“Thịnh vượng chung”: Doanh nghiệp TQ nào không quyên góp thì khó lòng yên ổn
Sau khi chính quyền Bắc Kinh hô hào “thịnh vượng chung”, các công ty hàng đầu của Trung Quốc đều lần lượt quyên góp tiền để tránh tai họa. Ông Tạ Kim Hà, Chủ tịch Truyền thông Caixun Đài Loan chỉ ra rằng “Phong trào quyên góp vì sự thịnh vượng chung này sẽ tiếp tục lan tỏa với tốc độ tối đa. Nếu công ty nào không quyên góp thì công ty đó khó thoát”.
Chính quyền Bắc Kinh gần đây đã đưa ra khẩu hiệu “thịnh vượng chung” (cộng đồng giàu có), cùng với các chính sách “chống tư bản”, “chống độc quyền”, khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân rơi vào tầm ngắm và bị “chấn chỉnh”, không ít người lo lắng về việc chính quyền sẽ “làm thịt những con cừu béo” để vơ vét của cải trong dân chúng dưới chiêu bài “thịnh vượng chung”.
Vào ngày 6/9, ông Tạ Kim Hà (Xie Jinhe) đã đề cập trong bài đăng trên Facebook của mình về “Chiến dịch quyên góp vì sự thịnh vượng chung” rằng, làn sóng này đã nhận được sự “hưởng ứng” mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong nước.
Công ty Tencent ngay sau bài phát biểu của ông Tập tại hội nghị của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tuyên bố quyên góp 50 tỷ nhân dân tệ để đầu tư vào lĩnh vực nền tảng dân sinh của xã hội Trung Quốc. Cộng thêm với khoản quyên góp 50 tỷ nhân dân tệ hồi tháng Tư, Tencent đã quyên góp tổng cộng 100 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, người sáng lập Tencent là Mã Hóa Đằng cũng cam kết sẽ tặng cổ phần trị giá 2 tỷ đô la Mỹ cho quỹ từ thiện.
Tập đoàn Alibaba của Jack Ma sau đó cũng đã khởi động “10 hành động hàng đầu của Alibaba để thúc đẩy thịnh vượng chung“, tuyên bố sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025 để trợ giúp kế hoạch này.
Ông Trương Nhất Minh, người sáng lập ByteDance, tức nhà sở hữu và kinh doanh của Tiktok, Douyin, khi thăm trường cũ ở thị trấn Long Nham (Phúc Kiến) cũng đã cam kết sẽ chi 500 triệu nhân dân tệ để cải thiện giáo dục tại địa phương.
Ngoài ra, Vương Hưng, người sáng lập Meituan, một trong những gã khổng lồ lĩnh vực Internet tại Trung Quốc cũng cho biết sẽ quyên tặng cổ phần trị giá 2,3 tỷ đô la Mỹ cho một quỹ chuyên về giáo dục và khoa học; Lôi Quân, người sáng lập công ty điện thoại thông minh Xiaomi cũng tặng 2,2 tỷ đô la Mỹ cho 2 quỹ trên.
Hoàng Tranh, nhà sáng lập Pinduoduo, nền tảng công nghệ tập trung vào nông nghiệp lớn nhất ở Trung Quốc, lần đầu quyên góp 1,85 tỷ đô la Mỹ và lần thứ hai là 370 triệu đô la Mỹ cho chương trình xóa đói giảm nghèo nông thôn. Ông Hoàng cũng hứa rằng lợi nhuận ròng của công ty trong năm tới khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ sẽ dùng hết để quyên góp.
Một số tập đoàn nhỏ cũng hưởng ứng phong trào quyên góp vì thịnh vượng chung, trong đó Bảo hiểm nhân thọ Kangtai tặng 150 triệu nhân dân tệ cho Đại học Vũ Hán; Chủ tịch tập đoàn Lenovo Dương Nguyên Khánh quyên tặng 15 triệu đô la Mỹ cho các quỹ từ thiện; Moutai tặng cổ phiếu cho các doanh nghiệp nhà nước ở tỉnh Quý Châu để giúp chính quyền tỉnh Quý Châu giải quyết khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, các công ty lớn như China Ping An (công ty bảo hiểm), hay những ông trùm ô tô điện cho đến nay vẫn chưa có động thái hưởng ứng phong trào này.
