Nữ sinh Hồng Kông tố cáo bạo lực tình dục ở Trung tâm giam giữ San Uk Ling
Mặc dù trung tâm giam giữ San Uk Ling (San Uk Ling Holding Centre) được tuyên bố đóng cửa, nhưng người dân Hồng Kông vẫn muốn truy cứu trách nhiệm trước hành vi bạo lực tình dục của cảnh sát, thông qua những cáo buộc của nữ sinh từng bị bắt vào trung tâm giam giữ này.
Nữ sinh Đại học Trung Văn từng bị bắt giam ở trại tập trung San Uk Ling, trong một buổi hội thảo đã tháo khẩu trang che mặt, khẩn thiết yêu cầu hiệu trưởng trường ra mặt lên án những cảnh sát Hồng Kông có hành vi bạo lực tình dục. Có học sinh quỳ xuống khẩn cầu, nhưng hiệu trưởng không có phản ứng.
Sinh viên khẩn thiết yêu cầu hiệu trưởng bênh vực sinh viên, lên án cảnh sát bạo lực tình dục
Hôm 10/10, Hiệu trưởng trường Đại học Trung Văn Hồng Kông là Đoàn Sùng Trí tại hội trường Thiệu Dật Phu tham dự cuộc gặp mặt các sinh viên trường. Một nữ sinh viên từng bị bắt giam vào Trung tâm giam giữ San Uk Ling đứng dậy phát biểu và cho biết cô từng trải qua tình cảnh bạo lực thê thảm, nói xong cô tháo khẩu trang che mặt xuống và thỉnh cầu hiệu trưởng và các bạn cùng nhau lên án hành vi bạo lực của cảnh sát.
Nữ sinh cho biết: “Thưa hiệu trưởng, thầy có biết cảnh sát muốn đưa chúng em đi đâu không, họ muốn đưa đến phòng tối liền đưa đến phòng tối, muốn cởi đồ liền cởi đồ? Thầy có biết chúng em có người bị đặc cảnh dùng gậy đánh đến nhập viện không?
Thầy có biết phòng soát người ở San Uk Ling toàn màu đen? Thầy có biết không chỉ có một mình em bị bạo lực tình dục? Thầy có biết không chỉ có một gã cảnh sát xâm hại tình dục và ngược đãi những bạn khác bất kể giới tính? Thầy biết không lúc chúng em bị đánh, viên chức Hồng Kông lạnh lùng nhìn như không thấy? Thầy có biết tình trạng chúng em lúc đang bị giam giữ chẳng khác nào như con cá nằm trên thớt?”
Nữ sinh thỉnh cầu hiệu trưởng: “Em trân trọng tinh thần nhân văn của trường đại học trong việc thúc đẩy tác dụng lớn mạnh của các cuộc vận động xã hội, hy vọng thầy có thể thật lòng quan tâm đến sự an toàn của chúng em mà không khiển trách. Em cố lấy hết dũng khí để tháo bỏ khẩu trang che mặt, xin được hỏi thầy có thể cùng sinh viên đồng hành, lên án hành vi bạo lực của cảnh sát đối với sinh viên trong trường chúng ta hay không?”.
Tuy nhiên trong cuộc đối thoại này, Hiệu trưởng Đoàn Sùng Trí một mực từ chối lên án hành vi bạo lực tình dục của cảnh sát và chỉ nhắc rằng “lên án tất cả các hành vi bạo lực”.
Kể từ khi phong trào biểu tình ở Hồng Kông nổ ra, ông Đoàn Sùng Trí thường bị chỉ trích vì thái độ yếu mềm trước cảnh sát, khiến sinh viên bị cảnh sát tùy ý hãm hại, thậm chí đến lớp học bắt sinh viên đi.
Theo Đài phát thanh Học đường (CUHK), sau cuộc đối thoại này, Đoàn Sùng Trí không thể rời đi vì sinh viên và cựu sinh viên chặn đường. Một số học sinh xúc động phát khóc, thậm chí là quỳ xuống đất khóc to, nhưng Đoàn Sùng Trí vẫn phớt lờ, chỉ có hai vị hiệu phó đến an ủi. Cuối cùng, hiệu trưởng Đoàn buộc phải cam kết sẽ đưa ra bản thông cáo, nhưng không nhắc đến bản thông cáo có lên án hành vi bạo lực tình dục của cảnh sát hay không.
Ông Đoàn sau khi rời khỏi đã lên xe chuẩn bị rời đi, nhưng xe của ông bị sinh viên vây kín, buộc ông phải trở lại hội trường, đối thoại với sinh viên mà không có sự hiện diện của truyền thông.
Ông Đoàn sau đó đã hứa với sinh viên: “Nếu có ai đánh các em, chúng tôi nhất định sẽ bảo vệ các em”. Các sinh viên đều tán thành. Sau đó ông cũng cam kết với sinh viên 3 điều: Một là công bố lên án hành vi bạo lực và bạo lực tình dục của cảnh sát; hai là bảo vệ sự an toàn cho sinh viên bên trong trường học; ba là thành lập Đội phản ứng khẩn cấp với sự tham gia của sinh viên, để có thể trợ giúp và liên lạc ngay lập tức với sinh viên cần hỗ trợ.
