“Con rồng cháu tiên” : Ngu Kơ của người Mường hay Âu Cơ của người Việt?

25/04/18, 14:02 Tri thức

“Con rồng cháu tiên” có lẽ là một truyền thuyết mà không người Việt nào không biết đến. Tuy nhiên ít ai để ý rằng có rất nhiều chi tiết trong truyền thuyết này mang ý nghĩa biểu tượng. Phải chăng Rồng và Tiên ấy là hai sinh mệnh trong truyền thuyết, hay là hai dòng máu, hai tộc người? Và phải chăng sự tích ấy còn chứa đựng những ẩn đố nào khác?

Chữ “Việt” của dân tộc Việt cũng mang ý nghĩa “Con rồng cháu tiên”.

Dưới đây là một góc nhìn khác về sự tích “Con rồng cháu tiên” từ bài viết “Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương: Quốc tổ mang hai giòng máu” của tác giả Nguyên Nguyên.

Truyền thuyết Hùng Vương

Viết về Họ Hồng Bàng, quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có chép:

Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải.

Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: ‘’Ta là dòng dõi Long-quân, nhà ngươi dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 ta đem xuống bể Nam Hải.

Sau đó vẫn theo truyền thuyết, Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Hùng Vương cai trị nước Văn Lang theo lối cha truyền con nối đến 18 đời, thì bị Thục Phán, từ biên cương phía Bắc, đánh bại. Thục Phán lên ngôi, xưng là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Đó là năm 258 trước Công Nguyên (TCN).

Những điều chưa biết về vua Hùng qua "Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyện"
(Ảnh: viennam.com)

Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, rồi 18 đời Hùng Vương, tự nhiên trở thành một thứ quốc sử chính thống cũng bởi truyền thuyết đã được đề cập đến trong hai bộ sử có tầm vóc, có thể nói lớn nhất, của nước Nam. Thứ nhất là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, và thứ hai, bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.

Những ai đã đọc qua một hai chương sách đầu của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đều để ý Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối chương về thời Hồng Bàng, bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: “Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế”. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: “rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi.”

Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi ‘cóp’ các truyền tích từ ‘Việt Điện U Linh’ hoặc ‘Lĩnh Nam Chích Quái’ vào cổ sử, ông đã gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã căn dặn kỹ: “tin sách chẳng bằng không có sách” (tận tín thư bất như vô thư).

Một truyện cổ, hai truyền thuyết

Theo quyển sách đồ sộ nhất về người Mường của Jeanne Cuisinier, người Mường có rất nhiều truyện cổ tích và truyền thuyết. Hai truyền tích lớn người Việt đã vay mượn thẳng từ nguồn Mường chính là chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh và bà Âu Cơ, mà người Mường phát âm theo kiểu Quảng Đông: Ngu Kơ.

Truyền tích bà Ngu Kơ của Mường được kể như sau:

Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con byua Yịt tên Lương Wong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Lương Wong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Lương Wong đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Lương Wong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Ngu Kơ và đám con tạo nên những dòng vua chúa mặc áo màu đen, và Lương Wong, các gia đình vua mặc áo màu vàng.

Theo Les Mương – Géographie humaine et sociologie. Institut d’Ethnologie. Paris

Dân Mường thờ kính bà Ngu Kơ như mẫu tổ và thường làm cờ có hình con nai đốm sao, như một vật tổ để tưởng nhớ đến bà.

So sánh truyền thuyết Ngu Kơ của Mường với Âu Cơ của Việt, ta có thể thấy:

Cả hai truyền thuyết đều kết cục bằng một sự chia tay. Một đám 50 người con theo cha Lạc xuôi về miền sông biển đồng bằng. Năm mươi người con kia đi theo mẹ Ngu Cơ (hay Âu Cơ) đi lên miền rừng núi. Nhưng cần để ý ngay, bản Việt chỉ ròng con trai, không có con gái. Bản Mường có 50 trai, 50 gái.

