Vì mục tiêu thịnh vượng chung, Tập Cận Bình sẽ “giết người giàu” rồi “tự sát”?
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã đưa ra mục tiêu “thịnh vượng chung”, nhấn mạnh phải tăng cường quy định và điều chỉnh đối với nhóm thu nhập cao. Đây được coi là nước đi nhằm phân chia lại tài sản của giới nhà giàu Trung Quốc.
Một tháng sau trận lũ lụt ở Trịnh Châu hồi 20/7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đến hiện trường vụ thảm họa để thị sát, nhưng các phương tiện truyền thông Trung Quốc lại hoàn toàn không đưa tin, chỉ có trang web của Quốc Vụ viện mới đăng tải.
Có thể thấy, Tập Cận Bình không tự mình đi thị sát, cũng không để Lý Khắc Cường được tuyên dương, Bộ Tuyên truyền Trung ương lại dám ngăn chặn tin tức về Thủ tướng. Kiểu quan hệ tổ chức dị thường này chỉ có thể xuất hiện ở các quốc gia chuyên chính độc đảng, đến nỗi ngay cả việc ngụy tạo “đoàn kết chống giặc” cũng không còn muốn diễn nữa.
Kỳ lạ hơn nữa chính là, khi Trịnh Châu gặp lũ lụt nghiêm trọng, Tập Cận Bình lại đến Tây Tạng thị sát thay vì Trịnh Châu; còn khi Lý Khắc Cường đến Trịnh Châu thì Uông Dương, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, lại đến Tây Tạng để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày ĐCSTQ tiến vào Tây Tạng.
Chỉ trong vòng một tháng, 2 vị Thường vụ Bộ Chính trị đã liên tiếp đi đến Tây Tạng, trước đây thậm chí trong vòng một năm cũng chưa có chuyện như vậy. Hơn nữa, năm ngoái Bộ trưởng Bộ Ngoại giao “chiến lang” Vương Nghị cũng đột ngột đi Tây Tạng. Hiện bí ẩn về Tây Tạng vẫn chưa được tiết lộ.
Sau cuộc họp kín tại Bắc Đới Hà, Chủ tịch Chính hiệp Uông Dương lại bất ngờ tham dự cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương ĐCSTQ, có vẻ như Uông Dương đang có xu hướng thay thế cho Lý Khắc Cường.
Cuộc hội nghị lần này đưa ra tín hiệu “sát phú” (giết người giàu), cũng là để hợp lý hóa các chính sách mà Tập Cận Bình đã thúc đẩy. Đối với Uông Dương mà nói, tất cả chỉ là “Dọn lồng thay chim” (Đằng lung hoán điểu), đổi một con chim khác.
Tập Cận Bình muốn “giết người giàu”, bề mặt lại hô hào là “công bằng chính nghĩa”, “thịnh vượng chung”, nhưng thực chất đó là mở đường cho màn cướp bóc của “Cộng phỉ Tập”. Từ việc “Đánh thổ hào, chia ruộng đất”, “Đánh thổ hào, chia của cải” ở Tỉnh Cương Sơn đến việc tịch thu tư bản quan liêu và đất đai của địa chủ, cải tạo xã hội chủ nghĩa, lục soát nhà và tư hữu hóa, tất cả đều là các tên gọi khác nhau để cướp bóc trong các thời kỳ khác nhau.
Tuy nhiên, hoàn cảnh xã hội hiện nay ở Trung Quốc khác với chính sách bế quan tỏa cảng, tự cung tự cấp trong quá khứ, vậy nên loại chính sách này rõ ràng chính là hành vi tự sát.
Trong những ngày đầu cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình kêu gọi “để một số người làm giàu trước” là không sai, có sai thì chính là ở chỗ không nên dựa vào quyền lực để làm giàu. Mà căn nguyên của những điều này, đều nằm ở chỗ độc tài độc đảng.
Hiện tại, để có thể cướp bóc được từ các doanh nghiệp tư nhân, chính quyền có lẽ đã học được bài học từ vụ quan tham ngã ngựa Bạc Hy Lai, chính là ngụy tạo cớ để tịch thu tài sản. Nhưng tài sản này liệu có được phân phát cho người dân? Tất nhiên là không, mà là để phát triển vũ khí, mua chuộc các quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, hoặc là nhân cơ hội để tham ô. Trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc, doanh nghiệp tư nhân là linh hoạt và hiệu quả nhất, tấn công doanh nghiệp tư nhân có nghĩa là đánh thẳng vào GDP của Trung Quốc.
Việc cấm dạy thêm học thêm mới đây cũng được cho là vì công bằng xã hội: Con cái của những người giàu có (chủ yếu là tầng lớp trung lưu) được học thêm, được tiếp nhận nền giáo dục tốt mà tiến vào thượng tầng của xã hội, còn con cái của những người nghèo thì sẽ mãi ở trong giai tầng thấp.
Tất nhiên là có hành vi cấu kết của trường học trong việc dạy thêm học thêm, đó là điều mà chính phủ nên giải quyết. Còn việc con cái của người nghèo không có cơ hội học thêm, chính phủ nên tìm cách để con cái nhà nghèo có thể học giống con cái nhà giàu, chứ sao lại cấm đoán việc học thêm, khiến con nhà nghèo mất đi cơ hội tiến bộ?
Ở một số nơi còn đề xuất loại bỏ tiếng Anh khỏi chương trình giáo dục. Đó chẳng phải là hạ thấp tiêu chuẩn giáo dục của cả nước hay sao? Phải chăng vì việc dạy thêm không mang “họ Tập” nên chính quyền cảm thấy bất an? Cũng chỉ có Tập Cận Bình, một Tiến sĩ giả không được học hành bình thường mới làm như vậy.
Tập Cận Bình đang khôi phục chủ nghĩa quân bình tuyệt đối của Mao Trạch Đông. Vào năm 1958, làn gió cộng sản đã phá hủy nền kinh tế Trung Quốc gây ra nạn đói lớn. Hiện tại, không cần đến việc Hoa Kỳ cắt đứt liên hệ với nền kinh tế Trung Quốc, mà chính Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tự phá hủy nền kinh tế của đất nước mình.
Việc Tập Cận Bình muốn tự sát là chuyện riêng của ông ta, chỉ thương cho người dân Trung Quốc phải chịu cảnh chết chung, thật sự là tự chuốc họa vào thân, không còn lối thoát. Nhưng đây cũng là cơ hội phát triển tuyệt vời cho Đài Loan, mong rằng mọi người không nên bỏ lỡ.
Tác giả: Lâm Bảo Hoa
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của BBT TinhHoa.Net)
Tuệ Tâm (Theo Secretchina)