẩm của Trọng không được thu mua dù đã qua tay gần chục người.
Cùng chung số phận nhưng bi đát hơn, anh Nguyễn Hữu Minh (trú lại phố Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Là người chạy xe ôm nên nghe hội bạn rủ nhau đi săn tìm “bàn là than con gà”, anh Minh đã thuyết phục vợ lấy số tiền tiết kiệm đi thu mua mặt “báu vật” về bán với mong muốn kiếm chút lời từ thương vụ kinh doanh. Tuy nhiên, anh Minh đã nhận được “quả đắng” khi mua phải hàng nhái. “Tôi hoàn toàn sụp đổ khi nghe tin từ người mua nói đây là hàng nhái. Thời gian đầu tôi không tin nhưng sau khi thuê người thẩm định thì biết đây đúng là hàng nhái”. Do thu mua tự nguyện từ vùng quê, không biên lai, không giấy tờ mua bán nên anh Minh đành ngậm ngùi.
Được biết, bên cuối cùng đứng ra mua sản phẩm là người từ nước ngoài, công ty chuyên buôn đồ cổ ở Việt Nam chỉ là bên trung gian để tìm mối. Để làm rõ hơn sự việc, chúng tôi đã tìm đến những làng nghề làm đồng làng Ngũ Xã (Hà Nội), được biết: Thời gian gần đây có một số người tìm đến đặt vấn đề chế tác bản nhái “bàn là than con gà”, người tìm đến lẻ tẻ, đặt làm với số lượng một vài cái. Tại làng nghề đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh) chúng tôi cũng ghi nhận một vài trường hợp tương tự. Ông Nguyễn Văn Cần cho biết: “Gần đây có khá nhiều người tìm đến đặt vấn đề làm nhái “bàn là than con gà”, người đặt nhiều lên đến chục chiếc, người đặt ít thì một đến hai chiếc. Giá mỗi sản phẩm nhái chỉ dao động vài triệu đồng đến chục triệu tùy chất liệu đồng khách yêu cầu…”.
Thiết nghĩ, thông tin trên mạng xã hội luôn mang tính rủi ro cao và việc một sản phẩm bằng đồng thật nhưng bán với mức giá “trên trời” thì quả là khó tin. Thông tin về “bàn là con gà” giá hàng trăm tỷ chỉ là đồn đoán, chớ tin vào đó mà “tiền mất tật mang!”./.
|
Theo Pháp Luật VN