Ngu Kơ và Âu Cơ

‘Ngu Kơ’ là lối phát âm của người Mường, và cũng của tiếng Quảng Đông, cho ‘Âu Cơ’ theo tiếng Việt. Vòng đai ở biên giới Hoa-Việt kéo từ Vân Nam qua Quý Châu, đến Quảng Đông, vào thuở cổ thời chính là địa bàn của chủng Việt, chi Thái. Hai nước oai hùng nhất ở vùng này chính là Tây Âu (đây là tên gọi, không phải là vùng phía Tây châu Âu) và Nam Chiếu. Hoàn toàn do người Thái làm chủ.

Người Mường chính là hậu duệ của người Tây Âu. Và dân Tây Âu rất có khả năng được bổ sung trong vòng thiên niên kỷ trước Công Nguyên bởi dân Thục và dân Sở. Cả Thục (tức Tứ Xuyên bây giờ), lẫn Sở (Hồ Bắc & Hồ Nam) khi xưa do chủng Việt làm chủ. Trong đó có chi Âu (chính là người Thái) và chi Lạc (chính là người Việt), và một số các nhóm người dân tộc khác. Đặc biệt dân Âu làm chủ lực, tức thành phần đa số. Nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, cả Thục lẫn Sở đều bị nước Tần, thuộc chủng Hoa, thôn tính. Khi mất nước dân Thục và Sở đều phải chạy riết về phía Nam, rồi bổ sung vào dân bản địa có sẵn tại Nam Chiếu và Tây Âu .

Nam Chiếu, trước đó mang tên Điền Việt, rồi Đại Lý, và hiện nay chính là tỉnh Vân Nam. Nam Chiếu đã từng chống trả bước Nam tiến của người Hán, mãi cho đến khoảng thế kỷ 13, thì bị quân Mông Cổ (nhà Nguyên) thôn tính. Nhà Nguyên sau đó đưa di dân từ miệt Bắc xuống định cư ở Nam Chiếu. Chính ở vào thời điểm này, người Nam Chiếu và các sắc tộc ở miền biên giới, dưới sức ép của việc tìm lãnh thổ riêng để sinh sống, đã tràn sang An Nam và khu vực Lào và Thái Lan ngày nay, tạo dựng nên nước Xiêm và nước Lào. Nhiều khối người dân tộc ở Bắc phần hiện nay cũng từ phía Bắc tràn qua vào thời đó. Đọc lịch sử nước Thái Lan, chúng ta sẽ thấy người Thái Lan nhìn nhận dân họ gốc ở miền Hoa Nam, đặc biệt Nam Chiếu. Và vương quốc Thái đầu tiên mang tên Sukhothai được thành lập vào năm 1238 sau Công Nguyên.

Điều gì giúp nhà Trần ba lần đánh bại đội quân hiếu chiến và hùng mạnh nhất thế giới
Quân Nguyên Mông. (Ảnh: about-history.com)

Tây Âu cũng giống như nước Sở ở thời Xuân Thu Chiến quốc, đã là một vùng đất của chủng Thái, có một quá khứ hết sức oai hùng. Đó là cuộc chiến chống Tần bằng lối du kích kéo dài suốt 3 năm. Đây là một chủng Việt rất kiên cường.

Nói chung, nếu nhìn vào bản đồ ta có thể thấy địa bàn chủng Thái (tức Âu) nằm ở miền Trung nước Tàu, trong khoảng Hồ Bắc (phía Bắc sông Dương Tử và Hồ Động Đình), và kéo xuống đến biên giới Hoa-Việt ngày nay. Chủng Việt (tức Lạc) lại chiếm dải đất ven biển ở phía Đông nước Tàu. Chạy từ khu vực tỉnh Sơn Đông xuống đến tận Phúc Kiến (tức nước Mân Việt hồi xưa).

Nổi tiếng nhất trong chi Âu là các nước: Sở, Tây Âu và Nam Chiếu. Sở lúc đó cũng rất văn minh. Sở Trang Vương chính là một trong 5 vị Bá hạng nhất vào cuối thời Xuân Thu.