Ông Tạ Kim Hà cho rằng, khẩu hiệu “thịnh vượng chung” sẽ giống như hiệu ứng Domino, trở thành một phong trào toàn dân ở Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến phương thức đánh giá công ty trong tương lai.
Chuyên gia về các vấn đề quốc tế Đường Hạo cũng chỉ ra rằng, mặc dù cách tiếp cận “thịnh vượng chung” của ĐCSTQ đã giúp chính quyền kiếm tiền nhanh chóng, nhưng nó thực sự đã biến các doanh nghiệp tư nhân này thành vật tế thần cho sự bất bình đẳng về tài sản dưới sự quản lý của ĐCSTQ.
ĐCSTQ không cách nào giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo, kết quả lại lấy dao đi cướp bóc, buộc các công ty phải giao nộp tiền, bề ngoài nói là để làm từ thiện nhưng thực chất là ép các doanh nghiệp phải trả tiền, thay cho ĐCSTQ làm công tác duy trì ổn định xã hội, dùng tiền để tiêu tai giải nạn.
Các doanh nghiệp tư nhân đã trở thành “con tin” và “túi tiền” của ĐCSTQ. Không những vậy, chiêu bài “giết kẻ giàu để lấy tiền” của ĐCSTQ cũng phá hủy một bước đệm quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua, chính là vấn đề “bảo đảm quyền tài sản”.
Đường Hạo chỉ ra rằng, khẩu hiệu “thịnh vượng chung” lần này rõ ràng là một nỗ lực của chính quyền nhằm chiếm đoạt tài sản tư nhân và tước bỏ quyền bảo vệ tài sản của người dân. Ngoài ra, ĐCSTQ sẽ can thiệp mạnh mẽ vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp dưới danh nghĩa “chống độc quyền”, ngăn cản doanh nghiệp cạnh tranh tự do, điều này một mặt sẽ làm cho doanh nghiệp tư nhân mất lòng tin, không dám mở rộng đầu tư, mặt khác sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy mất lòng tin và không dám đầu tư vào Trung Quốc.
Hơn nữa, lần này ĐCSTQ ép buộc các công ty lớn phải “tự nguyện quyên góp”, thực ra cũng là cố tình định hướng dư luận “thù ghét người giàu”, khiến mọi người nghĩ rằng các công ty này làm giàu bất lương, đến cuối cùng ĐCSTQ sẽ đứng ra chủ trì chính nghĩa, yêu cầu các công ty lớn giao tiền để phân chia cho người dân. “Tiền có giao đến tay người dân được hay không còn chưa biết, nhưng một điều chắc chắn là, kiểu đấu tranh này sẽ chỉ làm gia tăng sự căm ghét của người dân đối với các doanh nghiệp”.
Đường Hạo cho rằng, các doanh nhân sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh sinh tồn càng ngày càng khắc nghiệt, cộng thêm nhiều rủi ro chính trị phức tạp, điều này sẽ kìm hãm ý nguyện muốn đầu tư và kinh doanh của họ, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp giải tán, giảm biên chế hoặc chuyển đi. Cho nên, sắp tới vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ tăng cao, thu nhập và tiêu dùng của người dân sẽ giảm xuống. Theo cách này, Trung Quốc sẽ không hướng tới “thịnh vượng chung” mà sẽ hướng tới “nghèo khó chung”.
Đường Hạo suy đoán rằng, nếu ĐCSTQ tiếp tục áp dụng phương pháp “cướp miếng bánh của người giàu”, chứ không phải cố gắng “làm cho chiếc bánh ngày càng lớn hơn”, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng túng quẫn và bần cùng hơn.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)