Hồng Kông đã từng là “lối thoát” của vô số người Trung Quốc, cuối cùng lại bị chà đạp
Hồng Kông đã từng là nơi cưu mang giúp đỡ cho rất nhiều người từ Trung Quốc Đại lục ‘bỏ trốn’ sang. Với một tấm lòng bao dung rộng lớn đã chấp nhận tất cả những nhà hoạt động từ mọi phe phái khác nhau, để rồi giờ đây ĐCSTQ được voi đòi tiên, qua cầu rút ván, giở mọi thủ đoạn bỉ ổi nhất để đàn áp nhân dân Hồng Kông.
Hồng Kông trở thành thuộc địa của Anh từ sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (1840-1842). Năm 1898, theo các điều khoản của Hiệp định về Mở rộng chỉ giới Hồng Kông, nước Anh nhận được quyền thuê đảo Lạn Đầu và các vùng đất lân cận ở phía Bắc trong vòng 99 năm, các khu vực này được gọi chung với tên gọi “Tân Giới”.
Ngay từ năm 1840, Hồng Kông đã là bến cảng tự do tiếp nhận vô số những người lưu vong từ Trung Quốc Đại lục sang, nói khó nghe một chút thì chính là “tội phạm bỏ trốn”.
Từ chủ nghĩa dân tộc đến chủ nghĩa cộng sản, kháng chiến cứu quốc, phản cộng sản, phản Mao Trạch Đông, chống bạo lực Lục Tứ (sự kiện thảm sát Thiên An Môn diễn ra vào ngày 4/6), không biết có bao nhiêu người bất đồng chính kiến đã bỏ trốn đến Hồng Kông, hoặc đến Hồng Kông rồi cao chạy xa bay!
Đầu tiên phải kể đến Vương Thao, nhà tư tưởng triều đại nhà Thanh. Ông là người ở Tô Châu, được tiếp xúc nhiều với người nước ngoài ở Thượng Hải. Có lần từng bày mưu tính kế cho Thái Bình Thiên Quốc ở Tô Châu, không ngờ bức thư của ông bị quân nhà Thanh ở Cô Tô lấy được. Lệnh truy nã truyền ra, Vương Thao trốn trong lãnh sự quán của nước Anh ở Thượng Hải. Không lâu sau thì đi theo thuyền của người Anh trốn sang Hồng Kông.
Vương Thao là người đầu tiên dịch cuốn “Kinh Thánh” sang chữ Hán hiện đại, cũng là người dịch các kinh điển Nho gia quan trọng, còn là người sáng lập ra tờ báo tiếng Hoa đầu tiên của Hồng Kông, là người đầu tiên làm báo chí hiện đại của Trung Quốc. Hồng Kông là miền đất ân nghĩa của Vương Thao.
Trận hải chiến năm Giáp Ngọ 1894, thủy quân của đại Thanh bị tiêu diệt hoàn toàn, người dân trong nước quyết chí tự cường, cuộc “biến pháp Mậu Tuất” do phái Duy Tân đề xướng (Bách nhật Duy tân) chỉ tồn tại một trăm ngày thì bị Từ Hi Thái Hậu ra lệnh bãi bỏ, những người chủ trì đều bị nghiêm trị. Từ Hi Thái Hậu nổi giận giết Đàm Tự Đồng cùng với năm người nữa gọi là “Lục quân tử”. Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu đã chạy qua Hồng Kông rồi trốn đi nước ngoài.
Tôn Trung Sơn đến học ở Honolulu tại tiểu bang Hawaii vì có người anh buôn bán ở đó, tại đây ông học các trường tiểu học và trung học nên chịu ảnh hưởng rất lớn của phương Tây. Năm 1883, ông trở về nước, và năm 1886 ông học Trường Đại học Y khoa Hồng Kông và trở thành bác sĩ năm 1892. Trong cuộc cách mạng quốc gia ông đã nhiều lần trốn đến Hồng Kông, vào sinh ra tử.
Tướng Hoàng Hưng trong cuộc cách mạng Tân Hợi đã bị thương, cũng từng trốn đến Hồng Kông, ở đó chữa trị vết thương và dưỡng bệnh, chờ thời cơ để trở lại. Những chí sĩ trong cuộc cách mạng quốc gia cũng từng nhiều lần qua lại Hồng Kông để tránh bị bắt.
