Học quên để nhớ cho nhiều
Quên những cái nhỏ nhen của người khác để giữ gìn những mối quan hệ được bền lâu, quên những phiền muộn để lạc quan trong cuộc sống.
Nhớ và quên
Khi một hình ảnh lọt vào mắt, một mùi hương xông vào mũi, một câu chuyện lọt vào tai, một vị cay đụng vào chót lưỡi…chúng liền được bộ não kỳ diệu của chúng ta tiếp nhận, mã hóa rồi lưu vào một vùng nào đó, mà các nhà khoa học còn chưa khẳng định, rất có thể liên quan đến nhiều vùng như thùy trán, thùy thái dương, đồi thị, hải mã…của nó. Đến lúc ta muốn nhớ lại, tựa như làm động tác “click” chuột máy tính lập tức những gì đã lưu giữ được truy xuất từ các kho và chuyển đến các trung tâm phát ngôn và vận dụng ở các vỏ não tương ứng để thực hiện thông tin…Đó là cái mà người ta gọi là trí nhớ.
Trí nhớ không vĩnh cửu. Để càng lâu, nó càng mờ nhạt, đến một thời điểm nào đó, gọi nó không ra trình diện nữa, vì bị thời gian xóa mất rồi. Ấy là quên.
Nhớ và quên ở mỗi người một khác, cũng như hệ số thông minh hay nét mặt mỗi người không giống nhau. Trí nhớ tốt sẽ rất có lợi, giúp ích nhiều cho học tập khi còn trẻ, trong công việc lúc đi làm và lợi ích thật không kể xiết. Có những trí nhớ rất khó phai mờ. Cụ X đã 90, nhớ mãi một nụ cười hiền dịu của bà mẹ mất năm cụ là đứa trẻ lên hai. Bà Y không quên nét mặt đểu cáng của tên “yêu râu xanh” toan làm hại bà lúc nhỏ xíu. Đa số cặp vợ chồng nhớ như in “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên” (Thế Lữ) của mối tình đầu.
Người ta thường cho rằng trí nhớ rất bền nếu nó đầy ấn tượng, in đậm hoặc gặp hàng ngày, nhưng cũng không nhất thiết phải thế. Gặp hàng ngày đấy, nhưng hỏi, mấy ai nhớ trên hai đồng tiền có hình vẽ gì. Tương truyền, nhà bác học Lê Quý Đôn, trên đường đi sứ sang Tàu nghỉ qua đêm ở một ông chánh tổng (hồi ấy chưa có khách sạn 5 sao), tò mò đọc quyển sổ ghi nợ thuế thân của ông ta. Hàng nghìn suất đinh, đâu ít. Đi sứ về, khi Lê Quý Đôn ghé qua, ông ta khóc khóc mếu mếu cho hay nhà bị cháy, điều ông ta lo hơn cả không phải là tài sản bị mất mà là quyển sổ nợ thuế, căn cứ đâu mà đòi. Lê Quý Đôn cười, bảo ông ta mang sổ trắng ra, đọc vanh vách cho ghi lại, không sót một con số, một cái tên. Vậy, đâu phải quyển sổ ghi nợ tuy chẳng phải là một tác phẩm văn chương tuyệt tác hấp dẫn thế mà Lê Quý Đôn tiên sinh nhớ mãi?
Chắc bạn sẽ bảo, truyện xưa, chỉ là truyền thuyết. Thì đây, chuyện vừa xẩy ra tại Hà Nội. Trung tuần tháng 3, ông Eran Katz, một học giả Israel, người có tên trong Sách kỷ lục Guinness biểu diễn trước cử tọa khả năng đọc lại 500 con số một khán giả đưa ra chỉ sau một lần nghe. Những con số khô khan ấy chẳng in đậm ấn tượng nào.
