Đắk Nông: Xuất hiện ổ dịch bạch hầu thứ 2, gần 400 người phải cách ly
Sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu thứ 2 khiến 1 cháu nhỏ tử vong, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã cho cách ly gần 400 người dân. Trên địa bàn tỉnh này hiện có năm ca dương tính với bạch hầu đang được điều trị.
Chiều 21/6, trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Hùng, P.GĐ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện thêm ổ dịch thứ hai tại cụm 12, xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’long, Đắk Nông).
Theo đó, tại cụm này có 2 ca dương tính với bệnh bạch hầu. Trong đó, một ca đã tử vong và một ca được đưa vào BV đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.
Trường hợp tử vong là bệnh nhân Sùng Thị H. (9 tuổi, ngụ xã Quảng Hòa, H. Đắk G’long, Đắk Nông). Bé H. tử vong do nguyên nhân “bạch hầu ác tính biến chứng tim”.
Cụ thể, ngày 19/6, cháu H. được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở. Bệnh nhân sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM.
Đến sáng 20/6, cháu H. tử vong do bệnh bạch hầu ác tính biến chứng tim. Bệnh nhân tử vong được chôn cất trong vòng 3 giờ sau khi đưa về nhà. Các nhân viên y tế khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tiếp xúc với thi thể, những người đến thăm viếng được cho uống thuốc kháng sinh dự phòng.
Bệnh nhân thứ hai dương tính với bạch hầu là cháu Ma Văn T. (9 tuổi, là hàng xóm và có tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân H.) đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk) để điều trị. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân T. đã tương đối ổn định.
Cách ly gần 400 trường hợp
Trước tình trạng trên, ngành y tế Đắk Nông đã tiến hành khoanh vùng, cách ly đối với khu vực có dịch bệnh. Tỉnh này cũng đã lập các chốt chặn ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, nghĩa là không cho người bên ngoài đi vào vùng có dịch bệnh và ngược lại.
“Hiện nay tỉnh đã cách ly đối với cụm dịch bệnh nói trên, trong khu vực cách ly có 355 người (71 hộ). Người dân trong khu vực này được cho dùng thuốc để điều trị dự phòng. Ngành y tế cũng đã tiến hành cho khử khuẩn 100% đối với môi trường trong khu vực cũng như đối với trường học và trạm y tế có liên quan đến nguy cơ lây nhiễm”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo P.GĐ Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, đối với 355 trường hợp được cách ly, ngành y tế tỉnh đã cho khám sàng lọc và phát hiện hai ca dương tính.
Ngoài ra, còn 10 ca chẩn đoán nghi ngờ, nghĩa là những trường hợp có triệu chứng viêm đường hầu họng. Trong đó, có những trường hợp có giả mạc, có trường hợp không. Qua xét nghiệm đều âm tính nhưng vẫn được đưa đi điều trị.
“Đối với thi thể người tử vong vì mắc bạch hầu, sau khi được đưa về địa phương để mai táng, lực lượng ngành y tế xử lý theo quy định. Những người đến thăm viếng đều được điều trị bằng thuốc dự phòng”, ông Hùng thông tin.
Trước đó, ngày 14/6, tại Trung tâm Ngôi nhà may mắn (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cũng xảy ra bốn trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Các bệnh nhân này 9-15 tuổi và đều có tiền sử tiêm ba mũi vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván, ho gà.
Từ ngày 3 đến 6/6, các bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng sốt, đau họng, biếng ăn, nôn ói. Sau đó, cả ba bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho thấy các bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.
Căn bệnh có thể gây tử vong trong vòng 6 ngày
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.
Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm.
Trong khi một số người sẽ xuất hiện triệu chứng bệnh bạch trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn thì một số khác sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào hoặc sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Sưng các tuyến ở cổ
- Ho như chó sủa
- Viêm họng, sưng họng
- Da xanh tái
- Chảy nước dãi
- Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Thay đổi thị lực
- Nói lắp
- Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh.
Vũ Tuấn (t/h)