Tin tức chưa xác thực cho biết, trong buổi đối thoại kín đó, sinh viên chỉ trích ông Đoàn Sùng Trí rằng nếu ông chịu đến cơ quan cảnh sát cùng sinh viên, hoặc cùng sinh viên đến tòa án thì bạo lực cảnh sát đã không leo thang như hôm nay, cảnh sát cũng sẽ không bắt giữ sinh viên ngay tại trường học.
Tin tức này cũng cho biết, Đoàn Sùng Trí khóc và ôm lấy sinh viên đang khóc, nói rằng “cũng là con người mà”.
Nghi vấn tại trung tâm giam giữ San Uk Ling
Theo tin trước đó, những người biểu tình bị bắt sẽ bị đưa đến trại tập trung San Uk Ling. Nhiều cáo buộc cho thấy cảnh sát đã dùng bạo lực gây thương tích cho người bị bắt giữ.
Một người biểu tình bị thương ở sự kiện ga Prince Edward cho biết hôm 28/9: “Thực tế là trại tập trung San Uk Ling không có camera giám sát, phòng soát người thì màu đen với ánh sáng mờ mờ, tại sao cảnh sát lại bố trí như thế này? Tôi không hiểu”.
Một nữ học sinh bị bắt hôm 31/8 ở ga Prince Edward cũng cho biết: “Họ không điều động nữ cảnh sát giúp tôi, mà sai nam nhân viên phòng CID (Trinh sát điều tra hình sự) trói tôi, nhưng người nam đó khi trói tôi lại đã sờ vào ngực tôi”.
Thời gian gần đây, chính phủ Hồng Kông tuyên bố sẽ đóng cửa Trung tâm giam giữ này nhằm xua tan những nghi ngờ về tra tấn và ngược đãi, nhưng có tổ chức dân sự tiết lộ rằng Chính phủ có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo cảnh sát chống khủng bố quy mô lớn nằm ngay sát bên San Uk Ling.
Chính phủ muốn xây dựng “trại cải tạo lao động” như Tân Cương?
Đài RFA đưa tin, tháng 2/2016, Chính phủ Hồng Kông đã gửi Ủy ban Tài chính của Hội đồng Lập pháp một tài liệu có tên “Thị trấn mới và phát triển đô thị”. Đáng chú ý là tài liệu này có hạng mục “Dự án cơ sở hạ tầng và mặt bằng đất đai cho cơ sở cảnh sát Kong Nga Po”.
Theo thông tin, bản vẽ kế hoạch do Chính phủ đệ trình năm 2016 cho thấy các cơ sở được xây dựng như khu đào tạo lái xe cảnh sát, địa điểm học lái, trường bắn quy mô lớn, sân bay trực thăng. Ngoài ra có những cơ sở chưa đề cập rõ mục đích như “Cơ sở huấn luyện súng”, “Tòa nhà huấn luyện nhiều tầng”, “Cơ sở đào tạo cảnh sát”.
Thông tin cho biết, thời gian đệ trình kế hoạch này trùng hợp với thời điểm ngày 8/7/2016 khi Cục Quản lý Nhà tù Quân đoàn Tân Cương đến thăm Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông. Sau đó vào cuối năm 2018, ông Khu Chí Quang – Cục phó Cục An ninh Hồng Kông cũng dẫn đầu một phái đoàn đến Tân Cương để khảo sát “cơ sở chống khủng bố”.
Gần đây, tổ chức phi chính phủ “Viện Nghiên cứu Bản địa” tại Hồng Kông cũng tiết lộ rằng chính phủ Hồng Kông có kế hoạch dành 19 hecta ở Kong Nga Po giáp với San Uk Ling để xây dựng “khu tập trung cơ sở đào tạo cảnh sát chống khủng bố”, tổng kinh phí khoảng 1,91 tỷ Đô la Hồng Kông. Căn cứ này theo tên gọi của Chính phủ là “Cơ sở huấn luyện chiến thuật cấp cao dành riêng cho chống khủng bố và các hoạt động chuyên nghiệp khác”.
“Viện Nghiên cứu Bản địa” đặt vấn đề rằng, tại Hồng Kông không có Osama Bin Laden, do đó cái mà Chính phủ gọi là “chống khủng bố” rõ ràng là nhắm vào hoạt động biểu tình của thị dân phổ thông.
Trước đây, chính phủ từng tuyên bố rằng tạm dừng hoạt động Trung tâm giam giữ San Uk Ling, nhưng liệu động thái này có phải nhằm cải tạo thành mô hình như các trại cải tạo lao động Tân Cương? Hoặc là phiên bản “Nhà tù Guantanamo” tại New Territories Hồng Kông, trở thành một nơi bị cô lập với thế giới?
“Viện Nghiên cứu Bản địa” chỉ ra rằng các trại tập trung tại Tân Cương được hình thành theo từng bước. Sách trắng Tân Cương mới nhất của Chính quyền Trung Quốc ghi rằng, ban đầu là căn cứ cảnh sát chống khủng bố, sau đó được phát triển thành Trại tập trung Tân Cương với mục đích “phòng ngừa trước khủng bố” như ngày nay.
Theo đó, tổ chức này cũng kêu gọi phải ngăn chặn Hồng Kông đi đến giai đoạn “phòng ngừa trước khủng bố”, không nên để chính phủ Hồng Kông nhân danh chống khủng bố để từng bước xâm phạm quyền lợi của người dân Hồng Kông; hạn chế tình trạng cảnh sát lộng hành, và phải ngăn chặn thực trạng Tân Cương hóa Hồng Kông.
Khải Hoàn (Theo NTDTV)