Đắk Nông: Thêm 3 ca bạch hầu, hơn 1.200 người phải điều trị dự phòng
Ngành y tế tỉnh Đăk Nông vừa phát hiện thêm 3 ca mới nhiễm bạch hầu, nâng tổng số người bệnh tại tỉnh này lên 12 trường hợp. Hiện cơ quan y tế đã cho cách ly hơn 600 người liên quan, đồng thời điều trị dự phòng cho hơn 1.200 người…
Theo Sở Y tế tỉnh Đăk Nông, trong số bệnh nhân mới có Giàng A Ph. (13 tuổi) đang trong tình trạng nặng. Hai người còn lại là Giàng A P. (40 tuổi) và Thào A T. (10 tuổi), sức khỏe đã ổn định, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông.
Như vậy trong tháng 6, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 ca dương tính với bệnh bạch hầu (4 ca bệnh tại huyện Krông Nô, 5 ca ở xã Quảng Hòa (nơi xuất hiện ổ dịch thứ hai) thì còn lại 3 ca ở Đắk R’măng thuộc điểm dịch mới) từ 3 ổ dịch.
Hiện cơ quan y tế đang cách ly 307 người tại xã Đăk R’măng và 355 người ở xã Quảng Hòa, cùng huyện Đăk Glong. Những người này không được rời khỏi địa phương, mọi giao dịch được thực hiện tại chốt cách ly. Đồng thời, hơn 1.200 người được điều trị dự phòng.
Trước đó, vào ngày 19/6, cháu bé Sùng Thị H. (9 tuổi, ngụ xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) đã phát bệnh bạch hầu, được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Do chuyển biến nặng nên sau đó đã được chuyển đến chữa trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM. nhưng đến sáng 20/6, H. đã không qua khỏi do bệnh bạch hầu ác tính biến chứng tim.
Cũng trong ngày này (19/6) xã Quảng Hòa đã phát hiện thêm 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có cháu Ma Văn T. (9 tuổi, gần nhà cháu H). Hiện nay tình trạng của cháu T. cũng khá nặng.
Tại Trung tâm Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, Đắk Nông) hôm 14/6 cũng đã xảy ra bốn trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Các bệnh nhân này từ 9-15 tuổi và đều có tiền sử tiêm ba mũi vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà.
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao và lây lan rất nhanh. Người nhiễm bệnh sẽ có các triệu chứng lạ như ho sốt, mất tiếng, khàn giọng, đau họng hay nổi hạch trắng trong cổ họng.
Người mắc bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Độc tố bạch hầu gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6 ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5-10%. Tỉ lệ tử vong có thể cao hơn đối với trẻ em dưới 15 tuổi.
Hiện tại cách phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin 5 trong 1 thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng lúc bé 2, 3, 4 tháng tuổi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng.
Và khi có dấu hiệu bệnh hoặc nghi ngờ, phải cách ly, khám và điều trị kịp thời.
Vũ Tuấn (t/h)