7 hiểu lầm về vấn đề ăn uống và tiêu hóa
Một số thông tin truyền miệng rộng rãi có thể gây hiểu lầm nếu không kiểm tra tính xác thực của chúng.
1. Thịt gà tây không phải là thần dược cho giấc ngủ
Ăn thịt gà tây giúp dễ ngủ là một hiểu lầm được lặp đi lặp lại vào các mùa lễ hội, đặc biệt là trong dịp lễ tạ ơn. Quả thực, thịt gà tây chứa acid amin tryptophan giúp não tạo ra hoc-mon serotonin và meletonin – được coi là thần dược cho giấc ngủ. Tuy nhiên trên thực tế lượng tryptophan trong gà tây không đủ nhiều để tạo ra sự tác động tới cơ thể.
Trong cuốn sách “Don’t Swallow Your Gum”, Tiến sĩ Aaron Carroll và Rachel Vreeman viết: lượng trytophan có trong mỗi 4 ouce thịt gà tây (khoảng gần 120 gram thịt) chỉ là khoảng 350 miligram, trong khi lượng trytophan tối thiểu cần để giúp bạn có một giấc ngủ ngon là từ 500 đến 1,000 milligram”.
2. Đồ ăn ngon không giúp cải thiện tâm trạng
Nhiều người cho rằng những món khoái khẩu có thể giúp chúng ta cảm thấy khá hơn sau thời gian dài mệt mỏi với áp lực công việc hay cuộc sống. Nhưng theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Health Psychology thì chính thời gian chứ không phải là đồ ăn ngon là thứ giúp tâm trạng của bạn khá hơn.
Một thử nghiệm nhỏ đã được tiến hành với 100 người. Họ được xem một bộ phim đặc biệt dài 20 phút để khiến tâm trạng trở nên cáu giận, buồn bã. Sau khi xem xong, một nhóm được ăn những món ưa thích để cải thiện tâm trạng. Nhưng họ không cảm thấy khá hơn so với nhóm chẳng ăn gì.
3. Cơ thể không cần tới 7 năm để tiêu hoá bã kẹo cao su
Hầu hết những chất cấu thành nên kẹo cao su đều rất khó tiêu hóa. Bởi thế có những thông tin rằng, cơ thể phải mất đến 7 năm để tiêu hóa được bã kẹo không may nuốt phải. Nhưng tiến sĩ Roger Liddle – chuyên gia về lĩnh vực tiêu hóa của Đại học Y Duke đã chỉ ra rằng chẳng có gì có thể lưu lại trong cơ thể lâu đến vậy, trừ khi nó quá lớn nên không thể thoát ra khỏi dạ dày hoặc mắc kẹt trong ruột.
4. Không cần tốn nhiều calo để tiêu hóa cần tây
Một số loại thực phẩm, trong đó có cần tây bị xếp vào hàng chứa calo tiêu cực. Nghĩa là để tiêu hóa được chúng, cơ thể sẽ phải cần tiêu tốn khá nhiều calo. Người ta cho rằng cần đến 10 calo để tiêu hóa được 1 thanh cần tây lớn (bỏ hết lá, chỉ giữ lại phần thân).
Thế nhưng Tiến sĩ Tim Garvey – chủ tịch khoa dinh dưỡng của Đại học Alabama, Birmingham, Mỹ đã nói với BBC rằng chỉ mất khoảng 2 calo để tiêu hóa thanh cần tây. “Trong thực tế không loại thực phẩm nào chứa calo tiêu cực”, Tiến sĩ Garvey nói.
5. Hầu hết người ăn chay vẫn cung cấp đủ lượng đạm cần thiết
Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, một phụ nữ cần trung bình 46g protein một ngày và nam giới cần 56g. Không ít người lo lắng rằng do không ăn thịt, những người ăn chay sẽ không có đủ lượng đạm (protein) cần thiết mỗi ngày.
Nhưng trên thực tế có rất nhiều thực phẩm chay chứa protein dồi dào.Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạn cũng không cần phải ăn nhiều loại thực vật trong cùng một bữa ăn mà chỉ cần đảm bảo ăn đủ đa dạng các thực phẩm trong một ngày mà thôi.
6. Sữa không phải thực phẩm tốt nhất cho xương
Rất nhiều người nghĩ rằng sữa là thần dược để xương chắc khỏe. Trên thực tế, bạn cần có đủ canxi để giúp ngăn ngừa loãng xương và cải xoăn chứa nhiều canxi hơn so với sữa nguyên chất. Ngoài ra, lượng canxi có trong rau bina cũng không kém sữa là bao. Các loại rau lá xanh, đậu phụ và trái cây sấy khô cũng chứa rất nhiều canxi.
Nhưng chỉ canxi là chưa đủ, bạn cần thêm vitamin D để giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn. Và để xương thực sự khỏe mạnh, bạn cần tập thể dục và có chế độ ăn uống khoa học.
7. Đường không làm cho trẻ hiếu động
Có rất nhiều lý do không cho trẻ ăn nhiều chế phẩm chứa đường, trong đó có lo ngại là đường có thể khiến trẻ hiếu động hơn. Tuy nhiên, đây là điều không có cơ sở. Đã có ít nhất 12 cuộc thử nghiệm dạng double-blind để kiểm tra xem phản ứng của cơ thể đối với lượng đường tiêu thụ.
Các nhà khoa học không thể tìm thấy bất kỳ sự khác biệt trong hành vi giữa các trẻ em ăn đường và những trẻ không ăn đường. Một thí nghiệm khác cũng cho thấy các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con mình hiếu động hơn khi trẻ được cho uống đồ uống có đường, dù thực sự thức uống đó hoàn toàn không chứa đường.
Theo Afamily