Thần tích thời vua Hùng: Lạc Long Quân diệt trừ yêu quái, bảo vệ muôn dân
Người Việt thuở xưa là một dân tộc có tín ngưỡng vào Thần đặc biệt mạnh mẽ, gắn liền với nhiều Thần tích huy hoàng, mà điển hình nhất chính là cội nguồn “Tiên – Rồng” và những ghi chép về Lạc Long Quân diệt trừ yêu quái, bảo hộ người dân vào thời Hồng Bàng – Hùng Vương.
Thuận theo sự phát triển của khoa học, đặc biệt là sự xâm nhập của chủ nghĩa vô Thần vào Việt Nam từ thế kỷ trước, những quan niệm về Thần trong đời sống tâm linh của người Việt đang ngày càng mai một. Đã có thời người Việt xem những câu chuyện này là bản ghi chép về gốc tích dân tộc, lấy đó làm tự hào về nòi giống của mình, nhưng đến nay nó dường như chỉ còn là “thần thoại” để kể cho trẻ nhỏ nghe trước giờ đi ngủ.
Thật ra, tín ngưỡng vào Thần không chỉ là một “nét đẹp văn hóa”, ngoài những khía cạnh huyền bí về tâm linh mà chúng ta không chứng thực được ra, tác dụng to lớn hơn của nó chính là duy trì đạo đức của xã hội: Khi con người ta có niềm tin vào Thần và sự an bài của tạo hóa, họ sẽ không dám làm chuyện xấu, không dám tranh giành cướp đoạt những thứ không phải của mình, không làm chuyện tổn hại người khác, vì họ biết rằng bên trên cõi người còn có tòa án của Thiên Thượng, kẻ làm ác cuối cùng sẽ bị báo ứng… Từ đó mà cái Thiện được biểu dương, cái ác bị hạn chế, đạo đức của xã hội nói chung sẽ được duy trì ở một mức độ nhất định.
Ngược lại khi con người không tin vào Thần, phủ nhận sự tồn tại của Thần, trong tâm không còn bất cứ ước chế câu thúc nào, thì đó chính là lúc đạo đức xã hội trượt trên dốc lớn. Người ta không còn tin vào Thần thì dần sẽ xem chuyện nhân quả báo ứng như một cách nói viển vông, coi Thiện và ác chỉ như những khái niệm tinh thần không quan hệ gì đến thực tế, thì họ còn từ việc ác nào nữa? Rốt cuộc điều đó sẽ mang đến trạng thái suy bại cho đạo đức xã hội, tổn thất này khó mà vãn hồi được.
Nhân kỷ niệm ngày giỗ tổ, chúng tôi xin mạn phép điểm lại truyện về họ Hồng Bàng – thời thượng cổ của dân tộc Việt, được ghi chép trong quyển sách huyền bí “Lĩnh Nam Chích Quái”, ngỏ hầu giúp bạn đọc một lần nữa nhìn lại về điểm khởi nguyên của dân tộc 4.000 năm lịch sử của chúng ta.
Họ Hồng Bàng
Theo cả “Lĩnh Nam Chích Quái” và “Đại Việt Sử ký toàn thư”, thì họ Hồng Bàng bắt đầu từ Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương tên húy là Lộc Tục, thuộc họ Thần Nông.
Cháu ba đời của Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam mà lấy con gái bà Vụ Tiên (Tiên Nữ) sinh ra đứa con trai dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, đặt tên là Lộc Tục. Đế Minh rất ưng ý, muốn chọn Lộc Tục nối ngôi, nhưng Lộc Tục quyết nhường lại cho anh. Đế Minh bèn lập Đế Nghi cai trị đất Bắc, còn Lộc Tục được phong Kinh Dương Vương cai trị phía Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ.
Do là con của Tiên Nữ nên Kinh Dương Vương có nhiều phép lạ, có thể đi lại dưới Thủy phủ, kết duyên cùng con gái của Long Vương hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm, cho nối ngôi trị nước. Sùng Lãm chính là Lạc Long Quân. Về sau Kinh Dương Vương hóa thân đi đâu, không còn ai biết.
