Việt Nam chuẩn bị đón đỉnh điểm mưa sao băng vào đêm nay
Mưa sao băng Leonids sẽ xuất hiện dày đặc nhất vào đêm hôm nay – ngày 17 và rạng sáng ngày 18/11 với mật độ khoảng 10-15 ngôi sao mỗi giờ.
Theo Earth Sky, mưa sao băng Leonids năm 2021 vào đêm đỉnh điểm sẽ có khoảng 10-15 ngôi sao băng mỗi giờ, mật độ này so với các “siêu mưa sao băng” Perseids hay Geminids thì có thể coi là khá thưa thớt.
Có một điều là đêm nay (17/11) trăng đang ở chu kỳ rất sáng, gây cản trở cho người muốn quan sát mưa sao băng.
Mưa sao băng Leonids có nguồn gốc liên quan đến sao chổi 55P/Tempel-Tuttle, đây là một vật thể quay quanh Mặt Trời với chu kỳ 33 năm/1 vòng. Vào tháng 11 hàng năm, Trái Đất sẽ đi qua chiếc đuôi của sao chổi này, những mảnh vỡ từ đuôi của nó va chạm với bầu khí quyển và tạo nên hiện tượng mưa sao băng.
Trước đó vào năm 1833, cơn bão sao băng Leonids đã tạo ra hơn 100.000 sao băng mỗi giờ. Đây là trận bão sao băng đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử hiện đại.
Đến năm 1966, con người lại được chứng kiến một cơn bão sao băng với hàng nghìn ngôi sao băng vụt qua chỉ trong vòng 15 phút. Cơn bão sao băng tiếp theo xảy ra vào năm 2002. Dựa vào khoảng thời gian trên thì cơn bão sao băng kế tiếp sẽ xảy ra vào khoảng 15 năm nữa.
NASA từng công bố rằng các mưa sao băng Leonids được coi là một trong số những thiên thể bay nhanh nhất trong số những thiên thể được tìm thấy với tốc độ lên tới 71km mỗi giây.
Điều đặc biệt là năm nay mưa sao băng xuất hiện chỉ vài ngày trước ngày trăng tròn của tháng 11 – trăng hải ly (ngày 19/11). Đây là ngày trăng tròn đồng thời cũng là thời điểm có nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ 21.
Thông thường mưa sao băng Leonids có thể quan sát được từ ngày 6 đến ngày 30/11 hàng năm. Năm nay theo kết quả định vị của Time and Date tại TP.HCM thì đỉnh điểm của mưa sao băng sẽ rơi vào đêm 17, rạng sáng ngày 18/11.
Theo Daily Mail, nếu không có ống nhòm hoặc kính thiên văn thì mọi người chỉ cần nhìn lên bầu trời bằng mắt thường và phóng tầm quan sát rộng nhất có thể để ngắm mưa sao băng.
Khu vực tốt nhất để quan sát mưa sao băng là ở những nơi bầu trời quang đãng, không bị ô nhiễm ánh sáng.
Trong những ngày tiếp theo, chúng ta vẫn có thể ngắm nhìn mưa sao băng dù tốc độ của sao băng mỗi giờ sẽ giảm đi.
Yên Yên (t/h)