Sếp yếu kém khiến người tài bỏ ra đi
Lý do thật sự khiến người tài bỏ những công việc tốt là gì? Thông thường đó là do người Sếp.
Người Sếp có thể tạo dựng hay phá hỏng không khí làm việc – bằng thái độ hay bằng lời nói của họ. Đương nhiên, những gì mà họ không làm cũng là một vấn đề, chẳng hạn như không đào tạo cho nhân viên hay không cất nhắc người có khả năng. Một vài người có ảnh hưởng trên mạng xã hội LinkedIn đã bàn thảo về chủ đề này và sau đây là ý kiến của hai người trong số họ:
Brian de Haaff, giám đốc điều hành của Aha
Cách giao tiếp của người Sếp với nhân viên là hết sức quan trọng. Mặc dù “giao tiếp có hiệu quả bao giờ cũng phải là hai chiều nhưng chuẩn mực đối với những người Sếp, những người nên nhận rõ trách nhiệm của họ trong việc tạo ra tác phong đàng hoàng ở cơ quan, là cao hơn”, de Haff viết trong bài viết có tựa đề ‘Ba điều các vị Sếp giỏi không bao giờ nói cho nhân viên biết’.
Các người Sếp nên là tấm gương tốt bằng việc suy nghĩ kỹ trước khi nói và chọn lựa ngôn từ phù hợp, ông cho biết và gợi ý ba điều một người Sếp giỏi sẽ không bao giờ nói:
Có biết chuyện gì tôi vừa nghe không? Đôi khi làm Sếp rất cô độc và Sếp thường muốn buôn chuyện với nhân viên vì muốn làm bạn với nhân viên. Tuy nhiên, không có chỗ để nhiều chuyện ở cơ quan cho dù điều này giúp tạo mối quan hệ thân thiết, de Haaff cho biết. Buôn chuyện sẽ bào mòn sự tin tưởng mà bạn muốn có với nhân viên và thể hiện sự thiếu chín chắn hoàn toàn.
Điều gì xảy ra với anh ta vậy? Có những lúc hiếm hoi một người Sếp có thể muốn biết chuyện về một nhân viên nào đó mà không quan tâm thật lòng đến lợi ích của người đó. Nhưng nếu bạn đi moi thông tin chỉ để thỏa mãn sự tò mò của bạn thì bạn sẽ đặt những đồng nghiệp của người đó vào tình huống đánh mất lòng tin. Kiểu cư xử như vậy cho thấy khả năng lãnh đạo yếu, theo de Haaff.
Tôi không muốn nghe! Khi bạn nói câu này, bạn đã đóng sập suy nghĩ của bạn trước khả năng bạn có thể sai còn người kia có thể đúng, ông cho biết. Phản ứng trước tin xấu kiểu này làm cắt đứt mọi sự giao tiếp và gửi đi tín hiệu rõ ràng bạn là người khó tiếp cận và cứng nhắc.
Michelle M Smith, phó chủ tịch tiếp thị của OC Tanner:
“Còn điều gì quan trọng hơn đối với thành công của công ty và phương châm cốt lõi của doanh nghiệp hơn là nhân tài,” Smith viết trong bài viết có tựa đề ‘Làm sao để mất những nhân viên giỏi nhất trong vòng 10 bước’, “Ấy vậy mà nhiều người… tiếp tục bị gạt ra ngoài lề và bị không ngó ngàng gì tới.”
“Không có kỹ năng công việc nào không theo kịp đà phát triển như cách chúng ta quản lý những nhân viên dưới quyền,” Smith viết, căn cứ vào nghiên cứu của một giáo sư trường kinh doanh.
Nếu các công ty muốn đánh mất những người giỏi nhất thì họ cứ làm 10 điều khiến những nhân viên tài năng nhất và có triển vọng nhất phải ra đi. Trong số này có:
“Quản lý tùy tiện”: áp dụng cách quản lý chuyên quyền, lỗi thời vốn bóp nghẹt những suy nghĩ đột phá, sáng tạo và cảm thấy bị đe dọa trước những ý tưởng, năng lượng và sự năng động.
“Quản lý thời gian thay vì kết quả công việc”: có một đội ngũ những người chuyên đi giám sát các nhân viên rất khắt khe,” bà viết. “Không tin tưởng các nhân viên của mình có thể sử dụng thời gian của họ một cách khôn ngoan. Không cho phép mạng xã hội ở nơi làm việc. Cấm đoán những công việc mang tính chất cá nhân trong giờ làm việc ngay cả khi bạn mong muốn nhân viên làm việc vào những ngày cuối tuần.”
“Không quan tâm đào tạo nhân viên”. Thay vào đó, cứ để cho nhân viên cứ làm đi làm lại một việc giống nhau một cách không có gì thay đổi,” bà viết.
“Không kết hợp”: Không kết hợp các độ tuổi nhân viên với các kỹ năng làm việc khác nhau lại với nhau. Thay vào đó, xếp những người giống nhau làm việc cùng nhau và tạo ra những giải pháp cũ rích vốn an toàn và không tạm cảm hứng được cho nhân viên,” Smith viết.
Bản tiếng Anh bài này đã được đăng trên BBC Capital.
Theo BBC Tiếng Việt