Lừng danh nhất trong chi Lạc chính là nước Ngô, nước Việt (Câu Tiễn) và nhóm du mục nay đây mai đó, gọi Bách Bộc hay Bộc Việt, ngày xưa xuất phát từ miền Sơn Đông. Nước Việt dưới thời Câu Tiễn cũng là một nước oai hùng nằm ở địa bàn Chiết Giang – Thượng Hải ngày nay. Việt thôn tính Ngô dưới thời Ngô Phù Sai. Nhưng về sau, vào năm 333 TCN, bị Sở hợp sức với Tề tiêu diệt.

Trở lại với Ngu Kơ và Âu Cơ. Người Lưỡng Quảng và người Mường có khuynh hướng đổi âm qua lại giữa /Âu/ và /Ngu/. Âu Cơ, người Mường biết là Ngu Kơ, theo tiếng của họ. ‘Âu Cơ’ cũng là một tên của người phái nữ gốc Sở. ‘Âu Cơ’ đọc theo quan thoại là /Yu ji/ hay có khi /Ou ji/. Và theo Quảng Đông chính là /Ngu Kơ/. Độc giả chắc còn nhớ Tây Sở Bá Vương Hạng Yũ vào đêm cuối cùng khi đại bại bởi Lưu Bang, đã được một người ái cơ họ Ngu (có phát âm như /Yu/ theo kiểu quan thoại) múa kiếm để giải sầu. Người Hoa có thể gọi người ái cơ đó của Hạng Yũ là ‘Ngu Cơ’, nếu đọc theo lối phát âm Quảng Đông (và…Mường). Y hệt như ‘Ngu Cơ’ dùng để gọi bà ‘Âu Cơ’.

10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ II: Thập diện mai phục
Hạng Vũ và Ngu Cơ (Ảnh: saimonthidan.com)

Tóm lại, /Ngu Cơ/ đọc theo quan thoại là /Yu ji/. / Âu Cơ/ cũng vậy. Có thể là /Yu ji/ và cũng có thể /Ou ji/. Ngu Cơ chính là Âu Cơ. Người Việt gọi Âu Cơ, Quảng Đông và Mường phát âm như Ngu Cơ.

Nhưng, xin để ý:

  • Âu Cơ theo bản Việt là người gốc Động Đình Hồ, cũng thuộc Sở (chủng Thái).
  • Ngu Cơ theo bản Mường, là công chúa Mường (chủng Mường, cũng là chủng Thái).

Lạc Long Quân và dòng máu Việt

Truyền thuyết Việt khi dựa vào truyền thuyết Mường, đã đổi Lương Wong sang họ Lạc nhằm chỉ chủng tộc ông Long Quân này chính là chủng Việt (Việt Nam).

Bởi truyền thuyết Việt có đề cập đến Kinh Dương Vương, truyền thuyết đã không để chỗ hở khi kèm một người thuộc chủng Việt vào nước Sở. Thật vậy khi nước Sở mới được thành lập, nước này chỉ bao gồm phần chính là châu Kinh, tức đất Kinh Cức hay Kinh Man hoặc Kinh Việt. Thành phần chủ lực ở đất Kinh Việt chính là người Việt thuộc chủng Thái.

Vài trăm năm sau, nhất là dưới thời Sở Trang Vương, nước Sở trở nên hùng cường, văn minh hơn. Nhưng đồng thời cũng bị đồng hoá với Hoa chủng. Khi đó, Sở bành trướng thêm lãnh thổ. Lan xuống vùng Hồ Nam chung quanh Động Đình Hồ. Rồi tiến chiếm đất đai ở hướng Đông, của vùng đất nước Ngô và Việt xưa. Đặt tên miền đất phía Đông đó là châu Dương hay Dương Việt. Khác với châu Kinh, rất có khả năng, châu Dương chứa phần lớn người dân thuộc chủng Lạc, chứ không phải chủng Âu.

Như vậy nếu hiểu theo biểu tượng, Kinh Dương Vương là vua của vùng đất bao gồm hai chủng lớn ở đất Kinh và đất Dương. Đất Kinh có chủng Âu, tức Thái. Đất Dương, chủng Lạc, tức Lạc Việt hay Việt Nam sau này.

Theo Trithucvn.net

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng