Châu Âu có thể siết lệnh trừng phạt nhằm vào Nga
Nga đưa ra một “danh sách bị chặn”, cấm 89 quan chức châu Âu nhập cảnh vào Nga…
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mối quan hệ giữa Nga và châu Âu chuyển xấu hơn vào cuối tuần vừa rồi sau khi có tin Moscow ban lệnh cấm 89 chính trị gia và lãnh đạo quân đội châu Âu nhập cảnh vào nước này. Theo hãng tin CNBC, động thái này có thể dẫn tới việc Nga bị châu Âu kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế.
Hôm 30/5, Liên minh châu Âu (EU) cho biết nhiều quan chức của khối này đã bị Moscow đưa vào “danh sách bị chặn”, không được phép nhập cảnh vào Nga. Trong danh sách này có những quan chức hàng đầu của Anh, Pháp, Đức, các nước thuộc các vùng Scandinavia, Baltic và Đông Âu có quan điểm chỉ trích Nga. “Danh sách 89 cái tên đã được nhà chức trách Nga chia sẻ”, một thông cáo báo chí của EU cho hay. “Chúng tôi không có thêm bất kỳ thông tin nào khác về mặt pháp lý, tiêu chuẩn và quy trình ra quyết định này. Chúng tôi xem biện pháp này là hoàn toàn phi pháp, nhất là bởi sự thiếu vắng của tính minh bạch và rõ ràng”. Bộ Ngoại giao Nga từ chối xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của “danh sách bị chặn” nói trên khi phóng viên của CNBC liên hệ. Tuy vậy, một nhà phân tích chính trị cấp cao của CNBC nói rằng động thái của Nga có thể “phản đòn”, bởi động thái này được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp của Hội đồng châu Âu (EC) nhằm thảo luận về việc có nên kéo dài lệnh trừng phạt đối với Nga hay không. “Động thái này làm gia tăng khả năng các lệnh trừng phạt hiện tại sẽ được kéo dài cho tới hết năm nay”, nhà phân tích Alastair Newton phát biểu trên CNBC. Theo dự kiến, cuộc họp của EC sẽ diễn ra vào ngày 25-26/6. Ông Newton cho biết, sau khi có tin về “danh sách bị chặn”, Nomura đã tăng khả năng Nga bị kéo dài trừng phạt lên “tới 70%” từ mức 55% vào tuần trước. Tuy nhiên, một quan chức EU nói rằng, bất kỳ quyết định nào của khối này liên quan tới vấn đề trừng phat Nga cũng sẽ tùy thuộc chặt chẽ vào việc liệu Nga có đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn ký kết ở Minsk cho miền Đông Ukraine hay không. “Vào tháng 3, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí ràng buộc việc trừng phạt kinh tế với việc thực thi thỏa thuận Minsk. Lệnh trừng phạt của chúng tôi có cơ sở pháp lý rõ ràng và chúng tôi sẽ làm việc này theo cách rất rõ ràng và minh bạch”, vị quan chức EU đề nghị không tiết lộ danh tính phát biểu. Mối quan hệ giữa châu Âu và Nga đã xấu đi kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine vào năm ngoái và bị cho là hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Châu Âu đã tung những đòn trừng phạt kinh tế mạnh tay nhằm vào Nga, và Moscow cũng đã trả đũa bằng cách ban lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng của châu Âu. Tuy vậy, việc nới lệnh trừng phạt Nga hay không sẽ không phải là một quyết định dễ dàng đối với châu Âu, xét tới sự do dự của một số nước như Italy và Hy Lạp vốn có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Nga. Theo giới chuyên gia, sự do dự của các nước này trong vấn đề trừng phạt Nga sẽ càng lớn hơn sau động thái đưa ra “danh sác bị chặn” của Nga. |
Theo VnEconomy