Lạc Long Quân dạy dân Việt cách ăn mặc và làm nông, lại dạy cho đạo lý luân thường, lúc bấy giờ người Việt mới bắt đầu có khái niệm về các mối quan hệ quân thần, phụ tử, phu thê, xã hội mới hình thành tôn ti trật tự. Do đó dù Long Quân thường ở thủy phủ chứ không hay lên cạn nhưng bách tính vẫn an cư lạc nghiệp. Hễ dân có việc, chỉ cần gọi lớn “Bố ở nơi nào, mau đến cứu chúng con”, thì Long Quân sẽ xuất hiện ngay tức khắc, linh ứng khôn lường.
Về sau Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Một lần Đế Lai dẫn theo con gái Âu Cơ đi chu du thiên hạ, tuần qua nước Xích Quỷ, vì ngưỡng mộ thắng cảnh nơi đây nên lưu lại rất lâu, dân Nam do bị người phương Bắc quấy nhiễu mệt mỏi nên đành gọi Long Quân “Bố ở nơi nào, sao để dân Bắc xâm nhiễu chúng con”.
Lạc Long Quân hiện thân, gặp được nàng Âu Cơ xinh đẹp, bèn hóa thành một chàng trai tuấn tú, xung quanh kẻ hầu người hạ đàn hát chiêng trống vang lừng, cung điện nguy nga tráng lệ, đến cầu hôn Âu Cơ. Âu Cơ cũng vui lòng theo Long Quân.
Đó chính là mối lương duyên của Lạc Long Quân và Âu Cơ, hai vị thủy tổ của dân tộc Việt. Về sau Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm người con, ai nấy đều khôi ngô thần vũ, tướng mạo phi phàm.
Lạc Long Quân vốn là Rồng, đã quen cảnh dưới nước, nên ở trên cạn một thời gian bèn trở về Thủy phủ. Âu Cơ cùng các con thương nhớ gọi “Bố ở nơi nào, sao để mẹ con ta thương nhớ”.
Long Quân ứng lời hiện thân, nói: “Ta vốn nòi Rồng, đứng đầu thủy tộc, còn nàng là dòng Tiên, sống trên đất cao, tuy âm dương tương hợp mà sinh ra con cái, nhưng thủy hỏa tương khắc, dòng giống bất đồng, khó cùng nhau chung sống lâu dài. Nay ta đưa 50 con xuống thủy phủ, nàng dẫn 50 con lên cao, chia đất mà trị. Tuy kẻ trên cạn người dưới bể, nhưng hữu sự thì phải giúp đỡ lẫn nhau, chớ nên quên hẹn.”
Sau đó, Âu Cơ theo lời dẫn 50 con lên đất Phong Châu, suy người con cả làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, những người con còn lại làm tướng văn và tướng võ, tướng văn gọi lạc hầu, tướng võ gọi lạc tướng. Con trai vua tên là Quan Lang, con gái vua tên là Mỵ Nương, trăm quan gọi là bồ chính, nô bộc gọi là xảo xứng. Đời đời cha truyền con nối, tục vẫn gọi vua là Hùng Vương, không hề thay đổi.
Người Việt cổ có tục xăm mình, là bởi người dân mỗi lần xuống bể đánh cá thường bị giao long làm hại, bèn tâu với vua, vua lệnh cho người dân xăm hình Long Quân lên mình, các loài thủy quái từ đó đều tránh xa.
Đó chính là truyện về họ Hồng Bàng và dòng dõi Hùng Vương, tổ tiên của dân tộc Việt vậy.
Những chiến công của Lạc Long Quân
Ngoại trừ truyện “trăm trứng nở trăm con” mà người Việt đều thuộc lòng ra, Lạc Long Quân còn lưu lại rất nhiều Thần tích, điển hình là những lần trừ diệt yêu quái, bảo hộ người dân.
Diệt Ngư tinh
Đông Hải đời cổ có con Ngư tinh, dài hơn 50 trượng, nhiều chân như rết, biến hóa muôn hình vạn trạng, thường ẩn dưới biển sâu, thuyền của dân đi qua hay bị nó làm hại.
Long Quân thương dân, hóa ra chiếc thuyền, lệnh cho hải thần không được nổi sóng, tự mình chèo ra ngoài khơi. Ngư tinh hiện lên, há miệng ăn thịt người, Long Quân cầm khối sắt nung đỏ ném vào miệng nó.
Ngư tinh nuốt phải khối sắt nóng, đau đớn quất đuôi vào thuyền. Long Quân chém nó ra thành ba phần, phần đuôi bị lột da phủ lên trên núi, nay gọi là đảo Bạch Long Vĩ. Còn phần đầu hóa ra con chó khổng lồ chạy ra bể, Long Quân bèn dùng đá ngăn lại, cũng chém chết nó, hóa thành Cẩu đầu sơn. Phần thân của Ngư tinh trôi ra Mạn Cầu, nay gọi Mạn Cầu thủy (hoặc Cẩu đầu thủy).