Nhớ thì không giải thích được thì quên cũng tương tự, ở mỗi người mỗi khác. Nhưng quên thường cũng có nguyên nhân. Cái gọi là “đãng trí bác học” về tính hay quên, đi giầy chiếc đen chiếc trắng chẳng qua là các vị đầu to mắt cận ấy dành tất cả trí tuệ cho nghiên cứu khoa học mà quên ba cái chuyện lẻ tẻ đó thôi.
Nói như vậy thì quên cũng là một thành phần của nhớ. Hệ thần kinh tự bảo vệ mình bằng cách quên. Thông thường, nó biết cách xóa những thông tin ít liên hệ với những thông tin khác mà nó “cảm thấy” không quan trọng. Chẳng biết câu thơ “Tôi hay quên nghĩa là tôi đã nhớ/Phải có gì để nhớ mới hay quên” xuất xứ từ đâu, nhưng quả là đúng. Tất nhiên, cũng “quá thể đáng” nếu sự nhớ và quên mất cân bằng đến mức nguy hiểm như ca dao “Nhớ ai nhớ mãi thế này/Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”.
Khi cố quên là thêm nhớ!
Cho nên, hãy nhớ những gì cần nhớ, quên những cái nên quên…Song trong Tâm lý học có quy luật “Càng cố quên thì lại càng nhớ mãi”. Đó là nghịch lý của những cuộc tình dang dở.
Quên tâm lý và quên bệnh lý
Dường như dung lượng của trí nhớ có hạn, chứ chỗ nào mà chứa được hết những thông tin cuộc sống ào ạt đổ vào. Bộ nhớ cũng phải dọn dẹp, thanh lý bớt bằng cách quên. Tuy nhiên cũng có ranh giới để biết thế nào là quên bình thường(còn gọi là quên tâm lý), quên không bình thường (gọi là quên bệnh lý).
Nếu đôi khi bạn ra đường, bấm khóa cửa rồi mới biết quên chìa khóa ở trong nhà, gặp một người bạn cùng học cấp hai mà chẳng nhớ được tên, mất bao công cặm cụi nấu một món đặc sản dành cho ngày sinh nhật ông xã mà quên nêm muối, bỏ mất cặp vé xem showbiz Hồ Ngọc Hà…thì đừng vội lo, đó chỉ là sự quên tâm lý hết sức bình thường. Đãng trí cũng là một tính cách của những người vô tư, ít quan tâm đến nhiều sự việc, có thể gây những chuyện nực cười cũng chỉ là chuyện bình thường. Cũng có người hay quên mang tính di truyền mà những người thân cũng bị mặc. Quên do tuổi tác mà không che đậy được bằng các thủ thuật thẩm mỹ cũng hoàn toàn không có gì đáng lo ngại. Chú ý là khi người phụ nữ mang bầu cũng hay quên hơn những khi bình thường.
Hay quên kiểu này giới y học còn gọi là quên lành tính. Thế nhưng nếu sự quên diễn ra thường xuyên, nhất là quên những thứ trước không hề quên, quên những việc làm hàng ngày, quên tắt vòi nước, bếp ga khi ra khỏi nhà, quên đón con để nó gào khản cổ nơi nhà trẻ…thì cũng nên cảnh giác. Chúng có thể là mầm mống của sự suy giảm trí tuệ, là bước đầu của bệnh Alzheimer. Khi trở thành bệnh lý tính hay quên hàng ngày càng trầm trọng, biểu hiện rõ rệt nhất khi khó định được phương hướng, đi đường bị lạc, không tập trung nỗi khi theo dõi các sự kiện (xem phim, đọc báo…).
Nếu bạn đến phòng khám, thì tại đây, bạn sẽ được bác sĩ làm những test chuẩn, kiểm tra trí nhớ để phát hiện bệnh nếu nó thực sự xẩy ra.
Đã gọi là bệnh thì có nhiều mức độ, nhiều loại hình từ việc quên hết những hồi ức về quá khứ đến mức nhớ những sự kiện cũ nhưng mất khả năng tạo ra được trí nhớ mới. Mức độ cao nhất là bệnh Alzheimer – dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất hiện nay, bắt đầu bằng việc quên những việc đơn giản, mới diễn ra, quên tên các đồ vật, tên bạn bè, người thân, quên đường đi lối lại…rồi dẫn đến biến đổi nhân cách, tính khí thay đổi thất thường, hoài nghi tất cả. Các triệu chứng ngày càng nặng lên đến lúc không thể tự chăm sóc bản thân mình.
