Tăng giá USD: Kẻ vui, người lo
TT – Các doanh nghiệp xuất khẩu chưa hưởng lợi nhiều dù tỉ giá tăng nhưng trước mắt các doanh nghiệp nhập nguyên liệu đã gặp khó.
Dù đánh giá việc phá giá tiền đồng thêm 1% (tổng cộng là 2% từ đầu năm) tác động tích cực đến xuất khẩu nhưng một số doanh nghiệp cho rằng chừng đó chưa đủ giúp họ giải quyết khó khăn. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu cho biết việc điều chỉnh tỉ giá làm cho họ gặp khó khăn hơn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết sẽ có thêm tiền nhờ giá USD tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lo phải tốn thêm chi phí mua USD để nhập hàng và trả nợ vay bằng USD. Chưa thấm là bao Thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến động tỉ giá của nhiều đồng tiền trên thế giới so với đồng USD trong vòng một năm qua. Quý 1-2015, xuất khẩu thủy sản VN đạt 1,65 tỉ USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, xuất khẩu tôm của VN đạt 574 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang ba thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản và EU giảm lần lượt là 56%, 28% và 3%. Nguyên nhân chính là do đồng USD tăng giá so với đồng euro, yen Nhật, won Hàn Quốc… buộc giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường chính phải giảm. Ông Lê Văn Quang, tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho hay chỉ trong vòng một năm USD tăng khoảng 20% so với yen Nhật, đôla Úc, euro… khiến mặt hàng tôm VN vào các thị trường này trở nên đắt hơn. Để cạnh tranh, VN phải giảm giá xuất khẩu tôm sang Mỹ gần 2 USD/kg. Trong khi đó, nhiều quốc gia xuất khẩu cạnh tranh với VN như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador cũng phá giá đồng nội tệ của họ nên giá bán tôm của họ cạnh tranh hơn so với hàng VN khi xuất khẩu vào Mỹ, chưa kể sản lượng khai thác trong năm 2015 tăng khiến lượng hàng vào Mỹ tăng cũng ảnh hưởng đến giá xuất khẩu. Với việc tăng tỉ giá USD thêm 1%, theo ông Quang, biên độ phá giá của đồng tiền VN với đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu khác vẫn còn chênh lệch khá lớn, do đó doanh nghiệp không thể giảm giá tương đương với họ được, khả năng cạnh tranh cũng chưa được cải thiện nhiều. “Việc Nhà nước phá giá đồng VN 2% từ đầu năm đến nay đúng là có nhiều tích cực đối với xuất khẩu hàng hóa của VN nói chung và với thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, mức phá giá này chưa đủ để giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với các quốc gia xuất khẩu khác. Do đó các doanh nghiệp tôm đang gặp khó khăn, hàng bán không được, tồn kho rất nhiều” – ông Quang cho biết. Đối với cá tra, đồng euro mất giá khiến nhu cầu nhập khẩu của khu vực này sụt giảm và giá cá tra cũng bị rớt theo. Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, cho biết giá cá tra vào EU đã giảm khoảng 5-10% và doanh nghiệp phải hạ giá mới bán được hàng. “Do đó, việc Chính phủ điều chỉnh tỉ giá thêm 1% vào ngày 7-5 có tác động tích cực đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Với doanh thu tăng thêm từ tỉ giá, doanh nghiệp có thể dùng để tăng giá mua nguyên liệu đầu vào” – ông Minh nói.
Khó cho doanh nghiệp nhập nguyên liệu Tác động của việc tăng tỉ giá USD/VND cũng không đồng đều với các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho hay họ còn bị tác động ngược bởi chính sách này. Ông Trần Việt Anh, tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cho biết với việc tỉ giá đồng USD vừa điều chỉnh, doanh nghiệp không được lợi về mặt xuất khẩu vì xuất khẩu của công ty lại thanh toán bằng đồng euro, trong khi nhập khẩu nguyên liệu lại sử dụng đồng USD. Với cơ cấu xuất khẩu 60%, nội địa 40%, ông Việt Anh cho biết phải nhập khẩu 100% nguyên liệu để phục vụ sản xuất. “Tôi phải vay ngân hàng để mua nguyên liệu. Nên khi tỉ giá tăng thì chênh lệch mua ngoại tệ để trả cho ngân hàng buộc phải tăng theo” – ông Việt Anh nói. Với mức cầu từ 1,2 – 1,5 triệu USD/tháng cho việc thanh toán với ngân hàng, tỉ giá mới sẽ làm chi phí công ty đội lên thêm 258 – 322 triệu đồng/tháng. “Tôi mong ngân hàng hạ lãi suất cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu nguyên liệu 100% sản xuất phục vụ thị trường nội địa. Chứ với mức lãi suất vay ngoại tệ khoảng 4%/năm như hiện nay vẫn khá cao so với các nước trong khu vực, vì giá bán đầu ra chúng tôi vẫn chưa tăng được do mức cầu thị trường vẫn thấp” – ông Việt Anh đề nghị. Ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Công ty giày Gia Định, cho hay với kế hoạch xuất khẩu khoảng 4 triệu đôi giày trong năm 2015, giá bình quân 12 USD/đôi, tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ đạt khoảng 48 triệu USD. “Dù xuất khẩu nhưng chúng tôi chỉ làm được 60% FOB, 40% là gia công. Mà FOB thì vẫn phải mua nguyên phụ liệu nên phần thặng dư từ xuất khẩu so với nhập khẩu cũng không là bao” – ông Trung phân tích. Theo ông Trung, việc các doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng lợi nhiều từ xuất khẩu dù tỉ giá tăng, phần lớn do cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp VN, đặc biệt ở những ngành như dệt may, da giày vẫn bị phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngay cả với những nguyên phụ liệu mua được trong nước, nhưng nguyên liệu để sản xuất ra nó cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài nên vẫn không được lợi bao nhiêu trong cán cân thương mại.
TRẦN MẠNH – TRẦN VŨ NGHI
|
Theo Tuổi Trẻ