Diệt Hồ tinh
Sau khi hết nạn Ngư tinh, trong thành Long Biên (Thăng Long) lại xuất hiện con cáo 9 đuôi đã tu luyện ngàn năm, biến hóa khôn lường, vô cùng quỷ quyệt, lúc thì hóa thành quỷ, lúc thì hóa thành người, đi lại khắp nơi, dân gọi đó là Hồ tinh.
Hồ tinh thường hóa ra hình người, trà trộn vào đám đông cùng ca hát, rồi dụ dỗ các cặp nam nữ vào núi để làm hại họ. Dân chúng trong thành ai cũng khổ sở, Long Quân biết chuyện bèn dẫn quân thủy phủ dâng nước công phá hang ổ của Hồ tinh. Hồ tinh bỏ chạy, thủy quân đuổi theo diệt trừ nó, lại phá hủy hang cáo, tiêu diệt tận gốc yêu tinh.
Nơi ấy trở thành một cái trũng sâu, sau gọi là “đầm xác cáo” (Tây Hồ ngày nay).
Diệt Mộc tinh
Đất Phong Châu từ đời thượng cổ có một cây chiên đàn rất cao rất lớn, trải qua ngàn năm, tuy cây khô héo nhưng hấp thụ linh khí mà hóa thành tinh, rất hung ác và dũng mãnh, hại người nhiều vô kể, gọi là Mộc tinh.
Không chỉ tài phép, Mộc tinh còn rất mưu mô xảo quyệt, nay ở khu rừng này, mai lại đến khu rừng khác, không ai lường trước được. Lạc Long Quân quyết ý giúp dân trừ hại, phải mất nhiều ngày đêm và tốn bao công sức mới tìm ra tung tích của nó, nhưng con yêu này rất lợi hại, giao đấu hơn trăm ngày Long Quân vẫn chưa chế phục được nó.
Cuối cùng, Lạc Long Quân phải nhờ cha mình là Kinh Dương Vương giúp đỡ. Kinh Dương Vương dùng chiêng trống, lấy âm thanh lễ nhạc mà trấn áp, mới khiến Mộc tinh hoảng sợ bỏ chạy về phía Tây Nam, sau này chỉ quanh quẩn nơi đó không dám đi đâu nữa, dân gian gọi nó là “quỷ Xương Cuồng”.
Mãi đến thời nhà Đinh, quỷ Xương Cuồng mới hoàn toàn bị diệt trừ.
Ngoài những lần giúp dân trừ diệt yêu tinh nói trên, vào đời Hùng Vương thứ 6, có một cụ già tướng mạo phi thường xuất hiện trong mưa to gió lớn, nói với nhà vua rằng 3 năm nữa phương Bắc sẽ xâm lược, trên đời sẽ xuất hiện người tài đủ khả năng đánh tan quân giặc, lúc đó nhà vua phải tìm ra người tài ấy mới có thể giữ gìn bờ cõi. Sau đó, cụ già hóa lên mây bay mất, vua Hùng và thần dân mới biết đó là Lạc Long Quân hiển linh. Người tài mà Long Quân chỉ định chính là Thánh Gióng.
Lời kết
Trên đây là huyền sử về họ Hồng Bàng, khởi nguyên của dân tộc Việt, nguồn gốc của danh xưng “Rồng – Tiên” mà người Việt chúng ta từ bao thế hệ vẫn truyền tụng. Thay cho lời kết, chúng tôi xin mạn phép dẫn lời hai vị học giả thời Lê Sơ của nước ta là Kiều Phú và Ngô Sĩ Liên:
“Than ôi! Trời đã sai chim huyền điểu giáng thế sinh ra vua nhà Thương, thì ắt có việc trăm trứng nở thành con trai chia trị Nam quốc, truyện họ Hồng Bàng không thể mất được.”
(Kiều Phú, Lĩnh Nam Chích Quái – Hậu Tự)
“Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế. Con cháu dòng dõi Thần Nông là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái gốc đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao?”
(Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử ký toàn thư)
Thế Di
(Nội dung bài viết tham khảo từ Lĩnh Nam Chích Quái và Đại Việt Sử ký toàn thư)