Bệnh quên có các nguyên nhân khác nhau và đương nhiên đều liên quan đến não. Loại trừ nguyên nhân muôn thuở là “già thì ai chẳng lẫn”, bệnh quên có thể gây ra do chấn thương đầu, do nghiện rượu, do trầm cảm mà không điều trị, do hậu quả của một trận đột quỵ, do sai sót trong giải phẩu não, do sử dụng lâu dài một loại thuốc nào đó…bạn chẳng thường nghe chuyện những anh thương binh từ chiến trường trở về, bị chấn thương sọ não không nhớ được quê hương bản quán, không nhận ra cha mẹ, vợ con, thậm chí không nhớ được chính tên mình và chẳng biết mình là ai, đó sao? Bạn chẳng thấy những ông già to béo, phương phi ngồi trong những chiếc ghế bành nhìn trân trân và khoảng không với đôi mắt trống rỗng, vô hồn, quên cả động tác đánh răng, rửa mặt, đường đi ngay trong nhà và người thân kẻ thuộc đó sao? Ông già ấy sống trong sự cầm tù của bệnh lú lẫn mang tên Alzheimer.
Hãy biết quên
Quên là hiện tượng tự nhiên. Chẳng khác gì một máy tính, dung lượng bộ nhớ của chúng ta dường như có hạn. Nếu bạn muốn “Save” cái này thì phải nhấn phím “Delete” để xóa bớt cái kia, mà thông thường thời gian tự động giúp ta điều đó. Có nhà tâm lý tính toán chẳng biết có đúng không, cứ sau 24 giờ, 50% lượng thông tin nạp vào bộ nhớ sẽ bị xóa. Những chú chuột thí nghiệm tìm thức ăn trong mê lộ đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng để có trí nhớ tốt, số Nơron trong vùng hải mã trên não phải ít đi.
Hãy học để biết quên!
Vấn đề là cần khôn ngoan lựa chọn lưu giữ cái gì và xóa đi những cái gì. Nói cách khác, phải biết quên. Đừng tiếc nuối. Quên rất có lợi. Quên những hận thù để cuộc sống được thanh thản. Quên những cái nhỏ nhen của người khác để giữ gìn những mối quen hệ được bền lâu, quên những phiền muộn để lạc quan trong cuộc sống…
Một câu chuyện trong “Cổ học tinh hoa” kể, đời nhà Tống bên tàu có một anh chàng mắc phải bệnh quên; buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên; hôm nay cho ai cái gì, ngày mai đã quên; ra đường quên cả đi, ở nhà quên cả ngồi; trước có làm những gì, bây giờ quên hết, bây giờ đang làm gì, sau này cũng quên hết. Cạy cục chạy chữa mãi bao nhiêu năm trời, anh ta mới khỏi. Nhưng từ đó, anh luôn nổi cơn giận dữ, luôn bực bội, chửi vợ, đánh con, gây gỗ với hàng xóm láng giềng. Nói chung là anh ta sống không yên.
Người ta bèn hỏi anh vì cớ gì như vậy, anh ta nói: “Lúc trước ta có bệnh quên, thì trong lòng ta thản nhiên khoan khoái, giời đất có hay không, ta cũng chẳng cần biết. Nay hết bệnh, ta lại nhớ cả những việc vài mươi năm về trước, việc còn, việc mất, việc được, việc hỏng, việc thương, việc vui, việc yêu, việc ghét, trong lòng lúc nào cũng muôn mối ngổn ngang bời bời nổi lên. Bây giờ dù muốn quên đi một chút, một lát mà không thể được”
Cứ gì phải bảo đời Tống đời Đường cho xa xôi, chuyện bây giờ đây thôi. Quên được những gì đáng quên, quả là một hạnh phúc. Nhưng làm thế nào để quên. Lại xin kể chuyên “Cháo lú” – bát cháo trong các câu chuyện Phật giáo mà Diêm Vương cho các linh hồn ăn trước khi đi đầu thai để quên hẳn kiếp trước.
Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có cặp vợ chồng mở quán cơm. Muốn làm giàu nhanh, hai vợ chồng bàn nhau: Khách hàng vào, cuối bữa, mình sẽ khuyến mại cho một món cháo lú làm đetxe, nấu thật ngon. Họ ăn xong bát cháo lú ấy quên béng hành lý mang theo. Vợ chồng mình cuỗm luôn, tiền thì lấy, đồ thì bán. Chúng hí hửng coi là diệu kế. Vừa lúc mấy ông lái ô tô Mercedes, xách ka-táp vào nhậu bằng tiền chùa. Mụ vợ thập thò xem âm mưa của chúng kết quả ra sao, mừng húm thấy họ ăn bát cháo lú quá ngon lành, còn thòm thèm nữa. Quả nhiên…Mụ vợ chạy vào ôm chồng hôn vào má cái chụt, nhanh nhẩu báo tin:
- Chúng đi rồi. Hì hì…cháo lú mình nấu thật hiệu nghiệm. Hì hì…
- Anh chồng nhảy cẫng: – Ok. Very good, em yêu! Vậy chúng quên những gì…
- Mụ vợ toe toét:- Hì hì, chúng quên trả tiền…
Chuyện không kể tiếp những chắc “em yêu” bị sưng má vì ở đời thiếu gì gã chồng vũ phu.
Cháo lú hiện chẳng thấy bán ở quán cơm nào, nhưng nếu trên đời này có món cháo lú thật thì cũng chưa biết đời người sẽ loạn đến mức nào.
Muốn đỡ quên, xin chọn cách ăn
Doremon xưa, có chiếc bánh mì in cả cuốn sách, Nobita chỉ việc ăn chiếc bánh mì đó là yên tâm vào phòng thi. Có quá nhiều cuốn sách, bài báo viết về cách cải thiện trí nhớ, nghĩa là dạy cách người ta khỏi quên, chẳng có vị quân sư nào dạy cho người ta cách…biết quên.
Nói chung, người ta bảo để nhớ tốt phải tập trung, phải liên tưởng điều mình cần nhớ với những hiện tượng khác. Gạt bỏ mọi thứ rườm rà, phải biết tạo ấn tượng cho điều cần nhớ, thư giản tốt, ngủ đủ giấc…và cả chọn cách ăn uống nữa.
Bạn thấy không, trong câu chuyện về nồi cháo lú kể trên, đúng hay sai chẳng biết, chỉ biết các cụ ngày xưa đã nói lên một ý là, thực phẩm có tác dung đến trí não. Chúng có tác dụng để quên thì cũng có tác dụng để nhớ.
Ngày nay các nhà dinh dưỡng cũng đề cập nghiêm túc đến việc “ăn để nhớ lâu”. Họ bảo: Những thực phẩm tốt cho trí nhớ là những thực phẩm giàu đường như chuối, mít, cung cấp glucôzơ cho não, đặc biệt là vùng trí nhớ và các nơron thần kinh, là thực phẩm giàu hydratcacbon như ngũ cốc, hoa quả, và rau xanh, như cà chua, bắp cải tím, dưa đỏ chứa cả những Vitamin C, B, A, E, nguyên tốt Mg giúp não hoạt động tốt, tránh lo âu, phiền muộn, là thực phẩm giàu DHA và axit béo omega-3 có nhiều trong cá, cải thiện chức năng của dây thần kinh…Uống thì có chè, cacao, nhưng tránh cà phê vì đồ uống này làm tăng huyết áp, nhịp tim và gây stress.
Ồ, những thứ ấy cũng…dễ ăn đấy chứ. Ăn là cách chữa bệnh thú vị nhất, phải không bạn!?