Người của quân đội kháng chiến Quốc Dân Đảng cũng không ngừng lui tới Hồng Kông, trợ giúp cho mặt trận kháng Nhật. Sau khi quân Nhật rút khỏi Hồng Kông, cánh quân ở Đông Giang của đảng cộng sản từng chiếm giữ Cửu Long, văn phòng của Bát Lộ Quân đều có cứ điểm quan trọng tại Hồng Kông, học viện Đạt Đức là trường chính trị công khai tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản.
Những người trong giới văn hóa được Hồng Kông đảm bảo cho quyền tự do ngôn luận thì nhiều không kể xiết. Phe cánh tả như là Quách Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Úc Đạt Phu, Tần Mục… Đều ở tại Hồng Kông mà làm báo chí, phát biểu văn chương.
Phe cánh hữu như Trương Ái Linh đã đi khỏi Thượng Hải vào đầu những năm 1950, cũng đã tới Hồng Kông, sáng tác và miêu tả về cuộc sống ở Thượng Hải trong thời kỳ cải cách ruộng đất và chiến tranh Triều Tiên qua “Ương ca” và “Xích địa chi luyến”, lưu lại những ghi chép chân thực vô cùng trân quý.
Hồng Kông còn tiếp nhận những nhân sĩ tri thức không muốn hoặc không tiện tham gia vào ĐCSTQ, như Kim Dung, Nghê Khuông, Tào Tụ Nhân. Rất nhiều nhà nghệ thuật nổi tiếng ở lại Đại lục mà không đến Hồng Kông như Thạch Huy, Chu Tuyền, Lê Cẩm Huy, Lưu Tuyết Am, Trần Ca Tân, ở trong hoàn cảnh sinh hoạt rất hiểm ác, cuộc sống nghệ thuật coi như bỏ.
Không chỉ những tác giả chống lại cộng sản có thể xuất bản sách cấm ở Hồng Kông, ngay cả người phe cánh tả như Đặng Lực Quần và Lý Bằng cũng đều đến Hồng Kông để xuất bản sách cấm, lại có cả “dư đảng” của “tập đoàn Lâm Bưu” Hoàng, Lý, Ngô, Khưu cũng đến Hồng Kông để xuất bản hồi ký.
Người dân ở Trung Quốc Đại lục sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên, nhân dân dưới thời đại Mao Trạch Đông đã phải kêu gào vì đói rét, nhiều lần xuất hiện những đợt bỏ trốn lớn sang Hồng Kông, người dân Hồng Kông đã vì chủ nghĩa nhân đạo mà cứu giúp và chấp nhận hàng triệu người dân tị nạn từ Đại lục!
Mãi cho đến sự kiện thảm sát Thiên An Môn, tàn sát hàng loạt ở Bắc Kinh, một thế hệ bất đồng chính kiến mới đã thông qua sự tự do ở Hồng Kông, chạy trốn để tìm đường sống, tản mạn đi khắp các nơi trên thế giới.
Trong gần 180 năm qua, Hồng Kông với vị thế là một cảng tự do đã cung cấp một lối thoát cho người dân ở Trung Quốc Đại lục, nhất là người của đảng cộng sản, bởi vì bọn họ xảo ngôn, giả tạo, mưu đồ đen tối, cho nên đạt được nhiều lợi ích nhất.
Bây giờ đây ĐCSTQ lại được voi đòi tiên, làm tổn hại đến lời hứa một quốc gia hai chế độ, qua cầu rút ván, cưỡng bức người dân Hồng Kông phải chịu luật dẫn độ. Trung Quốc bây giờ không còn là một xã hội pháp trị, những người đã bị hại trong các cuộc vận động chính trị như Lư Tác Phu, Chương Bá Quân, La Long Cơ, Trữ An Bình, Lâm Chiêu, Lâm Hi Linh, Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kỳ, Lưu Hiểu Ba, Lý Vượng Dương và rất rất nhiều những vụ án oan khác, làm cho người dân trong và ngoài nước không còn dám tin vào ĐCSTQ nữa.
Bây giờ, bạo lực bất hợp pháp của ĐCSTQ đã xâm nhập vào nhà sách Vịnh Causeway, nơi bán sách tự do trên đường phố Hồng Kông. Truy lùng tiệm sách Lâm Vinh Cơ, nơi đã xuất bản các loại sách cấm về chính trị, người dân Hồng Kông sao có thể không cảm thấy tai họa đang ập tới đây?
Người dân Hồng Kông không thể chấp nhận một chế độ độc tài bao trùm lên xã hội của họ được.
Minh Huy (Theo Secretchina)